Đưa máy bay không người lái, trí tuệ nhân tạo vào quản lý hệ thống điện


Ngành điện đã tiến hành bay thử nghiệm và dự kiến trong năm 2019 sẽ đưa 4 thiết bị bay không người lái UAV loại ALTURA ZENITH ATX8 để quản lý vận hành đường dây điện.

Thông tin trên được đại diện Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) cho biết tại hội thảo "EVN với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư" do Tập đoàn Điện lực VN (EVN) tổ chức. Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Ban Kinh tế T.Ư, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công thương, Bộ Thông tin - Truyền thông và đại diện một số doanh nghiệp viễn thông, công nghệ hàng đầu VN.

Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV EVN cho hay, ngay sau khi có chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan, bộ ngành, EVN đã bắt tay vào việc thực hiện tiếp cận công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

“Tới nay, Tập đoàn đã hoàn thành và phê duyệt đề án nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn”, ông Thành nói đồng thời cho hay mục tiêu của EVN là trở thành tập đoàn hàng đầu trong khu vực, phát triển bền vững, hiệu quả, ứng dụng các công nghệ số, công nghệ thông tin và công nghệ của CMCN 4.0 vào mọi hoạt động từ sản xuất, truyền tải, phân phối, kinh doanh - dịch vụ khách hàng, vận hành hệ thống điện và thị trường điện.

Minh họa cho thực tế này, ông Lưu Viết Tiến, Phó tổng giám đốc EVNNPT cho biết, EVNNPT đang triển khai đề án trang bị thiết bị bay không người lái UAV bằng việc trang bị 4 thiết bị bay không người lái UAV loại ALTURA ZENITH ATX8 để quản lý vận hành đường dây.

“Chúng tôi đã bay thử nghiệm, đào tạo chuyên gia điều khiển tại Công ty Truyền tải điện 2 và sẽ mở rộng trang bị tại các công ty truyền tải 1, 3 và 4 ngay trong trong năm 2019”, ông Tiến nói.

Theo EVNNPT, nhờ khả năng bay tối đa 40 phút trong phạm vi 18 km ở độ cao 300 m với camera nhiệt và camera độ nét cao (4K) nên ALTURA ZENITH ATX8 cho phép nhận dạng thiết bị, mã hiệu thiết bị, tìm điểm sự cố và giám sát hành lang tuyến đường dây.

Cùng với đó, doanh nghiệp này cũng đang nghiên cứu sử dụng internet vạn vật (IoT) Watson trên nền tảng điện toán đám mây của Tập đoàn IBM để nhận dữ liệu bay thông qua mạng di động 4G LTE, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) của IBM để phân tích và phát hiện sự cố thiết bị như phát nhiệt, hư hỏng cách điện), phát hiện nguy cơ vi phạm hành lang lưới điện truyền tải.

Trong khi đó, ông Phạm Quốc Bảo, tân Tổng giám đốc Tổng công ty điện lực TP.HCM (EVNHCMC) cho biết doanh nghiệp đã cơ bản hoàn thành công tác tự động hóa lưới điện, qua đó, góp phần đẩy nhanh lộ trình phát triển lưới điện thông minh và nâng cao năng lực quản lý vận hành, về đích trước 2 năm theo kế hoạch 5 năm EVN giao đối với các chỉ tiêu chính.

“Trong năm 2018, có gần 98% của tổng số 1.612.300 yêu cầu của khách hàng được giải quyết trực tuyến cấp độ 4 - cấp độ cao nhất. Đặc biệt, TP.HCM cũng đi đầu về thanh toán không dùng tiền mặt khi tính đến tháng 12 này, 97,89% tổng số tiền điện của chúng tôi được thanh toán mà không cần dùng tiền mặt, còn xét về tỷ lệ khách hàng không dùng tiền mặt thì đạt 88,55% số khách hàng”, ông Bảo nói.

Lãnh đạo EVN cho biết thêm, thời gian qua, EVN cũng đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh như: Triển khai thống nhất hệ thống phần mềm quản trị trong toàn tập đoàn; ứng dụng công nghệ điều khiển xa, trạm biến áp không người trực, sửa chữa điện nóng, cung cấp các dịch vụ điện trực tuyến cấp độ 4...

Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của tập đoàn, cũng như mang đến nhiều tiện ích cho khách hàng sử dụng điện.

Chí Hiếu - Báo Thanh niên

Bài gốc

Xem thêm