Cảnh sát London thử công nghệ nhận dạng khuôn mặt tìm người bị truy nã


Cảnh sát thành phố London (Anh) khởi động thử nghiệm công nghệ nhận dạng khuôn mặt trong hai ngày, bắt đầu từ hôm 17.12.

Theo CNBC, công nghệ nhận dạng khuôn mặt sẽ bao phủ vùng Soho, Piccadilly Circus và Quảng trường Leicester của London, quét khuôn mặt người trong đám đông và chạy chúng cùng cơ sở dữ liệu những người đang bị truy nã của tòa án và Cảnh sát thủ đô London. Nếu có tín hiệu cảnh báo, cảnh sát sẽ đến nơi, xem xét và kiểm tra để xác nhận danh tính cá nhân.

Máy quét sẽ được triển khai trong khoảng tám giờ mỗi ngày, và được đặt ở vị trí dễ thấy cùng cảnh sát mặc đồng phục đứng gần. Đợt triển khai này là một phần của chiến lược kiểm soát rộng rãi hơn để giảm số lượng tội phạm và bạo lực tại Westminster.

Cảnh sát thành phố trước đó nỗ lực thông báo cho công chúng về việc sử dụng công nghệ bằng cách phát tờ rơi và dán poster tại nhiều khu vực nơi máy quét được triển khai. Giới chức cũng giải thích quá trình thử nghiệm với người dân.

Dù vậy, việc thử nghiệm vẫn vấp phải chỉ trích. Nhóm chiến dịch Big Brother Watch (BBW) huy động 6.685 bảng Anh, tương đương 8.440 USD, để khởi chạy chiến dịch pháp lý chống lại việc triển khai máy quét. BBW sử dụng luật Tự do Thông tin Anh để lấy số liệu của cảnh sát, cho thấy 100% lần quét trùng khớp mà máy báo từ tháng 5 đến giờ là không chính xác.

Thông báo về việc thử nghiệm công nghệ quét mặt, nhận diện khuôn mặt ở một số nơi tại London trên Twitter

Thông báo về việc thử nghiệm công nghệ quét mặt, nhận diện khuôn mặt ở một số nơi tại London trên Twitter

“Việc cảnh sát sử dụng công cụ giám sát độc đoán này hoàn toàn không có cơ sở pháp lý hay dân chủ nào là đáng báo động. Thực tế là nó hoàn toàn vô dụng cho đến nay cho thấy thời gian của cảnh sát và nguồn vốn công bị lãng phí”, Giám đốc BBW Silkie Carlo cho biết. Ivan Balhatchet, lãnh đạo chiến lược của dự án, thì cho hay cảnh sát London đã cam kết thực hiện thêm bốn thử nghiệm công nghệ nhận dạng khuôn mặt trước cuối năm nay.

Cảnh sát sẽ phân tích dữ liệu thu thập được từ thử nghiệm để đánh giá xem liệu công nghệ này có là công cụ hữu ích để răn đe và truy tìm tội phạm hay không. Ý kiến của công chúng cũng được thu thập. Giới thực thi pháp luật có ý sử dụng công nghệ trong các sự kiện thể thao, lễ hội âm nhạc và trung tâm giao thông trong tương lai.

Công nghệ nhận dạng khuôn mặt không chỉ được áp dụng trong ngành cảnh sát, mà cùng với sinh trắc học, còn được nhiều hãng tư nhân trên thế giới áp dụng. Đơn cử, hãng hàng không Qantas của Úc thông báo hồi tháng 7 rằng họ sẽ dùng công nghệ này để nhận diện hành khách. CEO Sân bay Sydney từng cho hay khuôn mặt của hành khách sẽ là hộ chiếu của họ trong tương lai.

Thu Thảo - Báo Thanh niên

Bài gốc

Xem thêm