Ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ người dân
TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 14 triệu người sử dụng mạng xã hội (MXH). Thành phố cũng đã mở rộng kênh tiếp nhận phản ánh thông tin của người dân và doanh nghiệp (DN) qua Facebook bằng hình thức lập “cổng” tương tác (fanpage) cho hệ thống 1022 để việc tương tác nhanh chóng, thuận lợi.
Tại kênh tương tác này, người dân, DN có thể phản ánh sự phiền hà, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức khi đến công sở làm các thủ tục hành chính, giải quyết công việc; có thể nêu những vướng mắc về thủ tục hành chính và chính quyền có thể trả lời, tuyên truyền các chính sách qua “cổng” fanpage 1022.
Hiện, đã có sáu lĩnh vực được hệ thống fanpage 1022 thành phố tiếp nhận liên quan các sự vụ, sự cố về hạ tầng giao thông; cấp và thoát nước; chiếu sáng; cây xanh; điện lực, viễn thông; giao thông công cộng. Tính đến tháng 8-2018, hệ thống 1022 đã nhận được khoảng 90 nghìn lượt phản ánh sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị, 590 nghìn lượt phản ánh dịch vụ xe buýt. Theo Sở Thông tin và Truyền thông thành phố, quá trình giải quyết thông tin phản ánh của người dân đều có hệ thống giám sát, đơn vị nào trì trệ xử lý sẽ phải nhắc nhở. Tùy vào tính chất từng vụ việc, có vụ phải giải quyết ngay.
Quận 12 đã xây dựng nhiều kênh tương tác với người dân qua trang thông tin điện tử, cổng thông tin trực tuyến, đường dây nóng… trong đó, sử dụng MXH vừa trả lời tự động, vừa tiếp nhận phản ánh. Thậm chí, những cuộc họp hoặc những buổi đối thoại về những vấn đề “nóng”, được nhiều người quan tâm, còn được phát trực tiếp qua MXH (livestream) để người dân theo dõi và phản hồi. Người dân thay vì phải đến tận nơi, hỏi tận chỗ, nay đã có thể ở nhà trao đổi, tin nhắn qua MXH hoặc theo dõi livestream về các vấn đề trên địa bàn để giải quyết nhanh hơn ý kiến, công việc của mình. Một số phường ở thành phố còn chủ động kết nối với người dân qua điện thoại di động. Cán bộ phường thu thập số điện thoại khi người dân liên hệ làm hồ sơ, sau đó tương tác với người dân, phổ biến chính sách qua mạng xã hội (Zalo, Viber)...
Rõ ràng, việc tận dụng công nghệ thông tin, giải quyết công việc qua MXH, tăng tương tác với người dân, DN không chỉ giúp người dân dễ dàng nắm bắt thủ tục, chính sách mà còn giúp chính quyền nắm bắt tâm tư, gần gũi với người dân hơn. Tuy nhiên, làm thế nào sử dụng MXH để tương tác với người dân, DN hiệu quả vẫn luôn là câu hỏi được đặt ra với chính quyền các cấp; các ngành chức năng ở thành phố.
Theo nhiều chuyên gia, để việc tương tác có hiệu quả, thu hút nhiều người tham gia, thì nội dung tuyên truyền trên các trang này cần ngắn gọn, cập nhật thông tin thường xuyên và có kèm những vi-đê-ô sinh động. Hiện nay, xu hướng của các trang MXH là dùng vi-đê-ô hình ảnh để sự tương tác hiệu quả và thu hút nhiều người tham gia hơn. Người quản lý các trang này cũng cần nghiên cứu xu hướng, sự quan tâm của những đối tượng tham gia trang này để thu hút nhiều người xem.
Việc sử dụng MXH trong đối thoại giữa chính quyền với người dân, DN là xu hướng tất yếu trên thế giới hiện nay. Việc xây dựng đô thị thông minh mà TP Hồ Chí Minh đang thực hiện sẽ ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ với bộ máy hành chính (nâng cao công tác quản lý điều hành) mà còn phải tương tác với mọi lĩnh vực đời sống, xã hội liên quan trực tiếp người dân.
Được biết, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố dự kiến lập “hệ thống tự động đánh giá sự hài lòng của người dân” đối với các đơn vị, sở, ngành tham gia hệ thống 1022. Trong tương lai, “cổng” 1022 còn sẽ được tích hợp với hệ thống ca-mê-ra trên khắp thành phố. Lĩnh vực tiếp nhận thông tin cũng sẽ được mở rộng hơn. Trước mắt, để hạn chế tình trạng chậm trễ trong xử lý sự cố hạ tầng do người dân phản ánh, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ trình UBND thành phố quy trình xử lý thông tin áp dụng chung cho tất cả các đơn vị, sở, ngành, quận, huyện.
Việc tận dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực của bộ máy công quyền, suy cho cùng cũng là để phục vụ người dân, DN ngày càng tốt hơn. Người dân, DN thành phố luôn mong chờ điều đó.
Nguyên Quốc - Báo Nhân dân