Đơn giản hóa chế độ báo cáo: Giảm gánh nặng cho ngân sách
Ngày 12.3 tới đây, Nghị định 09/2019/NĐ-CP quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính Nhà nước (CQHCNN) chính thức có hiệu lực, trong đó có nhiều quy định thể hiện sự đơn giản hóa trong chế độ báo cáo của các CQHCNN được kỳ vọng sẽ giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước.
Chuyển dần sang báo cáo điện tử
Theo đó, Nghị định quy định nguyên tắc chung về việc ban hành chế độ báo cáo của CQHCNN là bảo đảm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ phục vụ hiệu quả cho hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành của CQHCNN, người có thẩm quyền; đồng thời, phục vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp trong việc thực hiện chế độ báo cáo đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và HĐND cùng cấp.
Nghị định nêu rõ, chế độ báo cáo chỉ được ban hành khi thật sự cần thiết để phục vụ mục tiêu quản lý, chỉ đạo, điều hành của CQHCNN, người có thẩm quyền. Chế độ báo cáo phải phù hợp về thẩm quyền ban hành và đối tượng yêu cầu báo cáo, bảo đảm rõ ràng, thống nhất, đồng bộ, khả thi và không trùng lắp với chế độ báo cáo khác.
Giảm tối đa yêu cầu về tần suất báo cáo nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực trong thực hiện chế độ báo cáo. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chế độ báo cáo, chuyển dần từ báo cáo bằng văn bản giấy sang báo cáo điện tử.
Đồng ý về chủ trương này, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Thị Quốc Khánh mong muốn Nghị định sớm triển khai càng tốt. Trong một sự việc nào đó, nếu dùng báo cáo bằng văn bản giấy sẽ mất thời gian, chi phí vận chuyển.
Chính vì vậy, khi triển khai được, ngoài hiệu quả cao còn tiết kiệm được rất nhiều ngân sách cho Nhà nước. Tuy nhiên, theo vị đại biểu này, nếu tất cả các cơ quan đồng bộ và hợp tác chuyển cho nhau các văn bản thì rất dễ và thuận lợi nhưng cũng có những cơ quan họ theo các nhà cung cấp công nghệ khác thì rất khó.
Mới đây nhất, tại hội nghị tổng kết công tác hành chính năm 2018, triển khai kế hoạch năm 2019 của UBND TPHCM, ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã ghi nhận kết quả đạt được trong công tác cải cách hành chính trên địa bàn như việc văn phòng UBND thành phố đã chuyển qua sử dụng thư điện tử, ít sử dụng văn bản giấy và tiết kiệm được 15 tỉ đồng trong vòng 2 năm.
Còn ông Võ Sĩ - Phó chánh Văn phòng UBND TPHCM cho biết, trong 2 năm qua (năm 2017 và 2018), đơn vị đã áp dụng nhiều giải pháp trong cải cách hành chính, trong đó áp dụng thư mời điện tử, tin nhắn SMS.
Việc làm này giúp thông tin về cuộc họp được chuyển tải nhanh đến những người liên quan và tiết kiệm được chi phí. Để thực hiện thư mời điện tử, SMS, Văn phòng UBND TPHCM phải thường xuyên cập nhật thông tin, địa chỉ email người liên quan, ban ngành trực thuộc UBND thành phố, cập nhật mới họ tên của lãnh đạo sở, ngành, quận huyện khi có sự thay đổi để đảm bảo gửi đúng người đến dự họp.
Giảm gánh nặng cho ngân sách
Trao đổi với PV Báo Lao Động, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, chủ trương này hoàn toàn phù hợp với kế hoạch của Chính phủ xây dựng Chính phủ điện tử. Rất nhiều nước trên thế giới đã thực hiện việc này, cụ thể như Chính phủ Đan Mạch.
Họ cấp cho mỗi người dân một email và đào tạo cho người dân sử dụng thông thạo internet. Ngoài ra, họ cũng hướng dẫn cho người dân cách liên hệ với các cơ quan của Chính phủ qua internet.
Theo ông Doanh, việc thực hiện này là bước tiến đột phá. Ngoài việc đưa ra các chính sách thực hiện thì cần phải có những quy định hướng dẫn cho người dân thực hiện được việc này tronng thời gian sớm nhất.
Đối với những người dân ở vùng sâu, vùng xa thì cần phải chăm sóc, phải cung cấp đường truyền internet và các loại thiết bị thông minh để họ có thể cập nhật được điều này. “Phải xây dựng một kế hoạch cụ thể thì mới có kết quả tốt” - ông Doanh nhấn mạnh.
Trong khi đó, PGS-TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế cho rằng, việc cắt giảm các thủ tục hành chính là cần thiết. Hiện nay, các CQHCNN đòi hỏi rất nhiều văn bản báo cáo. Trong khi đó, ở thời đại 4.0, thông qua môi trường điện tử báo cáo sẽ giảm được chi phí rất nhiều.
Ngoài việc giảm chi phí cho đơn vị thì còn giảm gánh nặng cho ngân sách. Không đơn thuần trong tiết kiệm chi phí mà còn việc lưu trữ khối lượng lớn thông tin cũng rất tốt. “Chính sách của mình không thiếu nhưng cái quan trọng việc thực hiện chính ra sao mới quan trọng” - ông Long nói.
Ông Long nói thêm, mặc dù có những ưu điểm như vậy nhưng cũng phải cân nhắc một số trường hợp. Cụ thể, với những thư mời mật và tài liệu kèm theo vẫn được gửi bằng giấy. Nếu gửi bằng điện tử thì rất dễ bị lộ thông tin ra ngoài.
Cao Nguyên - Báo Lao động