Sửa chữa thần tốc khe co giãn cầu Thanh Trì bằng vật liệu đặc biệt
Với việc ứng dụng loại vật liệu siêu đông cứng do nhóm tác giả Công ty CP VMAT sáng tạo, thay vì phải mất cả ngày, thì chỉ cần 6 tiếng thi công sửa chữa khe co giãn, xe ô tô đã được lưu thông qua cầu Thanh Trì, đã mang lại lợiích rất to lớn cho xã hội cũng như đảm bảo an toàn giao thông.
Nằm trên tuyến đường vành đai 3 Hà Nội, Cầu Thanh Trì có hơn 20 khe co giãn. Sau 11 năm cầu được đưa vào sử dụng, hầu hết các khe co giãn này đều đã xuống cấp và hư hỏng nặng.
Trước đây, khe co giãn mặt cầu Thanh Trì đã được sửa chữa một lần, trong khoảng 1 tháng, buộc các cơ quan chức năng phải tiến hành phân luồng khi chỉ được phép đi 1/4 mặt đường, 3/4 mặt đường còn lại dành để thi công sửa chữa.
Nhưng đêm 31/10 vừa qua, chỉ sau 6 tiếng thi công sửa chữa khe co giãn, sáng nay, tất cả các phương tiện đã được lưu thông qua cầu Thanh Trì.
Đại diện Công ty cơ khí 68 & xây dựng Thăng Long, đơn vị thi công sửa chữa khe co giãn cho biết, Công ty đã tiến hành thi công sửa chữa các khe co giãn trên mặt cầu Thanh Trì.
Thông thường, khi tiến hành thi công hạng mục này, với các vật liệu truyền thống phải sau 24h mới thông xe. Điều này dẫn đến ùn tắc kéo dài, việc phân luồng giao thông khó khăn khiến hàng nghìn xe ô tô phải đợi chờ, gây lãng phí nguồn lực vật chất và xã hội.
Đêm 31/10, Công ty cơ khí 68 & xây dựng Thăng Long đã sử dụng một loại vật liệu mới là vật liệu siêu đông cứng. Với loại vật liệu này, chỉ sau khi thi công 6 giờ đồng hồ là có thể thông xe, tiết kiệm được rất nhiều thời gian và nguồn lực xã hội.
Vật liệu siêu đông cứng này do nhóm tác giả của Công ty CP VMAT sáng tạo và đưa vào sử dụng, đã mang lại lợi ích rất to lớn cho xã hội cũng như đảm bảo an toàn giao thông.
GS Vũ Đình Phụng, chuyên gia về tư vấn và kiểm định chất lượng công trình giao thông đánh giá, đây là vật liệu tốt, đặc biệt đối với các dự án yêu cầu thời gian liên kết nhanh, đảm bảo an toàn giao thông.
Loại vật liệu mới này công và dùng thiết bị đơn giản, nhẹ nhàng, nhỏ, nên không chiếm dụng nhiều diện tích mặt cầu, cũng không ảnh hưởng quá lớn đến việc lưu thông trên các tuyến đường, tuyến cầu có mật độ lưu lượng qua lại lớn.
Còn PGSTS Nguyễn Quang Phúc, Phó Chủ nhiệm Khoa Công trình, Trường ĐH GTVT cho rằng, trước mắt, có thể khẳng định loại vật liệu này khá linh động, thi công dễ dàng, phù hợp trong thi công đối với các dự án ven cửa ngõ của các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, phù hợp cho thi công trên những tuyến đường độc đạo, đặc biệt sữa chữa trên các cầu cao tốc.
Anh Trần Văn Bình, một tài xế chuyên chạy tuyến Hà Nội-Lạng Sơn cũng cho biết, anh ngạc nhiên khi đi qua cầu Thanh Trì sau khi được sửa chữa. Đường êm, không còn cảm giác sợ hãi khi đi qua các khe co giãn, nhất là không thấy giao thông bị ảnh hưởng suốt cả tuần nay mà lại có thể sửa chữa được cầu.
“Với phương pháp thi khi công sửa chữa mới này, giao thông trên cầu Thanh Trì sẽ không bịảnh hưởng bởi các đợt phân luồng do sữa chữa cầu nữa”- anh Bình nói.
Phương Nam - Thu Nhung (Kinh tế đô thị)