Khát vọng công nghệ Việt: thử nghiệm 'đặc khu công nghệ'


Bộ trưởng Thông tin và truyền thông cho biết sẽ cho thử nghiệm các công nghệ mới, các mô hình kinh doanh mới, với cách tiếp cận cái gì chưa biết quản lý thế nào thì sẽ cho phép thử nghiệm trong một không gian và thời gian giới hạn.

fpt-xedien-1557451036344659482881.jpg

"Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam được coi là ưu tiên số 1 - Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định - Muốn có các doanh nghiệp công nghệ thì việc tạo ra thị trường có lẽ là quan trọng nhất.

Chính phủ là hộ chi tiêu lớn nhất của một quốc gia, nếu Chính phủ mua sắm hướng vào các sản phẩm công nghệ thì sẽ góp phần đáng kể, nhất là cho giai đoạn đầu, để sinh ra các công ty công nghệ".

Trước kiến nghị của các doanh nghiệp công nghệ, người đứng đầu Bộ Thông tin và truyền thông khẳng định thêm: Việt Nam sẽ tạo ra điều kiện để nhân tài toàn cầu hội tụ về đây.

Cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, các mô hình kinh doanh mới, với cách tiếp cận cái gì chưa biết quản lý thế nào thì sẽ cho phép thử nghiệm trong một không gian và thời gian giới hạn.

Những "đặc khu công nghệ", "đặc khu đổi mới sáng tạo", với nội hàm là nơi thử nghiệm những cơ chế vượt trội dành cho doanh nghiệp công nghệ, có thể được Chính phủ xem xét.

Nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ngoài việc tạo các điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển, cũng cần tạo những thách thức để cho doanh nghiệp phát triển.

"Trong không ít trường hợp, khó khăn và thách thức lại là nhân tố chính tạo nên những doanh nghiệp hàng đầu - ông Hùng lý giải - Không chỉ có những chính sách ưu đãi về thuế, về đất..., chúng tôi sẽ đề xuất Chính phủ đặt ra những tiêu chuẩn không ngừng cao hơn cho các sản phẩm Việt Nam, để từ đây các doanh nghiệp buộc phải đổi mới công nghệ. Đây là lần đầu tiên chúng ta đề xuất một số giải pháp tạo thêm thách thức để doanh nghiệp công nghệ Việt phải vượt lên".

Nhằm tạo điều kiện cho các công ty công nghệ phát triển, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý chủ trương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ phát triển bằng việc thí điểm xây dựng các khu công nghệ, khu đổi mới sáng tạo có nội hàm là nơi thử nghiệm những cơ chế vượt trội dành cho doanh nghiệp công nghệ.

Thủ tướng bày tỏ ủng hộ về nguyên tắc cho thí điểm triển khai các mô hình kinh tế mới, mô hình kinh doanh mới trên nền tảng số tại một số địa phương, một số ngành, nghiên cứu tổng kết để áp dụng trên toàn quốc.

Ngoài ra, Thủ tướng cho biết sẽ có văn bản giao cho Bộ Giáo dục và đào tạo nghiên cứu việc đổi mới giáo dục dạy ICT và ngoại ngữ bắt buộc từ cấp tiểu học để nâng cao năng lực tiếp cận và kỹ năng công nghệ thông tin.

Thủ tướng cũng giao bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông soạn thảo chỉ thị hoặc chiến lược hay chương trình hành động về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam để trình Thủ tướng trong tháng 6, từ đó tạo cơ sở pháp lý để triển khai.

Đối với Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước, Thủ tướng khẳng định trong năm 2019 sẽ sớm ban hành chiến lược chuyển đổi số quốc gia nhằm hướng tới một nền kinh tế và xã hội số để tạo thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ.

Thanh Hà - Ngọc An (Báo Tuổi trẻ)

Bài gốc

Xem thêm