Nông trại nổi đầu tiên trên thế giới
Nông trại nuôi bò sữa nổi đầu tiên trên thế giới sẽ mở cửa ở cảng Rotterdam (Hà Lan) năm nay, với hy vọng giúp thành phố có nguồn cung thực phẩm bền vững. Liệu đây có phải là mô hình phù hợp với một tương lai đô thị hóa nhiều hơn?
Nông trại nổi đầu tiên kể trên là “con đẻ” của công ty Beladon (Hà Lan), được xây dựng ngay giữa cảng Merwehaven của thành phố Rotterdam.
Đáp ứng thực tế đô thị hóa
Những khu vực đô thị hóa dày đặc có vẻ không phù hợp để vận hành nông trại. Tuy nhiên, việc giảm thiểu quãng đường thực phẩm di chuyển tới bàn ăn của người tiêu dùng lại mang ý nghĩa môi trường quan trọng, bởi làm vậy sẽ giảm bớt ô nhiễm do giao thông gây ra.
Quan trọng hơn, dự báo dân số toàn cầu sẽ chạm mốc 9,8 tỷ người vào năm 2050, với 70% trong đó sống ở các đô thị (tăng mạnh so với con số 55% của ngày nay). Chính vì vậy, các nông trại trong nhà – nơi đa phần trồng rau trên các kệ dưới ánh đèn cực tím – đang trên đà gia tăng.
Nông trại của công ty Beladon có thể xem là mô hình đột phá mới. Nó được neo vào đáy biển và cao tương đương ba tầng nhà. Ý tưởng này đến với ông Peter van Wingerden, kỹ sư của Baledon, vào năm 2012 khi ông tham gia một dự án nhà nổi trên sông Hudson ở thành phố New York (Mỹ). Trong thời gian ông van Wingerden lưu lại, cơn bão Sandy tấn công vào đó, làm ngập lụt thành phố và khiến hệ thống giao thông tê liệt.
Do việc giao nhận đình trệ nên trong vòng hai ngày, rất khó tìm được thực phẩm tươi trong các cửa hàng. “Tình hình khi đó khiến tôi nảy ra suy nghĩ phải sản xuất thực phẩm càng gần nơi người tiêu dùng sinh sống càng tốt”, ông van Wingerden nhớ lại. Ông cho biết thêm nông trại nổi của công ty ông không chỉ là cách sản xuất thực phẩm thích ứng với khí hậu mà còn “chịu đựng” được bão tố.
Mới đầu người ta không tin vào ý tưởng “kỳ quặc, hài hước và thiếu tin cậy” này, theo ông van Wingerden, nhưng dần dần lại tỏ ra hứng thú bởi “các phương thức sản xuất thực trước đây không còn đáp ứng được nhu cầu về thực phẩm tốt, phù hợp với môi trường đô thị hóa nhanh chóng và biến đổi khí hậu”.
Đến cuối năm 2012, ê-kíp của kỹ sư van Wingerden bắt tay vào thiết kế và liên lạc với cơ quan quản lý cảng ở Rotterdam. Vượt qua những lo ngại ban đầu về tiếng ồn và mùi hôi, cảng Merwehaven chấp thuận cho công ty Beladon xây dựng một mô hình nguyên mẫu. Vào đầu mùa hè năm nay, bệ nổi của trang trại đã được xà lan chuyển từ Zaandam, thành phố ở phía Bắc Hà Lan, đến Rotterdam.
Kết hợp với tái sử dụng và tái chế
Bà Minke van Wingerden, vợ kiêm đối tác kinh doanh của kỹ sư van Wingerden, cho biết nông trại nổi bắt đầu với 40 con bò và sẽ nhanh chóng gia tăng số lượng. Mục tiêu họ đặt ra là khởi động nông trại vào cuối năm 2018, với khoảng 800 lít sữa “ra lò” mỗi ngày.
Tái sử dụng và tái chế tối đa cũng nằm trong số tiêu chí hoạt động của nông trại. “Ít nhất 80% những gì bò ăn là thức ăn thừa trong ngành công nghiệp thực phẩm của Rotterdam”, ông Albert Boersen, Tổng giám đốc nông trại, tiết lộ.
“Đồ thừa” đó có thể là ngũ cốc thải ra từ các nhà máy bia địa phương, thức ăn sót lại của các nhà hàng, quán cà phê, phụ phẩm của các xưởng bột mì và kể cả cỏ cắt xén từ các vườn nhà.
Tất cả được thu thập và vận chuyển bằng xe tải điện của doanh nghiệp “xanh” GroenCollect ngay tại Rotterdam. “Chúng tôi sẽ trồng thêm bèo tấm để làm thức ăn cho bò. Loại bèo này nhanh lớn, có độ protein cao và có thể tưới bằng nước tiểu của bò”, bà van Wingerden cho biết.
Ngoài sản xuất và tiệt trùng sữa, nông trại còn làm yoghurt tại chỗ và bán ra thị trường Rotterdam. Trong kế hoạch của mình, nông trại còn định xử lý và bán phân bò.
Đánh giá mô hình nông trại thành thị có nhiều ưu điểm – như dùng ít nước, phân bón và thuốc trừ sâu hơn các phương thức sản xuất truyền thống – nhưng Tiến sĩ Fenton Beed, một trưởng nhóm tại Tổ chức Lương Nông thế giới của Liên Hiệp Quốc, lo ngại diện tích hạn chế sẽ khiến thực phẩm sản xuất ra không đủ cung cấp cho dân số đô thị đang tăng nhanh chóng mặt.
Thêm vào đó, khó khăn dành cho loại hình sản xuất thực phẩm trong môi trường được kiểm soát còn bao gồm chi phí đầu tư ban đầu, hệ thống đèn LED chiếu sáng và các nguồn cung cấp năng lượng liên tục. “Do đó, nếu không có các chính sách hỗ trợ nhà sản xuất nhỏ, công nghệ này sẽ chỉ là sân chơi cho các công ty giàu có”, Tiến sĩ Beed giải thích.
Nhưng những trở ngại này không ngăn được các công ty trong lĩnh vực trên kêu gọi các khoản đầu tư hấp dẫn. Doanh nghiệp khởi nghiệp Plenty (ở San Francisco – Mỹ) tuyên bố kể từ khi thành lập năm 2013, họ đã thu hút được 226 triệu đô la từ các đại gia Amazon, Softbank… và năm nay dự kiến vượt khỏi biên giới Mỹ để mở nông trại đầu tiên của mình ở Trung Đông.
Quay lại Hà Lan, ông bà Peter và Minke van Wingerden đều nuôi hy vọng xây dựng thêm nhiều nông trại nổi khác trên cả nước trước khi mở rộng tới châu Á. “Sản xuất thực phẩm sạch, có lợi cho sức khỏe là chìa khóa mở ra một thế giới tốt hơn, sạch hơn và an toàn hơn”, ông van Wingerden kết luận.
Duy An - Kinh tế Sài Gòn