Những ý tưởng kỳ quặc đáng giá triệu đô (phần 2)
Những ý tưởng bất chợt, hài hước, đôi khi nghe thật ‘ngu ngốc’ lại có thể mang lại hàng triệu đô, như là:
6. Roni Di Lullo và kính mắt dành cho chó Doggles
Roni có ý tưởng tạo ra Doggles vào năm 1997 khi ông phát hiện ra con chó của mình phải nheo mắt khi gặp ánh sáng chói lọi. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, một sản phẩm kính mắt hoàn hảo đã được phát triển để phù hợp với đầu chó và bảo vệ đôi mắt của chúng.
Nghe có vẻ kì quặc nhưng hàng triệu người đã trả tiền mua những chiếc kính này, ban đầu với giá 12,99 USD và phát triển thành hai kiểu mẫu với nhiều màu khác nhau.
Thậm chí quân đội cũng mua những chiếc kính cho các chú chó nghiệp vụ của họ. Hiện tại, Roni kiếm được hàng triệu và tiếp tục tạo ra những thứ mới cho thú cưng.
7. Ken Ahroni và chiếc xương điều ước (Lucky Break Wishbone)
Có một truyền thống vào ngày Lễ Tạ Ơn: phá vỡ xương nĩa của một con gà tây. Người nào nhận được phần xương lớn hơn thì mong muốn của họ có thể trở thành sự thật.
Ken Ahroni đã nghĩ rằng mọi người có thể có cơ hội làm điều này vào mọi lễ kỷ niệm.
Vì vậy ông thành lập công ty sản xuất và phân phối wishbones với giá $3 một mảnh. Đến năm 2006, Ahroni trở thành một triệu phú.
8. Jonah White và mẩu răng giả Billy Bob
Vào năm 1994, khi đang đi xem một trận bóng đá, Jonas White đã nhìn thấy thứ giúp ông trở thành triệu phú trong tương lai: một sinh viên nha khoa tên Rich Bailey đang thu hút mọi người với bộ răng giả khấp khểnh.
White nhận ra rằng đây là cơ hội của ông. Ông đã thuyết phục sinh viên nha khoa ấy tham gia vào dự án kinh doanh của mình với những mẩu răng giả trị giá 20 đô.
Ý tưởng hài hước này cuối cùng đã tạo ra một công ty lớn với mức tiêu thụ 20 triệu mẩu răng Billy Bob trong các thiết kế khác nhau. Công ty cũng cho ra mắt ti giả với thiết kế răng Billy Bob mà cho tới nay vẫn đang được bán rất chạy.
9. Joe Pellettieri và cá nhựa biết hát (Big Mouth Billy Bass)
Vào cuối năm 1998, Joe Pellettieri đã có một chuyến đi ‘định mệnh’ trong cuộc đời mình. Khi dừng chân tại một cửa hàng Bass Pro (cửa hàng bán dụng cụ đi câu và cắm trại), vợ ông bỗng nhiên quay sang hỏi “Một con cá hát trên một tấm bảng trông sẽ thế nào nhỉ?”.
Được mệnh danh là "Big Mouth Billy Bass", sản phẩm của Pellettieri ra đời vào mùa hè năm 1999 - và các nhà bán lẻ đã vô cùng yêu thích nó. Và đến năm 2000, con cá bằng robot này đã xuất hiện khắp mọi nơi, từ trên những bức tường trong văn phòng của George Bush cho đến lâu đài Balmoral của Nữ hoàng Elizabeth, và thậm chí còn xuất hiện trong một tập phim của Sopranos.
Big Mouth Billy Bass đã mang lại cho Pellettieri doanh thu 100 triệu đô la trong vòng 1 năm.
10. Gary Clegg và chiếc chăn có ống tay Slanket
Năm 1998, việc Gary Clegg tạo tay áo cho chăn đã khiến cho cả thế giới hoang mang. Ý tưởng bắt đầu khi chàng sinh viên năm nhất Clegg phải bỏ tay ra khỏi chiếc chăn ấm áp của mình để điều khiển TV.
Clegg cảm thấy bực mình và quyết định cắt một cái lỗ trên tấm chăn để luồn tay qua. Và sau đó anh nhờ mẹ anh khâu một chiếc tay áo vào đó, và chiếc Slanket đầu tiên ra đời.
Và khi Slanket được tung ra thị trường, công ty của Clegg đã thành công ngay lập tức. Cho đến nay, công ty đã bán hàng triệu chiếc chăn có ống tay với giá 35 đô la một chiếc, giúp Clegg có đủ tiền đi vòng quanh thế giới nhờ ý tưởng độc đáo này.
11. Alex Craig và dịch vụ tặng bưu phẩm… khoai tây (Potato Parcel)
Alex Craig thành lập công ty Potato Parcel vào tháng 5 năm 2015, lấy cảm hứng từ một bài đăng trên Reddit về những củ khoai tây được dán tem bảo đảm.
Vào thời điểm đó, khi anh khoe ý tưởng về Potato Parcel với bạn gái, cô ấy đã phản đối: “Anh sẽ không bán được một củ khoai tây nào đâu. Đây là ý tưởng ngu ngốc nhất em từng nghe thấy”.
Và đến ngày thứ hai đăng bán online trên Reddit, anh đã nhận được nhiều đơn đặt hàng trị giá đến 2.000 đô. Khi ấy, Craig biết mình đã làm đúng.
Khách hàng có thể mua khoai tây trên trang web của Potato Parcel và chọn một dòng chữ 100-140 ký tự. Công ty khắc các từ và gửi khoai tây đến một địa chỉ nặc danh.
Những củ khoai cỡ trung bình (khắc được khoảng 100 ký tự) có giá 7,99 USD. Còn những củ lớn (vừa tới 140 ký tự) thì được bán với giá 9,99 USD. Doanh số bán hàng của anh đạt 25.000 đô một tháng, với tỷ suất lợi nhuận đạt 70% và điều này đã khiến Craig trở thành một triệu phú.
12. Jason Sadler và áo phông quảng cáo (I wear your shirt)
Jason Sadler là người sáng lập công ty quảng cáo I Wear Your Shirt với việc sử dụng áo phông để quảng cáo cho các doanh nghiệp và mặc chúng với mức giá ban đầu là 1 đô la.
Với 1 đô la đó, Sadler sẽ mặc một cái áo thun của công ty thuê anh suốt một ngày nhằm giúp công ty đó quảng bá thương hiệu. Dần dần giá cả của anh tăng lên theo danh tiếng. Số lượng khách hàng tăng cao tới mức anh phải thuê thêm nhiều người phụ anh mặc áo quảng bá.
Ý tưởng này bắt nguồn từ việc Sadler nhận thấy rằng các công ty đã tặng áo phông miễn phí để quảng cáo. Vì thế anh quyết định trở thành một tấm biển quảng cáo ‘sống’.
Cho đến năm 2009, tổng thu nhập của anh lên đến 83,000 đô la một năm, góp phần không nhỏ vào số tiền 5 triệu đô la Mỹ mà anh kiếm được nhờ cách thức quảng cáo mới lạ này.
13. Philip Ozersky và quả bóng chày may mắn
Đôi khi hàng triệu đô la bất ngờ rơi xuống tay bạn. Đó là điều đã xảy ra với Philip Ozersky khi anh đang đi xem một trận đấu bóng chày.
Trong trận bóng chày đó, tuyển thủ nổi tiếng Mark McGwire đã đánh cú homerun thứ 70 của mình, trái bóng văng thẳng lên khán đài và hướng về phía Ozersky và bạn anh. Người bạn chụp hụt và trái bóng rơi thẳng vào tay Ozersky.
Quả bóng đã được bán đấu giá với số tiền kỷ lục là 3,05 triệu đô la. Ozersky đã dành một phần số tiền này để mua một căn nhà cho cha mình và quyên góp một phần cho tổ chức từ thiện.
Đôi lúc, việc ở đúng nơi đúng thời điểm cũng có thể khiến bạn trở thành triệu phú.
Linh Nguyễn Lê (theo Brightside)