Nhật ký Innovation: Nhà cố vấn đồng hành


Tuần rồi, các thành viên ban điều hành của Sáng kiến Mạng lưới Cố vấn Đồng hành Việt Nam (Vietnam Mentor Initiative - quy tụ 16 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp khác nhau trên cả nước) có mặt tại TP.HCM để trao giải thưởng “Mentor of the year” cho ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - chủ tịch công ty Saigonbooks.

 

Ông Phạm Duy Hiếu, tổng giám đốc ngân hàng An Bình Bank, chủ tịch VMI chia sẻ: “Chúng tôi thay mặt cộng đồng cảm ơn những cái vỗ vai, những cái ôm, những lời động viên và những nỗ lực tối đa để dành thời gian cho các bạn trẻ khởi nghiệp. Chúng ta cần có một thế hệ doanh nhân tử tế, nên rất cần thêm nhiều những người cố vấn đồng hành tử tế”.

Ông Quỳnh bảo: “Tôi sẽ tiếp tục cố gắng, cố gắng. Đơn giản là vì mình đã va vấp và học hỏi được nhiều bài học xương máu sau 2 năm ‘chiến đấu’ cùng Saigon Books - cũng là một công ty khởi nghiệp, khác với thời đi làm cho các tập đoàn lớn. Nên bây giờ, có mentor hay chia sẻ gì thì sẽ thực tế, hiệu quả hơn”.

Ông Quỳnh thì cộng đồng không lạ, vì đó là người nhiều năng lượng nhất, xông xáo nhất, nhiệt huyết nhất đến mức từng bị nghi ngờ về động cơ hỗ trợ các bạn trẻ một cách thái quá.

Tôi ngồi yên, nghe câu chuyện vừa tâm huyết, vừa lý tưởng của hai ông anh về những kỳ vọng nâng cấp tổ chức VMI chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn và “đo lường được sự tận tâm của mọi người tốt hơn”.

Nhớ lại cái đêm cả mười mấy người làm xây dựng cộng đồng ngồi ở Vũng Tàu để bàn đủ thứ giấc mơ về khởi nghiệp, về cách rủ rê mọi người làm mentor.

Lại nhớ cả hội ngồi cãi nhau xem nên dịch chữ “mentor” ra tiếng Việt như thế nào cho phải. Vì nói như Tuấn Minh, một thành viên trong nhóm, là “Mentor trong khởi nghiệp: Hơn cả một người bạn, vì khó mà phân biệt được Mentor với Consultant (tư vấn), hay Coach (huấn luyện viên) nếu chỉ dùng định nghĩa đơn thuần.

Mentor là người đưa ra những định hướng, giới thiệu cơ hội, và hỗ trợ cho người khởi nghiệp thành công.

Mentor lắng nghe những băn khoăn của bạn về những vấn đề của doanh nghiệp, cho bạn lời khuyên từ những kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn của họ”. Sau cùng, mọi người tạm chấp nhận với khái niệm “Cố vấn đồng hành”.

Tôi lại nhớ, chuyện từ hơn hai năm về trước, có cô luật sư Quỳnh Như, ra Đà Nẵng làm huấn luyện một buổi cho khởi nghiệp ngoài biển. Chỉ một buổi thôi, vì tranh thủ đi chơi, ghé giúp chứ chẳng công cán gì.

Nhưng cho tới giờ, vẫn thấy các bạn trẻ lẫn không trẻ, cứ đều đặn gửi quà vô Sài Gòn cho Như: khi thì mấy chai nước mắm, lúc lại mớ xà phòng mới chế ra…

Hỏi, mới biết, cô luật sư trẻ này vẫn tiếp tục dõi theo và trả lời những câu hỏi của mọi người. Đó, là một chân dung mentor tử tế.

Giờ các bạn khởi nghiệp ngoài biển vẫn thiếu mentor lắm, đến mức phải tự xoay sở “người đi trước nói hết những gì mình đã trải qua cho người đi sau”, và suốt ngày canh chừng, có ai đi ngang biển thì rủ về nói chuyện.

Ông Tuấn Quỳnh, vừa nhận giải thưởng, đã phải hứa sẽ ra Đà Nẵng ngay. Ông hiểu rằng, thiếu mentor, là thiếu một nguồn lực quan trọng lắm để tăng cơ hội thành công của khởi nghiệp. Ông tự tin về khả năng ‘rủ rê’ những người bạn doanh nhân của mình xắn tay áo lên vì thế hệ trẻ.

Đứng lơ ngơ giữa mớ sách kinh doanh nhiều đến loạn não của Saigonbooks, tôi tự nghĩ, có bao giờ các mentor siêng năng nhất sẽ bị quá tải không? Khi mà hiện nay, kỳ vọng và mức độ đáp ứng của mối quan hệ hai chiều giữa người mentor và người được mentor vẫn còn có một độ chênh nhất định.

Jeff Hoffman, tỷ phủ khởi nghiệp người Mỹ, trong một lần đến huấn luyện cho cộng đồng VMI đã nói một câu rất… Khổng Tử rằng: “Ai trên đời cũng có thể là một mentor cho mình được hết”.

Có tổ chức ở Việt Nam cũng đã xây dựng chương trình “trao truyền tuổi trẻ của tôi”, để ai thấy mình có gì hay thì đăng ký đi hướng dẫn lại cho những người trẻ hơn.

Sứ quán Mỹ còn tài trợ một tổ chức tên là SMEmentoring để làm chương trình “một kèm một” với hai đầu đều là tình nguyện tham gia. Rồi giải thưởng quốc gia về khởi nghiệp cũng vừa ứng dụng thử nghiệm chương trình “Mentor trẻ” - để chính các startup có chút thành tựu có thể xung phong kèm cặp thế hệ đàn em của mình…

Thế nhưng, ít người biết rằng Mentor là một tên người, phát xuất từ sách Odyssey của Homer. Chuyện kể rằng, trước khi lên đường phiêu lưu tới Troy để tham gia chiến tranh, Odyssey giao con trai mình, Telemachus, cho một người bạn cũ tên là Mentor. Mentor chăm sóc và dạy dỗ Telemachus trong lúc cha cậu vắng mặt.

Vì Mentor là một người đàn ông già yếu, nữ thần Athena đã hóa thân vào ông và giúp đào tạo Telemachus trở thành một anh hùng… Và Mentor, từ một tên riêng, đã chuyển thành một danh từ, mà theo định nghĩa của cộng đồng Wikipedia, là người thầy thông thái, người cố vấn giàu kinh nghiệm.

Có khi, đọc đến đây, bạn nên nghĩ rằng mình cũng nên mentor cho một ai đó, để không lãng phí tài năng của mình, nhỉ!

Trần Bung

Trần Bung - với chữ Bung trong món Bắp Bung của Đà Lạt, nơi anh sinh ra - hiện là Phó chủ tịch Hội đồng Cố vấn của Saigon Innovation Hub và phó chủ tịch Quỹ đầu tư Khởi nghiệp Flying Fish Investment. Bung là tác giả của bộ sách bán chạy “Những người làm thuê số 1 Việt Nam” và nhiều tựa sách khác nhau về khởi nghiệp, lập nghiệp. Anh là một gã lang thang khắp mọi miền của thế giới, gặp gỡ từ nữ hoàng Đan Mạch, thủ tướng Pháp, các tỷ phú ở Silicon Valley để kể chuyện. Bung hiểu biết nhiều về các loại bia, nghệ thuật thủ công và nghiên cứu về thiền chánh niệm.

Từ ngày 24.12, Bung sẽ phụ trách chuyên mục “Nhật ký innovation”, để kể lại chuyện buồn vui trong thế giới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bạn có chuyện gì hay, hãy meo cho Bung một tiếng tại tranbung@khampha.vn nhen.

Xem thêm