Khi tiền tệ mã hóa nằm trong tay nhà nước


Trong bối cảnh phát triển liên tục của tiền tệ mã hóa (tiền ảo, tiền kĩ thuật số) hiện nay, chuyện gì sẽ xảy ra nếu các chính phủ cũng tham gia vào việc quản lí và phân phối loại tiền tệ kiểu mới này? Lợi thế, bất cập, ảnh hưởng đến nền kinh tế và cuộc sống - tất cả đều được đề cập trong bài phân tích sau đây.

maxresdefault.jpg

Hiện tại, chính phủ nhiều nước trên thế giới - bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Canada, Venezuela, Estonia, Thụy Điển, và Uruguay - đã và đang bắt tay tạo lập tiền tệ mã hóa cho riêng mình (hoặc ít nhất là nghiên cứu việc tạo lập). Mặc dù vậy, do các tiêu chí của các chính phủ khác xa so với những quy luật thị trường, tiền mã hóa quốc gia sẽ không hề giống với với các loại tiền mã hóa hiện có.

Đặc biệt, tính phân quyền - một đặc trưng của tiền ảo thông thường - sẽ không xuất hiện ở tiền mã hóa quốc gia; trên thực tế, các loại tiền kĩ thuật số do nhà nước quản lí sẽ mở ra một thời kì chuyên quyền, vốn sẽ dấy lên những lo ngại về tính riêng tư và tiềm năng của các loại tiền ảo thông thường hiện tại như bitcoin.

Thật vậy, tính phân quyền là một trong những yếu tố cơ bản (nếu không muốn nói đây là yếu tố chủ đạo) để phân biệt giữa tiền mã hóa thông thường và tiền mã hóa do chính phủ quản lí. Nhờ tính phân quyền mà tiền mã hóa thông thường không phải chịu sự kiểm soát của bất kì cá nhân, chính phủ, tổ chức, hay công ty nào.

Ngược lại, với tiền mã hóa do chính phủ quản lí, chúng thực sự… hoàn toàn do chính phủ quản lí. Sự tập trung quản lí có thể tạo ra những điều kiện có tính bước ngoặt cho các chính phủ; một số điều kiện thì hứa hẹn, số khác thì khá gây hoang mang. Với tiền mã hóa quốc gia, người dân có một phương tiện thanh toán rẻ mà an toàn hơn, nhưng cùng với đó là nỗi lo mất đi quyền riêng tư (đặc biệt là ở những nước chuyên chế).

Một ví dụ cho việc chính phủ bắt tay lập ra tiền mã hóa là nước Nga. Chi tiết về công cuộc này là không nhiều, và người ta vẫn chưa biết đồng ruble mã hóa sẽ sử dụng công nghệ phân quyền hay sẽ hoàn toàn là sản phẩm của chính phủ Nga. Dù thế, một điều chắc chắn là chính phủ Nga sẽ dùng tiền mã hóa quốc gia để lách qua những rào cản cấm vận quốc tế, đồng thời có thể áp thuế đối với thị trường chợ đen kếch xù ở nước này.

Paul Triolo, Giám đốc bộ phận Địa Công nghệ của công ty tư vấn Eurasia Group, nhận định: “Các chính phủ trung ương đang đứng giữa hai lựa chọn: một là tìm cách quản lí tiền mã hóa thông thường, và hai là tự tạo ra tiền mã hóa riêng. Năm 2017 chính là năm bản lề cho những tình hình biến động phức tạp của tiền mã hóa, vốn được dự báo là sẽ rất phức tạp và xảy ra trên toàn cầu.”

Vậy tại sao lại là lúc này?

Công nghệ đứng đằng sau tiền tệ ảo không hề mới. Các công ty đã định hình rằng các giao dịch của họ hoàn toàn ở dạng kĩ thuật số từ rất lâu trước khi Venmo (tên của một công ty dịch vụ thanh toán di động do tập đoàn giao dịch trực tuyến PayPal sở hữu) thông dụng đến nỗi trở thành một động từ trong tiếng Anh. Trong khi đó, các chính phủ và các ngân hàng lại không vội vàng ứng dụng giao dịch kĩ thuật số, đơn giản là vì… chưa có ai thực hiện điều đó.

Mãi cho đến khi bitcoin và các loại tiền mã hóa thông thường khác xuất hiện rồi bùng nổ, các chính phủ mới rơi vào tình thế phải cân nhắc ý nghĩa của công nghệ này đối với tương lai của thương mại, tài chính, cũng như quyền kiểm soát tập trung sự phát hành và lưu chuyển tiền tệ.

Jacob Eliosoff, nhà sáng lập quỹ đầu tư tiền tệ mã hóa Calibrated Markets, nhận định rằng các chính phủ đã nhận ra những lợi ích của công nghệ này nhưng vẫn phải cần thời gian để hiểu rõ nó. Trong một e-mail, ông viết rằng dù công nghệ tiền mã hóa “có nhiều lợi ích như giao dịch điện tử toàn cầu nhanh chóng, ngăn chặn nạn tiền giả, lưu trữ và quản lí giao dịch hiệu quả hơn, không cần đến in ấn”, nhưng “các chính phủ, cũng như các công ti, đang phân vân giữa những lời đồn thổi và vội vã ứng dụng để không bị lạc hậu.”.

Không dừng lại ở đó, bitcoin đã chứng tỏ khả năng tạo ra tiền nằm ngoài tầm kiểm soát của các hệ thống tài chính công. Theo Ole Bjerg, một Phó Giáo sư giảng dạy ở Trường Kinh doanh Copenhagen (Đan Mạch), cho biết thực tế này sẽ buộc các chính phủ và các ngân hàng trung ương xem xét lại vai trò của họ trong nền kinh tế ở tương lai. Ông nói :”Khả năng của bitcoin làm mọi người biết rằng họ có những cách thức mới xoay tiền mới.”.

Thế còn tiền ảo của nhà nước? Theo nhiều định nghĩa, các loại tiền kĩ thuật số do chính phủ hay ngân hàng trung ương hỗ trợ, phát hành, và kiểm soát đều không được xem là “tiền mã hóa”. Ông Eliosoff viết tiếp trong mail :”Bản chất của “mã hóa” chính là tính phi tập trung, vì thế tiền tệ mã hóa đúng nghĩa sẽ không thuộc sở hữu hoặc quản lí của bất kì cá nhân hay tổ chức nào. Điều đó có nghĩa là không ai có thể lấy tiền của bạn, hoặc cấm bạn tự ý gửi hoặc in tiền.”.

Với một số người, định nghĩa và cơ chế hoạt động của tiền mã hóa đều không quan trọng. Phó Giáo sư Bjerg cho biết :”Điều cốt yếu là bạn sẽ sở hữu tiền kĩ thuật số do ngân hàng trung ương chịu trách nhiệm pháp lí. Sử dụng chuỗi khóa (công nghệ chủ đạo của tiền mã hóa) hay cơ sở dữ liệu cũng chẳng khác nhau là bao.”.

Những người sử dụng được lợi gì từ tiền kĩ thuật số do chính phủ quản lí?

Lợi ích nghe đơn giản nhưng rất thiết thực: loại tiền này sẽ giúp người sử dụng tiết kiệm nhiều chi phí. Theo Andrew Levin, Giáo sư Kinh tế học ở Đại học Dartmouth (Anh), tiền ảo sẽ giúp giảm bớt phí khấu hao trung gian từ giao dịch (do số lượng cá nhân và ngân hàng trung gian giảm). Cũng theo Giáo sư Levin, lí do quan trọng nhất cho công cuộc phát triển tiền mã hóa do chính phủ quản lí là tạo ra một hệ thống thanh toán tiện lợi cho người dùng và doanh nghiệp.

Thật vậy, nếu bạn có một thẻ ghi nợ, rất có thể tấm thẻ đó có liên quan đến một trong số các tổ chức tài chính như MasterCard, Visa, Bank of America, Wells Fargo, hay một lô một lốc những công ty khác. Tất nhiên các tổ chức này sẽ đính kèm dịch vụ tài chính miễn phí khi cấp thẻ cho bạn: họ sẽ kiếm tiền khi bạn sử dụng tấm thẻ đó.

Ngược lại. với hệ thống tiền ảo của chính phủ, bạn sẽ thanh toán bằng “Tiền tệ Kĩ thuật số Tập trung” (Centralized Digital Currency - CDC) do chính phủ - hay nói đúng hơn là ngân hàng trung ương - trực tiếp quản lí. Bạn vẫn sẽ có một tấm thẻ sử dụng CDC, nhưng nó không thuộc về một tổ chức tài chính tư nhân nào - trên thẻ sẽ ghi tên một ngân hàng trung ương nào đó, ví dụ như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (vốn là ngân hàng trung ương của Mỹ).

Giao dịch của bạn sẽ không bị cắt xén, và chính phủ cũng không buồn móc tiền từ giao dịch của bạn giống như các tổ chức tài chính tư nhân thường làm. Từ đó, ta có thể thấy sử dụng CDC cũng tương tự như sử dụng tiền mặt.

Sự chú ý của các chuyên gia kinh tế

Bên cạnh lợi ích dành cho những người sử dụng bình thường, hệ thống tiền mã hóa của chính phủ còn khiến các nhà kinh tế hứng thú với điểm tích cực mà nó mang lại cho nền kinh tế.

Thông thường, các chính phủ sẽ ủy quyền các ngân hàng trung ương để quản lí nền kinh tế. Lấy nước Mỹ làm ví dụ: ngân hàng trung ương của nước này là Cục Dự trữ Liên bang (Federal Reserved, gọi tắt là FED).

FED quản lí nền kinh tế Mỹ với một cơ chế tương đối bí mật, trong đó cơ quan này sẽ thay đổi lãi suất để kiểm soát nguồn cung tiền. Việc thay đổi lãi suất này là một quy trình nhiều bước nhằm tác động lên thói quen chi tiêu và tiết kiệm của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Mặc dù vậy, kết quả sau cùng của việc thay đổi lãi suất từ FED lại bị chi phối bởi chính những tổ chức tư nhân vốn nắm giữ nguồn tài chính.

Vì thế, điểm tích cực mà CDC mang lại cho nền kinh tế là ngân hàng trung ương có thể trực tiếp thay đổi lãi suất trên chính loại tiền tệ này, qua đó việc khuyến khích chi tiêu và tiết kiệm của ngân hàng trung ương có vai trò rõ nét hơn. Không chỉ thế, CDC còn có thể dễ dàng hạ lãi suất xuống dưới mức 0% - một điều mà các ngân hàng trung ương hiện tại chưa làm được - trong bối cảnh kích thích tăng trưởng thực sự cấp bách.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính và hệ quả là nền kinh tế toàn cầu trở nên trì trệ, những biện pháp hiện tại vẫn chưa kích thích tăng trưởng một cách thật sự hiệu quả, bất chấp việc các ngân hàng trung ương hạ mức lãi suất đến mức thấp nhất có thể để vực dậy nền kinh tế. Theo Giáo sư Levin, việc các ngân hàng trung ương chủ động thúc đẩy kinh tế thông qua kiểm soát tiền tệ mã hóa sẽ thay đổi cuộc sống của rất nhiều người.

Ông cho biết :”Đây là một quá trình phục hồi kinh tế chậm chạp, khiến nhiều hộ gia đình bình thường ở Mỹ đã và đang khổ sở trong suốt 10 năm qua. Một trong số những lí do cho tình trạng này là vì vai trò của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bị hạn chế.”. Các chuyên gia kinh tế thậm chí còn tin vào một tương lai hứa hẹn trong đó CDC sẽ biến các cuộc khủng hoảng kinh tế thành những cơn gió thoảng thay vì những cơn bão càn quét nước Mỹ và phần còn lại của thế giới như vài năm trước đây.

Các yếu tố cần lưu ý

Tất nhiên, một hệ thống tài chính còn… chưa hình thành như CDC vẫn sẽ có một số vấn đề còn tồn tại.

  • Thứ nhất là sự thiếu vắng tính phân quyền - đặc trưng tiêu biểu của tất cả các loại tiền mã hóa thông thường hiện nay; rõ ràng là nhà nước sẽ không chia sẻ quyền kiểm soát CDC với bất kì một tổ chức hay cá nhân nào khác.

  • Thứ hai là vấn đề riêng tư: đối với tiền mặt, người dùng có thể thoải mái chi tiêu mà không cần bận tâm giải thích hành động chi tiêu của mình; với hệ thống CDC, sự thoái mái sẽ không còn nữa. Ông Eliosoff nhận định :”Điều này nghe có vẻ bất thường, nhưng tiền mã hóa thông thường mang đến cho người dùng sự tự do, vì rằng họ có thể thực hiện những giao dịch không ai có thể kiểm soát - một viễn cảnh chắc chắn không xảy ra với hệ thống tiền mã hóa do nhà nước quản lí.”.

Những mục tiêu đầy thâm sâu của nước Nga đối với hệ thống tiền mã hóa quốc gia của nước này có thể là hình mẫu để từng chính phủ trên thế giới có thể xúc tiến việc lập ra tiền tệ mã hóa quốc gia cho riêng mình. Trong khi đó, trớ trêu thay, Nga và Trung Quốc - hai trong số những quốc gia tích cực theo đuổi mục tiêu thành lập tiền ảo nhà nước - lại đang kìm hãm bitcoin và các loại tiền ảo thông thường khác.

Từ hiện tại đến tương lai

Lẽ dĩ nhiên là sẽ không có nhiều thay đổi xảy ra tại thời điểm này. Các chính phủ sẽ không sốt sắng thay đổi, và rất nhiều cuộc thử nghiệm sẽ cần được tiến hành để xác định mức độ hiệu quả của hệ thống tiền tệ mới. Đó là chưa kể những quốc gia có những ý tưởng khác như đặt ra mức thu nhập cơ bản tối thiểu.

Dù thế, các nước vẫn có thể quay sang sử dụng tiền mã hóa quốc gia nếu hệ thống này mang đến một phương án thay thế thực tế và hữu hiệu hơn so với hệ thống tài chính hiện thời. Với rất nhiều chuyên gia về tiền mã hóa, sự xuất hiện của phương án thay thế đó chỉ còn là vấn đề thời gian.

Quốc Huy (theo Mashable)

Xem thêm