Nông dân ở vùng nông thôn trở thành "ngôi sao" trên ứng dụng live-stream, các thương nhân Trung Quốc chỉ cần xem video và dự đoán xu hướng giá nông sản
Trên ứng dụng này, họ có thể tập hợp thông tin về việc trồng trọt, thu hoạch, dự trữ và bán hàng trong thời gian thực, thay vì phải chờ đợi việc khảo sát trên điện thoại mất hàng tiếng đồng hồ hay vất vả đi đến tận nơi.
Các ứng dụng trực tuyến trở thành một "cơn bão" đối với giới trẻ Trung Quốc bằng những đoạn video hát nhép, nhảy múa ngắn và rất nhiều hành động kỳ lạ. Còn hiện tại, các thương nhân lại đang sử dụng những ứng dụng này để dự đoán giá cả của các loại nông sản.
Ví dụ, trên hình là một nông dân ở vùng nông thôn phía đông bắc đang quay lại những chiếc xe tải đang chất đầy các bắp ngô vàng bằng điện thoại. Cách đó khoảng 2000 dặm, anh Honda Wei đang theo dõi đoạn video này một cách chăm chú tại văn phòng của mình, anh theo dõi rất kỹ về những hình ảnh vui mừng của người nông dân kia để tìm ra những chi tiết về cung và cầu.
Anh Wei, 33 tuổi, nhận xét về trải nghiệm của mình khi sử dụng ứng dụng Kuaishou: "Ứng dụng này cung cấp thông tin trực quan về thị trường trong nước. Các thương nhân đang tìm kiếm về mối tương quan giữa tâm lý của người nông dân và biến động về giá trong tương lai." Kuaishou là một ứng dụng quay video ngắn, được "gã khổng lồ" Tencent hậu thuẫn.
Với tổng cộng hơn 700 triệu người dùng, Kuaishou và ứng dụng "đối thủ" Douyin của Bytedance đã mang đến một nguồn thông tin tiềm năng cực kỳ rộng lớn cho thị trường Trung Quốc.
Cùng các mạng xã hội như Weibo, người dùng có thể tập hợp thông tin về việc trồng trọt, thu hoạch, dự trữ và bán hàng trong thời gian thực, thay vì phải chờ đợi việc khảo sát trên điện thoại mất hàng tiếng đồng hồ hay vất vả đi đến tận nơi.
Zhang Yan, một nhà phân tích của Shanghai JC Intelligence, cũng là một người sử dụng Kuaishou, cho biết: "Cộng đồng mua bán theo dõi về tâm lý của những người nông dân khi họ đang quay hình trên mạng xã hội."
Trong khi các thương nhân quốc tế sử dụng Twitter để tìm kiếm, theo dõi mọi thứ từ các vụ hoả hoạn tại nhà máy lọc dầu, đắm tàu cho tới tâm lý của thị trường chứng khoán, thì người Trung Quốc lại không thể làm điều đó, bởi đương nhiên Twitter cũng bị chặn ở đây.
Nhu cầu theo dõi thông tin rất cao khiến nhiều người Trung Quốc đã chuyển sang sử dụng các ứng dụng phát trực tuyến, nông dân quay phim để tương tác với những người khác và cải thiện năng suất, quản lý chi phí và tối đa hoá lợi nhuận. Xu hướng này ngày càng phổ biến nhờ những thay đổi của thị trường hàng hoá trong nước.
Năm 2016, nước này đã huỷ bỏ chương trình dự trữ ngô ở phía đông bắc để thị trường tự định giá. Thay vì thu mua toàn bộ, chính phủ hiện tại đưa gói trợ cấp cho nông dân nhằm khuyến khích họ gieo trồng.
Sản lượng nông nghiệp ở Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi những hạn chế đối với các giống biến gen và chuyển nhượng đất, tất cả làm tăng thêm độ "nhạy cảm" của thị trường trong nước.
Không những vậy, quyết định này còn khiến các thương nhân và các nhà phân tích cảm thấy khó hiểu và ảnh hưởng đến cả thị trường toàn cầu.
Chính yếu tố này đã khiến việc theo dõi và lấy thông tin trên các trang mạng xã hội trở nên phổ biến hơn. Zhang Xiaoran, điều hành ban trách nhiệm xã hội của Kuaishou, cho biết:
"Bạn sẽ thấy các nông dân bán cùng một loại sản phẩm đến từ những vùng khác nhau sẽ trở thành bạn bè khá thường xuyên. Những nông dân chia sẻ thông tin về năng suất và rất nhiều trong số họ đã bán các sản phẩm mình sản xuất cho nhau."
Kuaishou trở nên nổi tiếng nhờ những màn quảng cáo được thực hiện bởi các "streamer". Đây là một trong những ứng dụng đầu tiên tập trung vào sự phát triển của các thành phố cấp thấp và khu vực nông thôn.
Việc này đã giúp Kuaishou trở thành ứng dụng phát trực tuyến được nông dân rất ưa chuộng, nhất là khi việc sử dụng smartphone ngày càng phổ biến và nhân khẩu học hoạt động theo hướng có lợi.
Julia Pan, một nhà phân tích tại UOB Kay Hian Holdings, cho biết chiến lược đó đã mang lại lợi thế cho Kuaishou. Bà nói thêm: "Ban đầu, họ có một loạt các live-streamer thực hiện những video rất độc đáo, từ đó họ trở nên cực kỳ nổi tiếng với những người sống ở khu vực nông thôn.
Thật khó để đưa những thông tin mà nông dân cung cấp trên video trở thành một cơ sở dữ liệu toàn diện, nhưng nó hoạt động như một nguồn tin khác đặc biệt."
Theo số liệu được công bố hồi năm ngoái, Kuaishou có hơn 3,75 triệu người dùng hoạt động mỗi tháng ở hơn 800 quận nghèo của Trung Quốc.
Chen Sinuo, phó chủ tịch của Kuaishou, cho biết các đoạn video ngắn cho phép những nông dân ở khu vực nông thôn thu hút sự chú ý của công chúng là yếu tố tạo nên sự nổi tiếng của ứng dụng này.
Nhiều chuyên gia nông nghiệp còn cho biết các nền tảng như Kuaishou có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp, sinh thái nông thôn và du lịch.
Ngoài ra, những người nông dân sử dụng nền tảng này đều có thu nhập khá "ổn" sau mỗi lần "quảng cáo" và "rao bán" sản phẩm. Kuaishou còn "bắt tay" với các nền tảng thương mại điện tử như Taobao hay Youzan để hỗ trợ người dân buôn bán và vận chuyển hàng hoá.
Hương Giang - TTVN