Việt Nam thành lập Liên minh “Xử lý mã độc và phòng, chống tấn công mạng”


Ngày 17/4/2019, dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT, Cục An toàn thông tin và Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cùng 5 thành viên sáng lập gồm Viettel, VNPT, FPT, Bkav, CMC đã ký kết và công bố thành lập Liên minh “Xử lý mã độc và phòng chống tấn công mạng”.

Đại diện Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Cục An toàn thông tin), Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam và 5 thành viên sáng lập Liên minh “Xử lý mã độc và phòng, chống tấn công mạng” ký kết thỏa thuận hợp tác.

Đại diện Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Cục An toàn thông tin), Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam và 5 thành viên sáng lập Liên minh “Xử lý mã độc và phòng, chống tấn công mạng” ký kết thỏa thuận hợp tác.

Với mục đích đoàn kết, tập hợp lực lượng để tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin phục vụ công tác đảm bảo an toàn thông tin quốc gia và cộng đồng người dùng Internet tại Việt Nam, Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT và Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) đã có sáng kiến thành lập Liên minh “Xử lý mã độc và phòng, chống tấn công mạng”.

Lễ ký kết và công bố thành lập Liên minh “Xử lý mã độc và phòng, chống tấn công mạng” được tổ chức hôm nay, ngày 17/4/2019, trong khuôn khổ chương trình Hội thảo và Triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng Việt Nam 2019 - Vietnam Security Summit 2019 với chủ đề “An toàn, an ninh mạng trong hành trình chuyển đổi số”.

Liên minh hoạt động dưới sự bảo trợ, dẫn dắt của Bộ TT&TT, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Cục An toàn thông tin và Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam là 2 đơn vị có vai trò chủ trì. Năm thành viên sáng lập Liên minh bao gồm: Công ty An ninh mạng Viettel, Trung tâm An toàn thông tin VNPT, Trung tâm An ninh mạng FPT, Công ty cổ phần BKAV và Công ty TNHH An ninh, an toàn thông tin CMC.

Nói về việc thành lập Liên minh “Xử lý mã độc và phòng, chống tấn công mạng” dưới sự chủ trì của Cục An toàn thông tin và Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, với 5 thành viên sáng lập đến từ Viettel, VNPT, BKAV, FPT, CMC, trong phát biểu khai mạc sự kiện Vietnam Security Summit 2019, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh:

“Từ 5 đơn vị ban đầu này, Liên minh sẽ không ngừng lớn mạnh. Chúng ta chỉ có thể thành công khi liên minh lại, không chỉ trong nước mà cả quốc tế nữa”.

Bộ trưởng cũng cho biết, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ TT&TT luôn sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong quá trình chuyển đổi số.

Bộ cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác, sự phát triển của các doanh nghiệp, hiệp hội trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng. Việt Nam có cơ hội trở thành quốc gia lớn mạnh về an toàn, an ninh mạng. Và chúng ta sẽ không bỏ lỡ cơ hội ấy.

Theo thỏa thuận hợp tác mới ký kết, các thành viên trong Liên minh “Xử lý mã độc và phòng, chống tấn công mạng” thống nhất sẽ cùng nhau hướng tới các mục tiêu:

Thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa cơ quan nhà nước, Hiệp hội và doanh nghiệp nhằm cung cấp, phát triển những sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ cho cộng đồng, xã hội; Tăng cường mối quan hệ tin cậy, gắn kết, chia sẻ giữa các doanh nghiệp lớn đang làm về an toàn thông tin tại Việt Nam nhằm huy động và gắn kết sức mạnh của doanh nghiệp trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng;

Cùng nhau bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức và người dân Việt Nam trước các nguy cơ tấn công mạng; Giảm tỉ lệ lây nhiễm mã độc tại Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia có môi trường mạng ant oàn, tin cậy.

Trên thực tế, thời gian qua, mặc dù chưa chính thức thành lập Liên minh, song Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT cũng phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam và các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng Việt Nam trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Cũng nhờ đó, các vụ việc liên quan đến lây nhiễm mã độc và tấn công mạng đã giảm rõ rệt.

Cụ thể, theo thống kê của Cục An toàn thông tin, 3 tháng đầu năm 2019, tổng số cuộc tấn công mạng nhằm vào các hệ thống thông tin ở Việt Nam là 1.534 cuộc của cả 3 hình thức Phishing, Deface và Malware, giảm 21,17% so với quý IV/2018, giảm 49,82% so với cùng kỳ quý I/2018. Số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng máy tính ma tính đến cuối tháng 3/2019 là 1.845.133 địa chỉ, giảm 17,42% so với quý IV/2018 và giảm 56,19% so với cùng kỳ năm 2018.

“Những chuyển biến tích cực này là kết quả của công tác phối hợp triển khai chiến dịch xử lý mã độc ở Hà Nội và TP.HCM do Bộ TT&TT (Cục An toàn thông tin) phối hợp với 2 thành phố triển khai trong thời gian vừa qua”, đại diện Cục An toàn thông tin chia sẻ.

Vân Anh - ICTNews

Bài gốc

Xem thêm