“Cuộc chiến” dịch vụ chia sẻ phòng trọ
Theo một thống kê chưa chính thức, hiện có trên 16.000 phòng cho thuê qua ứng dụng Airbnb tại TPHCM và Hà Nội, trong khi cách nay 2 năm, con số này chỉ khoảng vài ngàn. Quy mô trên gần bắt kịp tổng số phòng của hệ thống khách sạn từ 2 - 4 sao (16.912 phòng) tại TPHCM.
Thực tế xu hướng ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh đang phát triển mạnh, nhưng lỗ hổng về quản lý nhà nước vẫn chưa được khắc phục, ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa.
Hấp dẫn nhưng không dễ thắng
Airbnb (viết tắt của cụm từ AirBed and Breakfast) là một trang dịch vụ đặt phòng trực tuyến, mô hình kinh tế du lịch chia sẻ. Khoảng 80% khách của các hệ thống Airbnb là người nước ngoài. Trang dịch vụ này tính phí 2 bên (khách và chủ nhà) cho mỗi lần giao dịch thành công. Theo Airbnb, khách thuê sẽ chi khoảng 10% - 15%/lần đặt phòng hoặc căn hộ, còn chủ nhà sẽ chi khoảng 3% cho dịch vụ Airbnb.
Ghi nhanh tại một số địa bàn “nóng” có du khách nước ngoài thuê đông (các quận 1, 2, 7, Bình Thạnh…), cho thấy thị trường cho thuê này rất sôi động. Hiện nay không chỉ những người có dư nhà, căn hộ cải tạo lại để làm dịch vụ, mà nhiều bạn trẻ cũng tìm thuê các căn hộ ở vị trí tốt sau đó cho sửa lại, trang trí cho đẹp rồi đẩy lên Airbnb để chào khách.
Chị Ngọc Hân, ngụ tại quận 5, chia sẻ vợ chồng chị mua được một số căn hộ và nhà riêng tại quận 7 và quận 5. Căn hộ tại quận 7, sau khi tân trang đã được một cặp vợ chồng người Hàn Quốc thuê lại với giá 15 triệu đồng/tháng. Còn căn nhà nhỏ nằm trong hẻm cạnh đường Trần Nhân Tôn (quận 5) cũng được một khách du lịch người Canada và các người bạn thuê lại với giá 40 triệu đồng/tháng.
“Khách của mình vui vẻ, sạch sẽ, ý thức rất tốt, nên đồ đạc trong nhà không sợ hư hao. Chưa kể, họ đăng ký thuê rất ổn định và mình cho khách thuê cũng được 2 năm nay”, chị Ngọc Hân nói.
Thế nhưng, đó là một số trường hợp vốn liếng có sẵn đem ra kinh doanh. Còn những trường hợp khác thì sao? Chia sẻ của một bạn trẻ khởi nghiệp bằng kinh doanh loại hình dịch vụ này cho biết, vài năm trở lại đây, cuộc cạnh tranh dịch vụ phòng trực tuyến rất khốc liệt.
Bạn trẻ này nói, nhiều khách nước ngoài rất khó tính, chi li, nên đôi khi nhóm kinh doanh chỉ huề vốn. Trong khi trừ các chi phí, tiền lãi ngân hàng các loại, công sức “cày ngày cày đêm để kiếm sao từ khách” (khách đánh giá tốt thì các căn hộ hoặc nhà cho thuê mới được nhiều người quan tâm) tính ra cực khổ trăm bề. Do vậy, sau khi cân nhắc, nhóm bạn 3 người này quyết định rút lui không làm host (chủ nhà) Airbnb.
“Thực tế, việc kinh doanh số lượng lớn bằng hình thức thuê để đầu tư kiếm lời rất vất vả. Bởi bạn phải cạnh tranh với rất nhiều host khác nữa. Luôn phải căng sức để tính toán, cân đối lấp đầy khách khi các phòng trống vào mùa thấp điểm, trong khi phải đi vay tiền nên lãi suất ngân hàng gõ cửa liên tục.
Trừ đầu trừ đuôi chẳng còn bao nhiêu. Ngoài ra, cũng có những khách hàng muốn kết nối để đi du lịch, khám phá TPHCM. Mình cũng làm giúp họ luôn. Cực lắm mà tiền lời không bao nhiêu nên mình nghỉ kinh doanh”, anh Lê Văn Thương, từng là một host Airbnb tâm sự.
Quản lý cách nào?
Trong khi TPHCM vẫn chưa có biện pháp quản lý hiệu quả loại hình dịch vụ chia sẻ phòng, thì nhiều nước trong khu vực đã và đang quản lý khá tốt đối với loại hình này, từ đó giúp DN cũng như người dân nước sở tại có thêm thu nhập, nâng cao chất lượng dịch vụ…
Dẫn chứng vấn đề này, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, cho biết Singapore, Thái Lan, Nhật Bản đã có những quy định cụ thể. Chẳng hạn, Thái Lan không cho phép cho thuê nhà qua Airbnb thời hạn dưới 1 tháng, nếu không sẽ bị phạt nặng.
Đảo quốc Singapore cũng có quy định tương tự. Nhật Bản quy định du khách ở trong nhà riêng không có sự cho phép của chính quyền địa phương thì được coi là bất hợp pháp; đồng thời yêu cầu các chung cư ở Tokyo không được kinh doanh cho thuê nhà qua dịch vụ này.
Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Holdings, nhìn nhận du lịch phát triển sẽ lan tỏa, tác động rất nhiều đến nền kinh tế. Một trong những thách thức lớn của cơ quan nhà nước chính là quản lý ra sao đối với các loại hình dịch vụ chia sẻ này. Các DN nước ngoài vào đây, hơn hẳn về công nghệ, tài chính và họ bắt đầu dùng chiêu giảm giá để “hạ gục” các DN trong nước.
Điển hình như trường hợp của Traveloka của Indonesia, họ được hậu thuẫn của Chính phủ và bắt đầu tiến vào thị trường Việt Nam. Cách triển khai các chương trình khuyến mãi, ưu đãi của Traveloka đang theo kiểu “diệt” DN Việt. Ví dụ, giá vé máy bay của Vietnam Airlines 1 triệu đồng nhưng tại Traveloka chỉ bán 800.000 đồng.
Đối với những trường hợp như thế này, nước ta có cách nào để hỗ trợ DN trong nước hay không? Để đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh trực tuyến về du lịch, khách sạn các loại, bản thân DN phải chủ động xây dựng sản phẩm có chất lượng tốt. Đầu tiên, chính là phải có một đội ngũ nhân viên giỏi, kết hợp với chiến lược kinh doanh kiểu “du kích” mới có thể thắng được.
DN rất cần sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời, bình đẳng như các DN nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Từ đó giúp DN đủ sức “chiến đấu”, xây dựng “hệ sinh thái” du lịch trực tuyến ổn định, phát triển. Bởi thực tế, chính các DN trong nước mới là động lực của nền kinh tế.
Trao đổi nhanh với báo chí tại một cuộc họp gần đây, lãnh đạo Sở Du lịch TPHCM cho biết đang xem xét và có hướng quản lý loại hình du lịch này. Tuy vậy, các chuyên gia du lịch cho rằng, ngành du lịch cần phải quản lý nhưng không nên cấm đoán, mà theo hướng tạo điều kiện; đồng thời yêu cầu các host đóng thuế đầy đủ, đáp ứng các dịch vụ đạt tiêu chuẩn (an ninh, an toàn vệ sinh thực phẩm…). Từ đó giúp du khách có thể tiếp cận với cuộc sống, văn hóa bản địa của Việt Nam một cách hữu hiệu.
Thi Hồng - SGGP