Công nghệ mới: Sản xuất cốt liệu xây dựng từ tro bay chỉ trong nháy mắt
Tro bay hoặc tro xỉ của nhà máy nhiệt điện than sẽ được pha trộn với một loại phụ gia để tạo ra những hạt tro bay đủ kích cỡ, có thể dùng làm cốt liệu xây dựng mà không gây ô nhiễm môi trường.
Công ty TNHH sản xuất Trung Hậu đã nghiên cứu công nghệ và sản xuất thử nghiệm thành công vật liệu san lấp và cốt liệu xây dựng từ tro bay hoặc tro xỉ của nhà máy nhiệt điện than với nhiều tính năng vượt trội.
Chỉ 4 phút cho ra sản phẩm có thể sử dụng ngay
Ông Trần Trung Nghĩa, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Sản xuất Trung Hậu cho biết, đầu vào là tro bay hoặc tro xỉ của nhà máy nhiệt điện than, được pha trộn với một loại phụ gia sẽ tạo ra được những hạt tro bay đủ kích cỡ theo mong muốn ở đầu ra. Với thời gian chỉ hơn 4 phút cho một chu trình, cho ra sản phẩm đông cứng, đạt cường độ tối đa ngay sau khi sản xuất, có thể đưa vào sử dụng luôn.
“Đây là kết quả chưa từng có trên thế giới. Vì ngay cả các chuyên gia trong lĩnh vực bê tông Geopolymer tại Mỹ, Australia, thời gian đông cứng và đạt cường độ cũng phải mất 4 - 8 tiếng”- ông Nghĩa cho biết.
Có được kết quả trên là do đội ngũ cán bộ của Công ty đã nghiên cứu công nghệ geopolymer bán khô. Theo ông Nghĩa, công nghệ này đã tồn tại khá lâu vì các ưu điểm vượt trội về cường độ, khả năng chống ăn mòn… Tuy nhiên, ứng dụng của công nghệ còn hạn chế do giá thành của các chất hoạt hóa kiềm rất cao và khả năng đông kết khá lâu.
Để giải quyết vấn đề này, công ty đã tập trung nghiên cứu theo hướng bán khô, tức tiết kiệm tối đa lượng hoá chất hoạt hoá kiềm sử dụng trong sản phẩm để tiết kiệm chi phí. Đồng thời, bằng việc ứng dụng công nghệ sóng microwave để gia nhiệt và rút ngắn quá trình đông kết. Công nghệ này đã giải quyết hoàn toàn 2 nhược điểm của công nghệ geopolymer.
Theo ông Nghĩa, các hạt này có kích cỡ như cát xây dựng đến kích cỡ như đá xây dựng 1x1cm hoặc 1x2cm… Sản phẩm có thể được ứng dụng làm vật liệu san lấp thay thế cát, làm nền đường giao thông, san lấp lấn biển, hoàn thổ, cốt liệu nhẹ cho bê tông, xây dựng. Tuỳ theo yêu cầu sử dụng, sản phẩm có thể được điều chỉnh cường độ chịu nén từ 5 MPa đến trên 50 MPa, nếu được kết hợp với xỉ mangan hoặc xỉ thép, cường độ có thể đạt trên 100 MPa.
Sản phẩm đã được kiểm tra tại trung tâm 3 theo TCVN 7570 cho vật liệu san lấp. Kết quả cho thấy sản phẩm nằm trong vùng cốt liệu vô hại, có thể được sử dụng làm vật liệu san lấp.
Giải pháp tối ưu để tiêu thụ lượng tro xỉ từ nhà máy nhiệt điện
Theo ông Nghĩa, tro bay có thể được dùng làm cốt liệu cho gạch không nung, cấu kiện bê tông. Tro bay cũng có thể được dùng làm chất độn để giảm thiểu lượng xi măng sử dụng, tăng tính bôi trơn và làm tăng tuổi thọ khuôn. Ngoài ra, tro bay đã kết khối còn có thể làm vật liệu san lấp.
Công nghệ và sản phẩm từ công nghệ này là giải pháp tối ưu để tiêu thụ hoàn toàn lượng tro xỉ thải ra từ nhà máy nhiệt điện. Với công suất tiêu thụ lớn, mỗi dây chuyền sử dụng công nghệ này có thể tạo ra 2000 tấn vật liệu san lấp mỗi ngày, đáp ứng nhu cầu ngày một tăng mạnh cho vật liệu san lấp.
Ngoài ra, giá thành sản phẩm đầu ra có thể cạnh tranh sòng phẳng với nguyên liệu tự nhiên ở địa phương như cát san lấp, đá nghiền… và hoàn toàn có thể trộn vào các nguyên liệu này hoặc sử dụng độc lập vì sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn cốt liệu cho bê tông và vữa theo TCVN 7570 : 2006.
“Tuy nhiên, vì nguyên liệu 100% là tro bay nên rất cần bộ tiêu chuẩn TCVN dành riêng cho tro bay để làm vật liệu san lấp hoặc cát đá nhân tạo cùng các định mức kèm theo để có thể ứng dụng ngay sản phẩm này vào thực tế” - ông Nghĩa nói và cho biết, đây cũng là khó khăn, vướng mắc khi đưa sản phẩm ra thị trường.
Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sản phẩm giải quyết được vấn nạn ô nhiễm môi trường, gây hại cho sức khoẻ của con người, vật nuôi
“Do đây là sản phẩm mới, chúng tôi cần rất nhiều hỗ trợ từ phía các địa phương có nhà máy nhiệt điện” - ông Nghĩa chia sẻ, bởi nếu ưu tiên sử dụng loại vật liệu san lấp này sẽ giải quyết được vấn đề đầu ra, vận chuyển do sản phẩm sản xuất ra được tiêu thụ tại chỗ.
Ông Nghĩa cũng bày tỏ mong muốn sẽ nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện ứng dụng sản phẩm từ phía các cơ quan nhà nước. Nếu được hỗ trợ ứng dụng vào thực tế, sẽ dễ dàng hơn cho công ty trong việc kêu gọi đối tác đầu tư vốn, chuyển giao công nghệ xử lí tro xỉ.
Công ty hy vọng có thể cung cấp giải pháp công nghệ này cho những nhà máy nhiệt điện chạy than trong nước và trên thế giới; góp phần làm sạch và xanh môi trường một cách hiệu quả.
Hiện, công ty đã nhận được lời đề nghị hợp tác từ 2 doanh nghiệp trong lĩnh vực cấu kiện bê tông tại Australia, Ấn Độ, 2 nhà máy nhiệt điện tại Thái Lan theo hình thức nhượng quyền công nghệ. Ông David Harris, nhà sáng lập và Chủ tịch Hiệp hội Tro bay Châu Á, cũng đã chính thức ngỏ lời làm đại diện kết nối cho Trung Hậu với các đối tác xử lí tro bay trên toàn thế giới.
Khả Hân - Khampha.vn