Hơn 475 tỉ đồng xây 7 hồ điều tiết ngầm chống ngập cho TP.HCM
Giai đoạn 1 của dự án "Xây dựng hồ điều tiết ngầm bằng công nghệ Cross-wave khu vực TP.HCM" có tổng mức đầu tư dự kiến là 475,269 tỉ đồng.
Hôm qua (23.11), Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM (Trung tâm chống ngập) vừa có văn bản đề xuất UBND TP chấp thuận dự án "Xây dựng hồ điều tiết ngầm bằng công nghệ Cross-wave (theo công nghệ Nhật Bản) khu vực TP.HCM (giai đoạn 1)".
Theo đó, sau khi mời tham gia khảo sát hiện trường và nhận được sự đồng thuận của UBND 5 quận: Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và quận 10, Trung tâm chống ngập đã tính toán, đề xuất dự án với tổng mức đầu tư dự kiến 475, 269 tỉ đồng để thực hiện xây dựng tổ hợp 7 hồ điều tiết với quy mô từ 1.500 - 20.000 m3.
Để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án trong năm 2019 - 2020, Trung tâm chống ngập kiến nghị UBND TP cho phép phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính, Sở GTVT để đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, hoàn thiện chủ trương đầu tư dự án và có thể báo cáo UBND TP trình trong đợt họp HĐND TP đầu tháng 12 tới.
7 vị trí được đề xuất xây dựng các hồ điều tiết ngầm công nghệ Cross-wave cụ thể như sau:
1. Công viên Hoàng Văn Thụ phường 10 quận Tân Bình: Lắp đặt hồ điều ngầm tiết với dung tích 5.000m3. Xây dựng trạm bơm công suất 2.000m3/h, cổng điều tiết, mương thu nước và cải tạo, mở rộng 39 miệng thu gom nước nhằm xóa giảm ngập cho các tuyến đường Trường Sơn, Trần Quốc Hoàn, Phan Đình Giót và Phan Thúc Duyên.
2. Vòng xoay Lê Văn Sỹ - Nguyễn Trọng Tuyển, phường 2, quận Tân Bình: Lắp đặt hồ có dung tích 1000m3. Xây dựng trạm bơm công suất l000m3/h, cải tạo, mở rộng 20 miệng thu gom nước, nhằm xóa giảm ngập cho khu vực chợ Phạm Văn Hai.
3. Công viên Làng Hoa - quận Gò Vấp: Hồ điều tiết ngầm có dung tích 20.000m3, trạm bơm công suất 4.000m3/h, cổng điều tiết, mương thu nước và cải tạo, mở rộng 35 miệng thu gom nước.
4. Công viên khu dân cư Trần Thiện Chánh - đường Trần Thiện Chánh, phường 12, quận 10: Lắp hồ với dung tích 5000m3. Đồng thời, xây dựng trạm bơm công suất l000m3/h, cải tạọ mở rộng 30 miệng hố thu gom nước.
5. Cũng tại quận 10, lắp đặt hồ điều tiết ngầm sân bóng đá Trường ĐH Bách khoa số 268 Lý Thường Kiệt, phường 14 với dung tích 5.000 m3. Xây dựng trạm bơm công suất l.000m3/h, cải tạo, mở rộng 35 miệng hố thu gom nước.
6. Tại dải cây xanh phân cách đường Phan Xích Long, phường 7, quận Phú Nhuận: Lắp hồ dung tích 2.000m3. Xây dựng trạm bơm công suất 1000m3/h, cải tạo, mở rộng 58 miệng thu gom nước.
7. Khuôn viên Cây xanh đối diện Công An phường 25, đường Tân Cảng và vỉa hè từ hẻm 48 đường Điện Biên Phủ - Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh gồm 2 hồ với dung tích 4.000m3, cải tạo 19 miệng hố thu gom nước. Xây dựng 2 trạm bơm, mỗi trạm 1.000m3/h.
Trước đó, tại Hội nghị mời gọi đầu tư các giải pháp chống ngập và xử lý nước thải do UBND TP.HCM tổ chức sáng 9.8, nhiều chuyên gia đã khẳng định xây dựng các hồ điều tiết ngầm theo công nghệ Nhật Bản là phương án phù hợp nhất để giải quyết tình trạng ngập úng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng tại TP.HCM.
Ngoài vai trò ngắt dòng chảy tràn để chống ngập, hồ điều tiết ngầm, với cơ chế thẩm thấu tự nhiên còn góp phần bổ sung nguồn nước ngầm cho các khu vực khan hiếm nước và xa hơn nữa là giảm nhiệt độ đô thị, giảm hiệu ứng nhà kính. Đồng thời, diện tích chiếm dụng mặt bằng của hồ điều tiết ngầm gần như bằng không, sau khi xây dựng xong, tất cả công trình hiện hữu sẽ được hoàn trả y như cũ.
TP.HCM cũng đã xây dựng thí điểm mô hình hồ điều tiết này trước cổng Nhà thiếu nhi Q.Thủ Đức và được các nhà khoa học đánh giá là có hiệu quả.
Hà Mai - Báo Thanh niên