Tập huấn lái xe vận chuyển rác công nghệ Hoa Kỳ
Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) đã mời 4 chuyên gia từ Mỹ sang Việt Nam để tập huấn và đào tạo… cho các lái xe của 3 địa phương Tp.HCM, Long An và Kiên Giang để chuẩn bị vận hành chính thức 6 chiếc siêu xe mà Công ty VWS trước đó đã nhập về để trao tặng cho các địa phương này.
Đợt tập huấn kéo dài từ 16 - 18/01/2019, tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (Bình Chánh, Tp.HCM).
Tham gia khóa đào tạo có khoảng 30 người là kỹ thuật viên, lái xe của Công ty VWS, các đơn vị công ích, môi trường đô thị của huyện Bình Chánh (Tp.HCM), tỉnh Long An, tỉnh Kiên Giang và huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang)… Đây là những đơn vị được nhận 6 "siêu xe" thu gom rác hiện đại của hãng Peterbilt - Hoa Kỳ, do VWS trao tặng vào cuối năm 2018.
Được biết 8 chiếc xe chở rác của hãng Peterbuilt do VWS đặt hàng sản xuất riêng theo yêu cầu và nhập về Việt Nam đã có mặt tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước. 6 trong sốó đó đã được trao tặng cho các địa phương: Tp.HCM 2 chiếc, tỉnh Long An 2 chiếc (nơi VWS đang triển khai dự án xử lý rác thải có số vốn đầu tư giai đoạn một lên đến 450 triệu USD tại xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa), và tỉnh Kiên Giang 2 chiếc (huyện Phú Quốc thụ hưởng).
Ông Dương David Trung, Tổng giám đốc Công ty VWS, cho biết, dù không hoạt động trong lĩnh vực thu gom và vận chuyển rác, nhưng trước tình trạng xe chở rác ở Việt Nam đa số là xe cũ, rỉ nước trong quá trình vận chuyển rác gây ô nhiễm môi trường nên VWS muốn đóng góp sức mình để cải thiện vấn đề này bằng việc tặng cho các địa phương trên một số xe để làm mẫu tham khảo.
Trước khi nhập những chiếc xe chở rác của Mỹ về Việt Nam, ông đã cho chuyên gia từ Mỹ chuyên về lĩnh vực xe chở rác về Tp.HCM, nghiên cứu các xe thu gom rác về hiện trạng, trọng tải, độ an toàn, từ đó có thể làm cho Việt Nam những phiên bản xe riêng.
Những chiếc xe chở rác từ Mỹ lần đầu tiên nhập về Việt Nam của hãng Peterbuilt sản xuất năm 2017 với nhiều tính năng ưu việt. Xe sử dụng tay lái hơi để tài xế dễ dàng điều khiển, có camera 360 độ, hai bên thành xe lắp các tấm chắn đề phòng nguy hiểm cho người đi xe máy và người bộ hành. Thùng xe cũng được thiết kế lớn, có thể chở được 10 tấn rác.
Do đặc tính rác ở Việt Nam phần lớn là rác hữu cơ nên phân huỷ rất nhanh, phát sinh ra nước rác và khí, khiến kim loại bị hao mòn nhanh do vậy dàn bọc và dàn sườn xe của loại xe này được làm bằng kim loại chống rỉ sét, đồng thời có một thùng chứa gom nước rác, không để nước rỉ xuống đường trong quá trình vận chuyển.
Đặc biệt, mỗi khi dừng đèn đỏ, xe sẽ tự động xịt ra mùi hương để người đi xe máy đỗ bên cạnh không bị ảnh hưởng bởi mùi hôi của rác.
"Tất nhiên, để giữ gìn môi trường thì xe cần được vệ sinh định kỳ hằng tuần, như các xe rác ở bên Mỹ", ông Dương David Trung cho biết thêm.
Ưu điểm lớn khác của loạt xe chở rác lần này đó là được chạy bằng nhiên liệu xanh là khí nén thiên nhiên CNG, giúp giảm thải ra môi trường.
Theo ông Dương David Trung: "Mỗi ngày có khoảng 650 lượt xe chở rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, ước tính toàn bộ xe chở rác đến các bãi rác của thành phố cũng cả ngàn chuyến mỗi ngày. Việc xe sử dụng dầu diesel như hiện nay sẽ tạo khối thải lớn, chưa kể nước rỉ rác gây ô nhiễm môi trường.
Do vậy, tôi nghĩ đến những chiếc xe rác đặc chế cho Việt Nam và chạy bằng khí gas, với mong muốn đóng góp vào việc bảo vệ môi trường chung và an toàn cho người lưu thông trên đường. Tôi hy vọng với những chiếc xe chuyên chở rác mới này chạy trên đường phố Sài Gòn sẽ đem lại một cái nhìn thiện cảm cho người dân và khách du lịch nước ngoài khi đến đây tham quan".
Được biết, mỗi chiếc xe giá lên tới gần 500.000 USD.
Ông Dương David Trung cũng để ngõ khả năng trong một tương lai không xa, những chiếc xe chở rác hiện đại như vậy có thể sẽ được sản xuất ở Việt Nam.
Ông nói: "Dù không làm trong lĩnh vực sản xuất ô tô nhưng tôi thiết nghĩ việc các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực sản này kêu gọi đối tác nước ngoài liên doanh liên kết để sản xuất xe chở rác cho Việt Nam và xuất khẩu ra các nước trong khu vực là điều hoàn toàn khả thi".
Xuân Thái - Vneconomy