Thành phố Hồ Chí Minh văn minh và thông minh


"Khát vọng xây dựng thành công thành phố thông minh trở nên mãnh liệt đối với nhiều quốc gia, thành phố trên thế giới. TP.HCM cũng vậy!" - phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến khẳng định.

Môi trường sống tiện lợi, an toàn

* Phóng viên: Ra mắt chính thức vào ngày 26-11-2017, điều người dân quan tâm nhất là họ được hưởng lợi gì từ đề án "Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025" mà TP đang triển khai, thưa ông?

- Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến: Mục tiêu cao nhất của việc xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh là hướng tới việc bảo đảm môi trường sống thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn cho mọi người dân. Đề án đô thị thông minh nhắm đến chất lượng sống tốt cho người dân và họ có thể tham gia giám sát, quản lý, xây dựng TP.

Với đô thị thông minh, người dân có thể thụ hưởng các tiện ích như: sử dụng năng lượng với chi phí thấp, hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, dịch vụ y tế tốt; học sinh có thể học tại trường chất lượng, không khí trong lành, nguồn nước sạch, tỉ lệ tội phạm thấp, các hoạt động vui chơi giải trí đa dạng...

* Ông có thể khái quát bức tranh tiện lợi, an toàn?

- Người dân là một trong các chủ thể quan trọng của đô thị. Do đó, đề án được xây dựng với một tầm nhìn mong muốn sẽ đem lại được những lợi ích trong ngắn hạn và dài hạn, trực tiếp và gián tiếp cho người dân. Cụ thể:

Thông qua các kênh giao tiếp, cổng dữ liệu mở về các lĩnh vực mà người dân quan tâm, đông đảo người dân sẽ tham gia vào quá trình giám sát, xây dựng và phát triển TP.

Phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số để phục vụ người dân tốt hơn: các thủ tục hành chính được cung cấp dưới hình thức trực tuyến mang tính đơn giản, tiện lợi hơn, giúp người dân có thể thực hiện đăng ký tại nhà; dữ liệu hành chính được chia sẻ giữa các cơ quan nhà nước giúp người dân không phải photocopy nhiều loại giấy tờ, hồ sơ cá nhân; quá trình xử lý hồ sơ, yêu cầu, khiếu nại, đề xuất của người dân được minh bạch.

Về giao thông, dữ liệu về hiện trạng và dự báo tình hình giao thông được cung cấp rộng rãi cho người dân (thông qua web hoặc ứng dụng di động) để người tham gia giao thông chủ động điều chỉnh lộ trình giúp giảm ùn tắc trên các tuyến đường. Các hệ thống điều khiển đèn tín hiệu thông minh giúp nhanh chóng thoát lưu lượng cho các khu vực khi phát hiện có (nguy cơ) ùn tắc. Cung cấp tiện ích hỗ trợ người dân dễ dàng tìm vị trí đỗ xe và thanh toán…

Cảnh báo, giám sát ngập nước hiệu quả, góp phần xây dựng các giải pháp chống ngập: các hệ thống cảnh báo và giám sát mực nước, triều cường, mưa sẽ giúp theo dõi và cung cấp các dữ liệu về nguy cơ, tình hình ngập nước kịp thời cho người dân để chủ động phòng tránh, giảm thiểu tác động của ngập nước.

Nâng cao chất lượng hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe người dân: việc khám chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm y tế trở nên đơn giản và thuận tiện hơn thông qua hệ thống điện tử lưu trữ các thông tin khám chữa bệnh của bệnh nhân. Việc lưu trữ thông tin điện tử cho phép rút ngắn thời gian khám chẩn bệnh, xét nghiệm, cấp thuốc, giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và hạn chế các sai sót y khoa.

Nâng cao chất lượng sống thông qua việc tăng cường bảo đảm an ninh trật tự xã hội: ứng dụng công nghệ để theo dõi tình hình an ninh, phát giác tội phạm, hỗ trợ phát hiện vi phạm (giao thông, lấn chiếm lòng lề đường...) để xử phạt từ xa, góp phần giữ vững an ninh trật tự...

tran-vinh-tuyen-15562674472411523544941.jpg

* Xét cho cùng, những điều trên đều là giải pháp công nghệ. Vậy yếu tố con người trong đô thị thông minh như thế nào?

- Xây dựng TP thông minh thì trình độ dân trí cần phải cao, bên cạnh người lãnh đạo phải giỏi.

Xây dựng một TP thông minh không chỉ áp dụng các sản phẩm công nghệ thông minh, mà quan trọng hơn là xây dựng được cộng đồng dân cư văn minh. Người dân chính là chủ thể được phục vụ, đồng thời cũng là một trong các chủ thể quan trọng bậc nhất khi xây dựng TP thông minh. Để đề án này thành công, ngoài sự quyết liệt của chính quyền thì cần sự "vào cuộc" mạnh mẽ của người dân, coi đây là công việc của chính bản thân mình. Bởi suy cho cùng, đô thị thông minh là để phục vụ cho người dân.

Do đó, dân trí phải được nâng cao, nhận thức của người dân phải thực sự thay đổi. Khi TP xây dựng hệ thống chính quyền điện tử và thực hiện các giải pháp thông minh bằng sản phẩm công nghệ thông tin thì người dân cũng phải theo kịp.

Vào mạng, tự đọc, tự khai, tự thực hiện các yêu cầu, đó là đòi hỏi tối thiểu. Hiện nay, người dân đến làm hộ chiếu, phải vào máy tính để tự khai nhưng nhiều người vẫn không làm được. Cho nên, ai cũng phải thay đổi để đáp ứng yêu của quá trình xây dựng một TP thông minh. Người dân, chính quyền phải "nắm chặt tay" thì mới có thể xây dựng đô thị thông minh thành công.

Phát triển đa hướng

* Bên cạnh đô thị thông minh, với sức ép dân cư ngày càng tăng nhanh, TP.HCM sẽ phát triển không gian đô thị như thế nào trong thời gian tới, nhất là trong tầm nhìn 2025?

- Theo định hướng phát triển đến năm 2025, TP.HCM sẽ là đô thị năng động, có tốc độ phát triển kinh tế cao và bền vững; là vùng kinh tế động lực hàng đầu của cả nước, trung tâm kinh tế của khu vực và châu Á; là trung tâm thương mại tài chính, dịch vụ tầm cỡ quốc tế, trung tâm công nghiệp công nghệ cao với trình độ chuyên môn hóa cao.

Hiện nay, với dân số hơn 7 triệu người (chưa tính dân vãng lai), TP đang trong tình trạng quá tải. Đối phó với nguy cơ trên, trong định hướng phát triển đến năm 2025, TP xác định việc phát triển không gian đô thị sẽ theo hướng đa tâm, phát triển các đô thị vệ tinh xung quanh để giảm áp lực dân số. Khu trung tâm chính (hạt nhân) vẫn là khu vực hiện nay và mở rộng sang khu đô thị mới Thủ Thiêm.

TP xác định sẽ gắn kết với vùng đô thị TP.HCM (gồm TP.HCM và 7 tỉnh: Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang); đồng thời mở rộng phát triển theo bốn hướng, xây dựng các khu đô thị vệ tinh.

Mô hình phát triển vùng TP theo hình thức tập trung - đa cực với vùng trung tâm bán kính 15 km và 4 cực phát triển. Vùng trung tâm bao gồm: đô thị hạt nhân TP.HCM, các đô thị vệ tinh độc lập được xác định bán kính 30 km từ trung tâm đô thị hạt nhân TP.HCM (bao gồm TP Biên Hòa, TP Thủ Dầu Một), các đô thị vệ tinh phụ thuộc: đô thị mới Nhơn Trạch, đô thị mới Tam Phước và các đô thị mới: Hiệp Phước, Củ Chi, Đức Hòa, Long Thành, Trảng Bom, An Lạc, Nhà Bè; Cần Giờ, Dĩ An - Thuận An và các đô thị vùng phụ cận.

* TP.HCM sẽ ưu tiên phát triển theo hướng nào, thưa ông?

Cùng với đô thị hạt nhân, các khu đô thị vệ tinh được xác định theo 4 hướng. TP.HCM sẽ đẩy mạnh phát triển về phía Đông, trọng tâm là phát triển khu đô thị trung tâm sáng tạo ở các quận 2, 9, Thủ Đức với Khu Công nghệ cao, Khu Công viên khoa học - công nghệ, ĐHQG TP và các trường đại học, khu chế xuất, khu đô thị mới Thủ Thiêm... Đây sẽ là hạt nhân phát triển đô thị của TP.HCM trong thời kỳ 4.0. Khu vực này cũng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển đô thị đồng bộ, hoàn chỉnh; kết nối với sân bay Long Thành và nhiều cực động lực của vùng như Biên Hòa, Nhơn Trạch...

TP.HCM cũng sẽ xem xét tiềm năng ưu tiên phát triển về phía Tây Bắc, gắn với Củ Chi, Hóc Môn, dọc Quốc lộ 22 - trục xuyên Á nối với tỉnh Tây Ninh và Campuchia. Khu vực này còn nhiều quỹ đất phát triển đô thị; kết nối với vùng I về phía Tây Ninh, cửa khẩu Mộc Bài...

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hướng Tây Bắc có thuận lợi địa hình cao, địa chất tốt không chỉ trong phạm vi TP.HCM mà còn cả vùng. Trong tương lai, khu đô thị Tây Bắc Củ Chi với diện tích khoảng 6.000 ha và một số khu đô thị tại quận 12, huyện Hóc Môn phát triển sẽ tạo động lực, kéo vùng này phát triển.

Một hướng chính khác là phát triển về phía Nam, Đông Nam tiến ra biển gắn với khu Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ (TP.HCM), Nhơn Trạch - Long Thành (Đồng Nai). Đây có thể nói là địa bàn có nhiều lợi thế, đất đai rộng nhưng hạ tầng đô thị còn thiếu.

Không phải bây giờ mà hướng này đã được chính quyền TP tính từ rất sớm, điển hình như khu đô thị Phú Mỹ Hưng (khoảng 433 ha) đến nay cơ bản đã xong phần hạ tầng chính và đã xây dựng xong nhiều khu nhà ở. Riêng Cần Giờ đang có dự án khu đô thị du lịch sinh thái lấn biển với quy mô rất lớn.

Còn ở Nhà Bè thì dự án khu đô thị - công nghiệp cảng Hiệp Phước cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư với 2.000 ha và sẽ trở thành khu vực gắn giữa phát triển du lịch với phát triển đô thị của TP. Với ưu điểm là hạ tầng tốt, gần trung tâm TP, thuận lợi cho cảng biển… nên vùng đất này "bật dậy" khá nhanh nhờ được nhiều nhà đầu tư chú ý và thu hút khá đông dân cư đến sinh sống.

Hướng còn lại là Tây Nam dọc Quốc lộ 1 trên địa bàn quận Bình Tân và huyện Bình Chánh. So với các khu vực khác, tốc độ đô thị hóa tại đây diễn ra rất nhanh. Với đặc thù là cửa ngõ để TP tiếp cận với các tỉnh miền Tây nên có nhiều dự án cầu, đường đã và đang triển khai như Quốc lộ 1A, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đại lộ Đông - Tây...

Kỳ vọng và quyết tâm

Quy hoạch phát triển TP năm 2025 thể hiện rõ sự kỳ vọng và quyết tâm rất lớn từ chính quyền TP. Hiện tại trên địa bàn TP đang hình thành nhiều khu đô thị mới.

Theo thời gian cùng với những bước đi khoa học và căn cơ, diện mạo của một TP kết hợp hài hòa giữa truyền thống với hiện đại, phát huy các bản sắc tốt đẹp của dân tộc sẽ dần hoàn thiện, xứng đáng là điểm đến đầy hấp dẫn của các nhà đầu tư, là trung tâm kinh tế năng động nhất của cả nước.

Phan Anh - Người lao động

Bài gốc

Xem thêm