Trung Quốc phấn đấu là cường quốc khoa học công nghệ vào năm 2050
Trung Quốc phấn đấu trở thành cường quốc về khoa học công nghệ trên thế giới vào năm 2050.
Trong cuộc họp báo sáng nay (11/3), Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ Trung Quốc Vương Chí Cương đã khẳng định tầm quan trọng của khoa học công nghệ trong chiến lược xây dựng "Quốc gia sáng tạo" của nước này.
Theo ông Vương Chí Cương, mục tiêu của Trung Quốc là đến năm 2020 trở thành quốc gia sáng tạo, đứng khoảng thứ 15 về chỉ số sáng tạo khoa học công nghệ trên bảng xếp hạng của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO).
Ông cho biết: "Quốc gia sáng tạo là nội dung hết sức quan trọng trong Chiến lược ba bước của Trung Quốc theo Báo cáo Đại hội Đảng lần thứ 19, để trên cơ sở xây dựng toàn diện xã hội khá giả, thực hiện cơ bản hiện đại hóa vào năm 2035 và trở thành cường quốc hiện đại hóa vào giữa thế kỷ.
Sáng tạo khoa học công nghệ cũng có Chiến lược 3 bước, đó là đến năm 2020 trở thành quốc gia sáng tạo, vào khoảng năm 2035, đi đầu trong các quốc gia sáng tạo, đến năm 2050 trở thành cường quốc khoa học công nghệ trên thế giới."
Được biết, sáng tạo khoa học công nghệ được đạt ở vị trí trọng tâm trong tiến trình hiện đại hóa ở Trung Quốc và là động lực quan trọng của sự phát triển. Theo số liệu thống kê, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển của Bắc Kinh trong năm 2017 tăng 12,3%, đạt mức kỷ lục, chiếm 2,13% trong tổng lượng GDP.
Trong Báo cáo công tác Chính phủ trình bày tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra tại Bắc Kinh, Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường lần đầu tiên nhắc đến khái niệm “công nghệ thông minh+” (Intelligent +). Trong đó nhấn mạnh: "Xây dựng nền tảng mạng internet công nghiệp, mở rộng “công nghệ thông minh+”, tạo động lực cho nâng cấp chuyển đổi mô hình ngành chế tạo.", nhằm đẩy nhanh việc xây dựng cường quốc chế tạo.
Báo cáo cũng nhắc đến khái niệm "Internet +", tiền thân và là lực đỡ quan trọng của "Trung Quốc chế tạo 2025". Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp Báo cáo nhắc đến việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng "trí tuệ nhân tạo".
Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh, năng lực tự chủ sáng tạo của Trung Quốc không mạnh; hạn chế yếu kém trong lĩnh vực kỹ thuật then chốt còn nổi cộm. Hay như lời ông Vương Chí Cương thừa nhận, Trung Quốc vẫn tồn tại nhiều hạn chế cần được khắc phục trên các lĩnh vực như nghiên cứu cơ bản, hệ sinh thái sáng tạo hay hệ sinh thái nghiên cứu khoa học…
Bích Thuận - VOV