Cách đăng ký và theo dõi bệnh án điện tử tại một số bệnh viện TP.HCM
Bắt đầu từ 1/3, Bộ Y tế quy định các cơ sở khám chữa bệnh triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nhằm giảm áp lực cho cả bác sĩ và bệnh nhân. Tuy nhiên hiện nay, mỗi bệnh viện một quy trình đăng ký khám trực tuyến khác nhau. Vậy người dân sẽ đăng ký khám bệnh và theo dõi bệnh án điện tử như thế nào?
Bệnh viện quận Thủ Đức (TPHCM) đã áp dụng công nghệ thông tin, bệnh án điện tử từ năm 2008. Việc áp dụng được thực hiện cuốn chiếu từng khoa. Sau khi áp dụng cho các phòng khám ngoại trú (trong ngày) thành công, bệnh viện đang áp dụng cho khám nội trú (nhập viện) với 2 khoa đầu tiên là Nội và Ngoại.
Nhờ vào công nghệ thông tin, áp dụng bệnh án điện tử, quy trình khám chữa bệnh đã được cải thiện tốt hơn. Bệnh nhân không cần cầm sổ khám bệnh vì thông tin đều dễ dàng cập nhật trên máy tính.
Thậm chí, các xét nghiệm cận lâm sàng với những kết quả chụp X-quang, chụp CT,... cũng không cần in ra và cầm kết quả đi tới đi lui, tiết kiệm thời gian và công sức cho cả bệnh nhân lẫn nhân viên y tế.
Mỗi ngày, Bệnh viện quận Thủ Đức phục vụ hơn 6.000 lượt khám chữa bệnh. Trước đây, bệnh nhân phải qua 2 khâu lấy số, đầu tiên là đăng ký khám rồi lấy số vào phòng khám.
Bây giờ, không cần bước đầu tiên, chỉ cần quét mã vạch thẻ Bảo hiểm y tế và xác nhận chuyên khoa phù hợp là bệnh nhân đã có số thự tự vào phòng khám. Ngay cả thủ tục nhập viện cũng đơn giản hơn trước.
Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh từ hơn 10 năm qua. Từ năm 2018, bệnh viện triển khai lưu trữ và truyền tải hình ảnh y khoa, xét nghiệm mà không cần in.
Hiện bệnh viện đã quản lý hầu như toàn bộ thông tin của bệnh nhân. Dự định năm 2019 - 2020 bệnh viện hoàn thành hạ tầng công nghệ thông tin và nâng cấp phần mềm để hoàn thiện bệnh án điện tử trong nội bộ bệnh viện.
Hiện tại. bệnh nhân đã có thể đăng ký khám bệnh trực tuyến trên website của bệnh viện. Chỉ cần chọn mục “Đăng ký khám bệnh”, khai báo các thông tin theo yêu cầu, bệnh nhân đã được cấp số để khám.
Bệnh viện ĐH Y dược TPHCM đã triển khai bệnh án điện tử, hệ thống PACs, hóa đơn điện tử toàn viện, kios điện tử… nhằm hiện đại hóa lưu trữ thông tin cũng như gia tăng các tiện ích cho người bệnh, nhân viên y tế từ giữa năm 2018.
Bệnh nhân có thể dễ dàng đăng ký khám theo ngày, khám theo bác sĩ, thanh toán viện phí nội trú cũng như tra cứu thông tin đặt chỗ, thông tin bệnh nhân, lịch khám cũng như thanh toán viện phí nội trú ngay trên website của bệnh viện.
Ngoài ra, bệnh viện đã triển khai đăng ký khám bệnh tự động qua kios điện tử. Khách hàng không cần phải mất thời gian xếp hàng, chờ đợi. Không những vậy, thông qua các kios, người bệnh có thể biết được số thứ tự đang khám tại phòng khám, từ đó linh động sắp xếp thời gian, không phải ngồi đợi số thứ tự trước phòng khám như lúc trước.
Đồng thời, để tiết kiệm nhân sự, thời gian và chi phí in ấn, bệnh viện đã phát hành hóa đơn điện tử toàn viện, người bệnh có thể tra cứu và nhận hóa đơn giá trị gia tăng thông qua website bệnh viện.
Theo BS Nguyễn Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, hiện mỗi đơn vị tự mày mò, liên hệ các đơn vị cung cấp viết phần mềm bệnh án điện tử nên gặp nhiều khó khăn.
BS Tuyết mong muốn trong lộ trình xây dựng bệnh án điện tử cần có đầu tư xây dựng hệ thống bệnh án điện tử chung toàn thành phố, giúp kết nối dữ liệu giữa các cơ sở y tế, giúp bệnh nhân ở đâu cũng có thể tra cứu được thông tin bệnh án của mình.
An Nhiên - Infonet