Chính quyền điện tử TP.HCM mang lại lợi ích gì cho người dân?
Ngay sau khi Đề án Xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử được UBND TP.HCM thông qua, vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt nhất chính là những lợi ích thấy được của các công dân trong Chính quyền điện tử.
Tầm nhìn Chính quyền điện tử TP.HCM đến năm 2025
Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở Thông tin truyền thông TP.HCM, cho biết: Nguyên tắc chung của Kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố là tuân thủ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, bám sát Đề án Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025; đồng thời hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền số để quản lý và điều hành đô thị thông minh.
Cũng theo bà Võ Thị Trung Trinh, từ năm 2010, TP.HCM đã tập trung xây dựng Chính quyền điện tử liên thông trên cơ sở triển khai hệ thống “một cửa điện tử”, “một cửa liên thông” với nhiều dịch vụ công trực tuyến. Bắt đầu từ năm 2018, mục tiêu là chuyển qua Chính quyền điện tử di động và triển khai dịch vụ công mức độ 4 trên kênh điện thoại thông minh, với độ tương tác cao hơn.
Đến năm 2020, thành phố cơ bản hoàn tất triển khai hệ thống quản lý văn bản, điều hành điện tử và hệ thống một cửa điện tử liên thông theo các Quyết định 28 và 61 của Thủ tướng Chính phủ; hình thành kho dữ liệu dùng chung về người dân, doanh nghiệp, bản đồ số.
Từ năm 2020 - 2025, TP.HCM tiến đến xây dựng Chính quyền điện tử thông minh trên cơ sở công nghệ big data, dữ liệu mở, AI, điện toán đám mây (cloud) và tận dụng kênh mạng xã hội để cung cấp các dịch vụ công thông minh cho người dân và doanh nghiệp. Sau mốc năm 2025 là giai đoạn Chính quyền điện tử cá nhân hóa, khi các dịch vụ công được thực hiện tự động bởi các tương tác giữa máy và máy.
Thủ tục hành chính được rút gọn
Có thể khẳng định, cốt lõi Kiến trúc Chính quyền điện tử chính là sự đồng bộ trong ứng dụng CNTT của thành phố nhằm xây dựng một sơ sở dữ liệu lớn (big data). Một khi CNTT được triển khai sẽ giúp cải cách thủ tục hành chính, mang đến cho người dân, doanh nghiệp những dịch vụ công tốt hơn, minh bạch, công khai.
Cụ thể, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian chờ đợi thực hiện thủ tục hành chính. Vì sao được như vậy? Đơn giản vì Chính quyền điện tử đã có sẵn cơ sở dữ liệu của người dân nên các quy trình, thủ tục gần như được rút gọn lại. Người dân không còn phải cung cấp CMND, các loại giấy tờ tùy thân khác cho mỗi một thủ tục hành chính đôi khi có tính lặp đi lặp lại.
Song song đó, ngay từ giai đoạn đầu tiên, người dân đã có thể tra cứu, tìm hiểu thông tin về các dịch vụ, thủ tục hành chính qua các kênh thông tin của Chính quyền điện tử mà không cần đến tận nơi để hỏi. Thậm chí, các thể loại văn bản, biểu mẫu về bất kỳ thủ tục hành chính nào cũng sẽ được cung cấp sẵn trên hệ thống dữ liệu của Chính quyền điện tử. Cần tìm thông tin nào, người dân chỉ việc vào cơ sở dữ liệu dùng chung để tải về, điền thông tin và nộp trực tuyến.
Trên hệ thống dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở đó, người dân sẽ hiểu trình tự, thủ tục cũng như chuẩn bị đầy đủ hồ sơ khi thực hiện các thủ tục hành chính. Nhờ vậy mà thời gian cũng như chi phí được giảm đáng kể. Trong đó, phải kể đến là chi phí nhũng nhiễu, nhiêu khê của hàng loạt thủ tục hành chính, phí bôi trơn để thủ tục nhanh hơn bình thường sẽ không còn tồn tại được nữa.
Quá trình phản ánh thông tin tính bằng giây
Những vấn đề lớn như định hướng, quy hoạch, các quy định hướng dẫn mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, người dân, thành phố cũng sẽ công khai trên hệ thống kiến trúc Chính quyền điện tử. Hay nói cách khác, đó chính là sự tương tác gần như trực tiếp một cách nhanh chóng và hiệu quả bởi sự minh bạch và rõ ràng.
Không chỉ tiếp nhận thông tin, người dân còn chủ động đóng góp ý kiến hay phản ánh các thông tin vướng mắc cần tháo gỡ đến chính quyền để nhận được sự giải quyết nhanh chóng hơn. Thời gian đóng góp ý kiến hay phản ánh sự việc đến các đơn vị liên quan chỉ tính bằng giây.
Không riêng người dân, những doanh nghiệp của Chính quyền điện tử cũng sẽ nhận được những lợi ích từ môi trường “đậm đặc” chất công nghệ của điện toán đám mây, của AI... Chính quyền điện tử giúp tăng tốc hoạt động kinh doanh nhờ khả năng kết nối dữ liệu khủng. Cụ thể, Chính quyền điện tử giúp thuận tiện hơn trong việc cấp phép, tạo ra quy trình nộp hồ sơ thuế và các văn bản khác rõ ràng, minh bạch hơn.
Đơn cử như việc khai báo thông tin kê khai thuế. Hiện nay, các doanh nghiệp tại các thành phố lớn đã có thể trực tiếp nộp bảng kê khai thuế đến các chi cục thuế bằng cách sử dụng Internet kết hợp với chữ ký số điện tử. Thay vì phải chen lấn, đợi chờ để nộp hồ sơ, doanh nghiệp chỉ cần vài cú nhấn chuột là đã hoàn tất thủ tục, tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí đi lại, in ấn.
Vy Ái Dân - Vietnamnet