Chính phủ điện tử (Phần 1): Hạt nhân quan trọng của đô thị thông minh


Để xây dựng đô thị thông minh, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung cần thiết phải xây dựng được chính phủ điện tử, khi đây là bộ não hạt nhân cho mọi khía cạnh khác của thành phố. Trong loạt bài viết này, chúng tôi sẽ nhìn ra Thế Giới để học hỏi mô hình của họ, cũng như phân tích tình hình phát triển chính phủ điện tử hiện nay ở nước ta.

egovernance.jpg

Nhìn từ Estonia

Estonia là một Quốc gia nhỏ bé ở Bắc Âu, với diện tích chỉ bằng 1/7 Việt nam và 1,3 triệu dân. Trong suốt lịch sử của mình, Estonia bị xâm chiếm rất nhiều lần, mãi cho đến năm 1991 họ mới trở thành một Quốc gia độc lập. Bất chấp mọi khó khăn, Estonia trở thành một trong những Quốc gia dẫn đầu thế giới về hệ thống Chính phủ điện tử.

Ở Estonia không tồn tại khái niệm người dân xếp hàng chờ đợi để sử dụng dịch vụ công. Họ đăng ký công ty qua mạng trong vòng 18 phút; họ trả thuế cá nhân trong vòng 5 phút bằng điện thoại; họ có thể xem hồ sơ khám bệnh của mình trên mạng, chọn bệnh viện, chọn bác sĩ, và đặt lịch hẹn; họ khai sinh cho con trực tuyến; họ bầu cử trực tuyến, v.v..

 
estonia-e1460725937175.jpg

Chính quyền Estonia tổ chức lưu trữ toàn bộ thông tin công dân phi tập trung: mỗi bộ kiểm soát một phần thông tin.

Những thông tin này được liên kết với nhau, đảm bảo có thể truy xuất toàn bộ dữ liệu cần thiết của công dân khi cần. Không cần in ấn, công chứng, xuất trình hay chuyển hồ sơ từ nơi này sang nơi khác. Mọi dữ liệu của người dân Estonia được tích hợp với 1 chữ ký số, sử dụng trong mọi trường hợp. Bộ máy thông tin được tổ chức gọn gàng, hiệu quả và tiết kiệm.

Trên đây là một hình mẫu lý tưởng cho một chính phủ điện tử mà mọi quốc gia đều đang hướng tới. Trên công cuộc xây dựng đô thị thông minh, Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng trước hết phải giải quyết được bài toán chính phủ điện tử, khi đây chính là bộ não điều hành thành phố: Bộ não thông minh thì thành phố mới thông minh được.

0 wR2IINh3ScP7AgH6.jpg

Chính phủ điện tử là nói đến việc tái cơ cấu bộ máy chính phủ bằng việc áp dụng tiến bộ công nghệ thông tin và công nghệ viễn thông.

 

Một chính phủ điện tử được tổ chức thành công không chỉ là việc đưa được những thủ tục hành chính lên mạng, mà sẽ còn mang đến những cải thiện đáng kể trong quan hệ giữa chính phủ với các bên trong xã hội. Cụ thể, một chính phủ cần quan tâm đến 4 mối quan hệ:

1. Chính phủ với Công dân (G2C)

Đây là mối quan hệ được quan tâm nhất khi nói đến chính phủ điện tử. Khi vận hành chính phủ điện tử, bộ máy quản lý phải thực hiện được theo tư duy “dịch vụ”. Nghĩa là không còn “thủ tục hành chính” thay vào đó là “dịch vụ công”; không còn “tiếp dân”, “quy định” hay “phổ biến” thay vào đó là “giao tiếp” và “tư vấn”.

 
Trung tam PSC_1022.jpg

Việc chuyển kênh giao tiếp từ những văn phòng tiếp dân thành các kênh trực tuyến, đưa những thủ tục hành chính lên mạng, hay thực hiện quản lý, lưu trữ và xử lý thông tin một cách tự động đều là những điều cần thiết.

Điều này phù hợp với xu hướng số hóa và mạng hóa của xã hội.

Trong đó, việc giao tiếp cần được chú trọng nhất. Nhớ ngày xưa, khi người dân muốn góp ý, đóng góp với chính quyền thì phải viết thư tay rồi gửi lên văn phòng tiếp dân ở địa phương.

Nếu ý kiến mang tầm cấp thành phố, thì việc chuyển thư lên các cấp cao hơn sẽ tiêu tốn cả tháng, hoặc thậm chí có thể bị thất lạc - tình trạng này làm nản lòng những công dân tích cực. Trong thời đại hiện nay, người dân cần những kênh giao tiếp trực tuyến, và những phản hồi nhanh chóng từ các nhà quản lý, để chính phủ và người dân tiến gần đến nhau hơn.

Về dịch vụ công trực tuyến, ta có thể thấy nhiều nước trên Thế giới đã tiến rất xa. Như Singapore có Oneservice với mục tiêu cung cấp toàn bộ dịch vụ công tới người dân một cách thuận tiện nhất.

lwx240717_one.jpg

Hiện giờ, bạn có thể đăng ký thú cưng, yêu cầu giúp đỡ về ô nhiễm môi trường, động vật hoang dã, hay báo cáo một người hàng xóm phiền phức,... một cách dễ dàng qua Oneservice.

 

Hay như người Trung Quốc có thể lưu trữ giấy phép lái xe, bản sao hộ chiếu, quản lý các tài liệu giấy tờ về thuế, thậm chí cả hẹn lịch đăng ký kết hôn và ly hôn qua Wechat.

Lưu ý một điều rằng, quan trọng không phải là bao nhiêu dịch vụ được đưa lên trực tuyến, quan trọng là bao nhiêu người dân thật sự sử dụng những dịch vụ này.

2. Chính phủ với Doanh nghiệp (G2B)

Doanh nghiệp là đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế của một thành phố. Mối quan hệ với doanh nghiệp luôn là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất của chính quyền thành phố.

Bằng việc áp dụng chính phủ điện tử, doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh chóng những thông tin mới nhất về luật, thuế, kế hoạch quy hoạch thành phố. Doanh nghiệp có thể thuận tiện hơn khi đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thuê, sa thải nhân viên, làm hồ sơ vay vốn ngân hàng, tư vấn tư pháp trực tuyến.

 
70umnz_QBBC.jpg

Doanh nghiệp sẽ cắt giảm được rất nhiều chi phí và thời gian thực hiện thủ tục hành chính rườm rà, cắt giảm các khoản phạt do không nắm được luật, cũng như đi theo đúng định hướng của thành phố.

Chính phủ còn có thể xây dựng những nền tảng nhằm kết nối tài nguyên kinh doanh trong thành phố, tạo thành những hệ sinh thái doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thể kết nối, hỗ trợ nhau để phát triển, giúp tận dụng tốt hơn nguồn lực vật chất, đất đai, vận tải, v.v..

Với sức mạnh của công nghệ thông tin, chính phủ cũng dễ dàng kiểm soát doanh nghiệp hơn, đảm bảo môi trường kinh doanh trong sạch, các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình.

3. Chính phủ với Chính phủ (G2G)

Mối quan hệ này đề cập tới sự tương tác trực tiếp giữa các tổ chức chính phủ, các phòng ban và các cơ quan. Mục tiêu là tích hợp tất cả thành một hệ thống toàn diện, đơn giản hơn, giúp bộ máy chính quyền minh bạch, tiết kiệm và hiệu quả hơn.

Đầu tiên là về quản lý dữ liệu. Một chính phủ điện tử không cần hàng đống giấy tờ, không cần công chứng, không sợ bị làm giả, và cũng không lo bị thất lạc những văn bản quan trọng. Điều này sẽ làm giảm sự lộn xộn, tài nguyên và công sức không cần thiết.

countrycloser_Blog.jpg

Thứ hai là ngăn chặn tham nhũng. Khi một hệ thống được tự động, và được theo dõi rõ ràng, không có nhiều kẽ hở để xảy ra tình trạng tham nhũng.

 

Cuối cùng là sự thống nhất và hiệu quả. Nếu như trước đây ở nước ta, các quyết định từ phía trên rất khó để trở thành hiện thực, một phần là do thông tin được truyền đi không thông suốt. Khi hệ thống thông tin, cũng như quản lý trở nên rõ ràng hơn. Việc thực hiện các quyết định sẽ hiệu quả hơn.

Mình hình chính phủ phi tập trung của Estonia là một mô hình chính phủ điện tử tinh gọn tuyệt vời. Hay mô hình quản trị bằng API của Singapore cũng là mô hình đáng học hỏi - chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về mô hình của Singapore trong phần 2.

4. Chính phủ với Người lao động (G2E)

Mối quan hệ giữa chính phủ là người lao động cũng là một mối quan hệ chủ chốt trong chính phủ điện tử. Mục đích là cung cấp hệ thống phần mềm và dịch vụ trực tuyến, cũng như những công cụ cần thiết để nâng cao tương tác giữa người lao động, công ty và chính phủ.

 

Chính phủ phải kiểm soát được tài khoản của từng người lao động, bao gồm thông tin cá nhân, an sinh xã hội, thuế và bảo hiểm, tình trạng tài khoản ngân hàng, v.v..

Những công cụ chính phủ điện tử có thể cung cấp cho người lao động, nhằm đảm bảo quyền lợi cho họ như:

  • Bảng lương điện tử.
  • Bảo hiểm y tế điện tử.
  • Bảo hiểm xã hội điện tử.
  • Chương trình hưu trí điện tử, v,v…

Trên đây là 4 mối quan hệ chính mà chính phủ điện tử cần cải thiện, để phục vụ xây dựng thành phố thông minh. Khi chính phủ điện tử được tổ chức tốt, điều phối và kiểm soát hiệu quả được các yếu tố trong xã hội, việc xây dựng các cơ sở hạ tầng thông minh khác như giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh là điều không khó.

Còn nếu không, chắc hẳn sẽ “thượng bất chính, hạ tắc loạn”, mọi dịch vụ thông minh sẽ không đồng bộ và sẽ rất lộn xộn. Trong phần tiếp theo ta sẽ cùng tìm hiểu các bước để xây dựng được chính phủ điện tử thành công.

Surphi10