Hết năm nay, 100% nội dung xin ý kiến thành viên Chính phủ được xử lý trên mạng


Một mục tiêu của Đề án xây dựng hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) là đến hết năm 2019, 100% các nội dung xin ý kiến thành viên Chính phủ được xử lý trên môi trường mạng, trừ nội dung bí mật nhà nước.

Đề án xây dựng hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) nhằm đổi mới phương thức làm việc của Chính phủ trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ CNTT, hướng tới Chính phủ không giấy tờ, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hi…

Đề án xây dựng hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) nhằm đổi mới phương thức làm việc của Chính phủ trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ CNTT, hướng tới Chính phủ không giấy tờ, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành (Ảnh minh họa: Chinhphu.vn)

Đề án xây dựng hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) nhằm đổi mới phương thức làm việc của Chính phủ trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ CNTT, hướng tới Chính phủ không giấy tờ, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Thành viên Chính phủ; tạo sự lan tỏa quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử.

Cụ thể, giảm thời gian các phiên họp Chính phủ, phấn đấu đến hết năm 2019 giảm 30% thời gian họp so với trung bình các năm trước; giảm tối đa việc sử dụng văn bản giấy trong các phiên họp Chính phủ, phấn đấu hết năm 2019 đạt mục tiêu họp Chính phủ không giấy tờ, sử dụng 100% văn bản điện tử trong các phiên họp Chính phủ, trừ văn bản có nội dung bí mật nhà nước.

Các Thành viên Chính phủ sẽ cho ý kiến và biểu quyết trên môi trường điện tử có thực hiện ký số đối với các công việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, kể cả khi vắng mặt tại cơ quan hoặc vắng mặt tại phiên họp Chính phủ. Phấn đấu hết năm 2019, 100% các nội dung xin ý kiến thành viên Chính phủ được xử lý trên môi trường mạng, trừ nội dung bí mật nhà nước.

Bên cạnh đó, sẽ quản lý đầy đủ thành phần, nội dung, chương trình, tài liệu, biên bản, Nghị quyết từng phiên họp Chính phủ, hỗ trợ cơ chế chuẩn bị, cho ý kiến trước phiên họp nhằm tiết kiệm thời gian họp và nâng cao chất lượng cuộc họp.

Các Thành viên Chính phủ có thể nhận các thông tin, nhắc việc thông qua thư điện tử, tin nhắn trên điện thoại di động; Bảo đảm kết nối, liên thông Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ với các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Được triển khai phục vụ các phiên họp Chính phủ và xử lý các công việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ dự kiến sẽ được hoàn thành đưa vào sử dụng trong tháng 6/2019. Trước khi vận hành chính thức, có vận hành thử nghiệm.

Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ có 7 nhóm chức năng chính gồm: Hỗ trợ phục vụ phiên họp Chính phủ; Hỗ trợ xử lý công việc của Chính phủ; Thông tin cảnh báo, nhắc việc; Kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin; Tra cứu, tìm kiếm, báo cáo thống kê; Quản lý người dùng; và quản trị, vận hành hệ thống.

Đề án còn nêu rõ các yêu cầu đối với Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ như: Hệ thống được xây dựng để đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ trong tổ chức phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ không giấy tờ, bảo đảm đơn giản, thuận tiện; giao diện trực quan, thân thiện, dễ sử dụng;

Được thiết kế để hướng tới có thể triển khai nhân rộng cho các bộ, ngành và UBND các cấp, có thể nâng cấp mở rộng phục vụ các cuộc họp do lãnh đạo Chính phủ chủ trì với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan vào năm 2020; thuận tiện, linh hoạt khi cần cải tiến, nâng cấp để điều chỉnh, bổ sung, tích hợp các chức năng đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành của Chính phủ; có khả năng phân cấp truy cập đến các thành viên Chính phủ, các chủ thể để tham gia hệ thống, đảm bảo đúng thẩm quyền, linh hoạt, hiệu quả.

Đồng thời, hệ thống cũng được yêu cầu phải bảo đảm an ninh mạng theo quy định của Luật An ninh mạng, Chiến lược an ninh quốc gia và an toàn thông tin cấp độ 5 theo quy định tại Nghị định 85 ngày 1/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; có cơ chế bảo mật nhiều lớp, xác thực truy cập đa nhân tố, sử dụng các giải pháp mật mã và chứng thư số chuyên dùng do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp;

Hỗ trợ ứng dụng e-Cabinet trên máy tính để bàn và các thiết bị di động cầm tay thông dụng (máy tính bảng, điện thoại thông minh…);

Hệ thống được thiết kế mở về kiến trúc, hỗ trợ khả năng thiết lập quy trình nghiệp vụ linh hoạt, trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây dùng riêng (Private Cloud), tuân thủ và phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam và Văn phòng Chính phủ.

Đáng chú ý, cũng theo Quyết định phê duyệt Đề án, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ sẽ được thực hiện theo hình thức thuê dịch vụ CNTT của doanh nghiệp trong nước.

Theo đó, doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp, nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác xây dựng hệ thống trên cơ sở yêu cầu đặt hàng của Văn phòng Chính phủ và cho Văn phòng Chính phủ thuê lại, bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật; doanh nghiệp cung cấp cấp dịch vụ CNTT có trách nhiệm bảo mật, bảo đảm an toàn hệ thống thông tin.

Vân Anh - ICTNews

Bài gốc

Xem thêm