Nhiều người dân trên thế giới lo ngại mất việc làm do quá trình tự động hóa
Theo cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) được công bố ngày 13/9, phần lớn người dân trên thế giới lo ngại quá trình "tự động hóa" có thể sẽ làm mất nhiều việc làm, thậm chí nhiều người tỏ ra hoài nghi về khả năng công nghệ mới có thể thúc đẩy hiệu quả kinh tế.
Cuộc khảo sát được thực hiện tại 10 quốc gia, cho thấy có sự khác nhau về quan điểm đối với vấn đề trên giữa những nước này.
Cụ thể, Hy Lạp, Nam Phi và Argentina là những nước có quan điểm dứt khoát phản đối về việc thay thế các lao động là con người bằng các loại máy móc, trong khi phần lớn người dân tại những quốc gia còn lại cho rằng tự động hóa "chắc chắn" hoặc "có thể" làm mất nhiều việc làm, trong đó Mỹ là nước có tỷ lệ người có quan điểm này thấp nhất (65%).
Ngoài ra, phần lớn những người dân cho rằng họ đã rất vất vả để kiếm được cho mình một việc làm và sẽ còn khó khăn hơn nữa do việc ứng dụng các công nghệ mới và trí tuệ nhân tạo trong các ngành nghề.
Cũng theo cuộc khảo sát trên, bên cạnh những quan ngại về khả năng bị mất nhiều việc làm do quá trình tự động hóa, một vấn đề khác cũng đang khiến nhiều người lo ngại là khả năng tăng hiệu quả kinh tế nhờ các công nghệ mới.
Ngoại trừ Nhật Bản, Ba Lan và Hungary, phần lớn người dân tại 7 quốc gia còn lại đã tỏ ra hoài nghi về khả năng này, thậm chí chỉ có 33% người Italy tin tưởng vào khả năng trên.
Tương tự như vậy, nhìn nhận về trách nhiệm của nhà nước đối với việc chuẩn bị lực lượng nhân công cho tương lai cũng có sự khác biệt giữa những quốc gia nêu trên. Argentina, Brazil và Italy nằm trong số những nước có đa số người dân cho rằng khu vực nhà nước sẽ đảm nhận trách nhiệm này. Trong khi đó, Mỹ là quốc gia có tỷ lệ người dân có chung quan điểm trên ít nhất, chỉ chiếm 35%.
Theo Báo tin tức