3 cách để cải thiện tư duy toàn diện hơn


Con người là những sinh vật mâu thuẫn: họ có thể mơ mộng về một bối cảnh hão huyền ở tương lai xa lắc, nhưng chỉ ‘muốn’ bàn kế hoạch nhất thời cho những vấn đề nghiêm túc.

Hãy tưởng tượng tại một công ty, thuở đầu các cuộc họp luôn là “hãy bàn về dự định cho 10 năm hay 20 năm tới” và ai cũng hưởng ứng; nhưng càng về sau thì khoảng thời gian cho kế hoạch tương lai bị rút ngắn lại - cho đến một ngày nọ người chủ trì thủng thỉnh: “Xem thử trong 6 tháng tới ta sẽ làm gì?”.

Bối cảnh ở trên là một ví dụ cho Tư duy Hạn hẹp - một cách nghĩ ngắn hạn, đơn điệu, và cục bộ - vốn đã diễn ra ở khắp mọi khía cạnh từ chuyện gia đình đến các chính sách công. Phổ biến trong đời sống như vậy nên hậu quả của lối tư duy này không ít (và rất nghiêm trọng):

  • Một vị Giám đốc Điều hành không chi tiền nâng cấp trang bị an toàn, dẫn đến thảm họa tràn dầu của giàn khoan Deepwater Horizon ở vịnh Mexico năm 2010.
  • Các giáo viên Mỹ không còn dành thời gian tương tác chất lượng với từng học sinh, dẫn đến “phong trào” bỏ học của học sinh trung học.
  • Cơ sở hạ tầng không được đầu tư đầy đủ, dẫn đến vụ sập cầu I-35 bắc qua Sông Mississippi năm 2007

Đó là chưa kể những vấn đề có quy mô toàn cầu mà chúng ta phải đối mặt hiện nay - những vấn đề đã và đang đe dọa “tương lai tươi sáng” trong mộng tưởng. Lẽ dĩ nhiên, Tư duy Hạn hẹp không thể giúp ta giải quyết những vấn đề đó, vốn đòi hỏi ta cần áp dụng một lối nghĩ khác bao quát hơn để tạo dựng tương lai tích cực ngay tại thế giới thực. Sau đây là 3 chiêu để thay đổi cách nhìn nhận và đánh giá mọi vấn đề sâu và rộng hơn.

 

1. Tư duy Tiếp diễn

 
1 vCZ6vZMWE6copMPIylNfBQ.jpeg

Trái ngược với cách chúng ta thường làm là chú tâm giải quyết vấn đề trước mắt, chiến lược này sẽ mở rộng suy nghĩ của chúng ta theo trình tự vấn đề - cách giải quyết - những diễn biến sau đó.

Ví dụ, gia đình bạn đi ăn tối, và các nhóc tì con bạn đều dưới 7 tuổi. Suy nghĩ thông thường sẽ khiến ta lựa chọn giải pháp rất chi là “ngắn hạn”: móc điện thoại đưa cho bọn trẻ và để chúng dán mắt vào màn hình.

Với Tư duy Tiếp diễn, bạn sẽ mang theo một vài tờ giấy và bút màu để ngồi vẽ cùng bọn trẻ, hoặc kéo chúng trò chuyện với gia đình trong lúc chờ dọn món.

Rõ ràng, phó mặc bọn trẻ chơi điện thoại dễ hơn rất nhiều so với ngồi vẽ hoặc tán gẫu với chúng. Tuy nhiên, cách thứ hai sẽ tạo sự gắn kết giữa bố mẹ và các con, để rồi dần dần bọn trẻ sẽ hình thành ý thức về sự tương tác. Thú vị và hiệu quả hơn nữa, đến một ngày nào đó, con của bạn sẽ dùng những cách tương tự như trên với các con của chúng.

 

2. Tư duy Đa bối cảnh

 
Futures+Thinking.jpg

Một ví dụ kinh điển: chúng ta hay tưởng tượng thế giới của 10 hay 15 năm nữa ngập tràn những công nghệ mới mẻ tối tân.

Chúng ta cũng lạc quan hi vọng rằng những rào cản hiện nay (sự nghèo đói, biến đổi khí hậu, bệnh ung thư,...) sẽ được giải quyết phần nào hoặc triệt để bởi các phát kiến khoa học kĩ thuật.

Không có vấn đề gì khi đặt mọi thứ vào niềm tin kĩ thuật - công nghệ, nhưng nghĩ về tương lai một cách một chiều như vậy sẽ giới hạn suy nghĩ của chúng ta. Thay vào đó, chúng ta cần lưu ý đến mọi bối cảnh có thể xảy đến hay mọi cách giải quyết khác-công-nghệ có thể thực hiện.

 

3. Tư duy Mục tiêu cuối

 
iStock-108202801-2.jpg

Khác với bí quyết đầu tiên thiên về giải quyết vấn đề và những gì xảy ra sau đó, bí quyết Tư duy Mục tiêu cuối đòi hỏi chúng ta xác định rõ “chuyện xảy ra sau đó” là gì.

Theo nhà vật lí và triết học Thomas Kuhn - người đã đặt ra thuật ngữ “chuyển đổi mô thức” (paradigm shift), con người không chuyển đổi trừ khi họ biết rõ họ chuyển đến đâu”.

Nhà hoạt động xã hội Martin Luther King Jr. đã áp dụng tư duy này trong bài diễn văn nổi tiếng “I Have a Dream” của ông: ông liệt kê một loạt vấn đề mà thế giới đương đại phải đối mặt, sau đó trình bày những hiểu biết sâu sắc về giấc mơ của bản thân và và những sự kiện tiếp sau.

Trong xã hội hầu như bị chi phối bởi sự ngắn hạn, chừng như ta cảm thấy như bất lực trước tương lai và chỉ chờ đợi mọi điều xảy đến. Tuy nhiên, chúng ta thực sự kiểm soát được tương lai bằng cách áp dụng các bí quyết trên, từ đó thực hiện những điều to lớn hơn năng lực chúng ta hằng nghĩ.

Quốc Huy (Theo TED)

Xem thêm