Người dân TP.HCM có thể theo dõi chất lượng không khí theo thời gian thực
Hệ thống quan trắc và cảnh báo chất lượng không khí sử dụng các mô hình quang hóa (CMAQ) kết hợp với mô hình dự báo khí tượng (WRF) để dự báo chất lượng không khí theo thời gian thực ở TP.HCM và một số vùng lân cận.
Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Toàn cảnh CNTT-TT Việt Nam lần thứ 23 (VIO 2018), hội thảo khoa học Smart City 360 độ lần thứ II do Viện Khoa học và Công nghệ tính toán (thuộc Sở KHCN TP.HCM) tổ chức diễn ra chiều 26.7 là sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng CNTT.
Nhiều giải pháp hiệu quả cho thành phố thông minh
Smart City 360 độ là hoạt động trao đổi học thuật thường niên do Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM bảo trợ và trực tiếp chỉ đạo thực hiện, hướng đến việc giới thiệu, trao đổi các giải pháp hệ thống thông tin thông minh, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực tương tác thời gian thực và ứng dụng của các hệ thống này trong các hoạt động triển khai xây dựng một đô thị thông minh (smart city), đô thị hiện đại lấy người dân làm “trung tâm của sự phục vụ”.
GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ tính toán, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, đại diện Ban tổ chức cho biết: “Điểm đặc biệt của Hội thảo Smart City 360 độ là tính kết nối giữa nghiên cứu với thực tiễn ứng dụng tại nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước. Hội đồng nội dung đã xem xét, lựa chọn những tham luận nổi bật, thể hiện tính ứng dụng cụ thể, thực tế trong các lĩnh vực liên quan đến đô thị thông minh và công nghiệp 4.0.”
Tại hội thảo năm nay, các diễn giả giới thiệu tới cộng đồng 6 phần trình bày xoay quanh nội dung “Giải pháp tương tác thời gian thực cho đô thị thông minh”.
Giao thông đô thị là bài toán đặt ra cho tất cả các đô thị, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM. Để góp phần giải quyết vấn nạn ách tắc giao thông, PGS.TS Phạm Hồng Quang đến từ Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam trình bày tham luận giới thiệu các công nghệ và giải pháp quan trắc, điều khiển giao thông đô thị thông minh đã và đang triển khai tại một số địa phương của Việt Nam.
Giải pháp sử dụng thiết bị cảm biến, điều khiển, điện tử, tin học và viễn thông để điều hành và quản lý hệ thống giao thông vận tải. Kết quả triển khai tại Hà Nội và Đà Nẵng đã chứng minh cho tính hiệu quả của giải pháp, trong đó phải kể đến việc giải quyết điểm ách tắc tại “ngã tư tử thần” Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi tại Hà Nội.
Cùng với đó, các diễn giả khác cũng trình bày những giải pháp tiên tiến phục vụ cho xây dựng thành phố thông minh như loạt 6 giải pháp IoT đặc thù cho thành phố thông minh ở Việt Nam của Global CyberSoft hay công nghệ "Truy xuất thông tin từ dữ liệu hình ảnh y sinh" từ cuộc thi giải thuật Data Science Bowl 2018...
Ứng dụng công nghệ tính toán dự báo chất lượng không khí
Tại hội thảo, Viện Khoa học và Công nghệ tính toán đã trình bày hệ thống quan trắc và cảnh báo chất lượng không khí do nhóm nghiên cứu của viện thực hiện. Đây là nội dung chính trong đề tài nghiên cứu ứng dụng Xây dựng hệ thống dự báo không khí vùng Thành phố Hồ Chí Minh, với hướng tiếp cận mới là sử dụng các mô hình quang hóa (CMAQ) kết hợp với mô hình dự báo khí tượng (WRF) để dự báo chất lượng không khí theo thời gian thực ở TP.HCM và một số vùng lân cận do Viện chủ trì thực hiện.
Giải pháp được giới chuyên gia đánh giá sẽ là nền tảng giúp tiếp tục phát triển, hoàn thiện các hệ thống quan trắc, tính toán mô phỏng và dự báo chất lượng không khí khu vực thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
Quá trình mô phỏng và tính toán dựa trên dữ liệu phát thải từ các nguồn giao thông và công nghiệp. Đây là 2 nguồn chính đóng góp tải lượng phát thải nhiều nhất vào không khí trên địa bàn TP.HCM.
Mô hình dự báo được xây dựng tổng hợp từ các số liệu khảo sát môi trường trong 15 khu công nghiệp nằm trên địa bàn thành phố, kết hợp các báo cáo giám sát môi trường thuộc quản lý của Ban quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp (HEPZA) và Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng phát triển một mô hình tính toán về khí thải phát ra từ các phương tiện giao thông, kết hợp giải thuật nhận dạng và đếm lượng xe trích xuất từ hình ảnh từ camera giao thông tại một số điểm.
GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, chủ nhiệm đề tài, khẳng định: “Đề tài đã xây dựng được quy trình dự báo chất lượng không khí phù hợp với khu vực TP.HCM. Việc áp dụng dữ liệu camera trong hệ thống giám sát camera giao thông của thành phố là phương pháp mới phù hợp với mục tiêu xây dựng bộ dữ liệu giao thông chi tiết và có mức độ phân bố rộng hơn so với các phương pháp truyền thống ngoài thực địa, giúp tiết kiệm về mặt chi phí, nhân lực và thời gian.”
“Ngoài ra, việc áp dụng kết quả dự báo chất lượng không khí toàn cầu vào việc tính toán dự báo địa phương là một yếu tố quan trọng đảm bảo tính đúng đắn trong bài toán mô phỏng chất lượng không khí địa phương khi chịu ảnh hưởng của các khu vực lân cận và xa hơn nữa là vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới”, GS.TS Phùng nói thêm.
Phạm Sơn - Khampha.vn