Người nổi tiếng nói gì về bitcoin?


A-Week-After-Bug-Discovery-Bitcoin-Network-Remains-Vulnerable-09-26-2018-2048x1024.jpg

Ra đời từ năm 2008 và được biết đến rộng rãi từ năm 2017, đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin đã tạo ra một cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong ngành công nghiệp tài chính trong hàng trăm năm trở lại đây.

Trong khi dư luận hãy còn đang dè chừng và có phần lo sợ về bitcoin và công nghệ blockchain, hãy cùng lắng nghe ý kiến của những nhà lãnh đạo tầm cỡ, giới chuyên gia kinh tế, các nhà kinh tế học, CEO và giới đầu tư nói gì về loại tiền mã hóa này.

89147_O.jpg

Satoshi Nakamoto, người phát minh ra bitcoin đã từng chia sẻ: “Chữ ký số ra đời là giải pháp một phần cho con người, nhưng thiếu sót lớn nhất của nó chính là cần phải có một bên thứ ba để tránh tình trạng lặp chi trong thanh toán.

Chúng ta đã tạo ra những giao dịch điện tử mà không cần phải dựa vào thứ gọi là “niềm tin.”

Đây là một phiên bản tiền mã hóa trung lập cho phép thanh toán qua mạng trực tiếp giữa hai bên mà không phải thông qua một tổ chức tín dụng nào hết.”

Tỷ phú Bill Gates, nhà đồng sáng lập Microsoft, tỏ ra tin tưởng vào tính đổi mới của bitcoin so với các phương thức thanh toán khác. Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với tờ Bloomberg, ông chia sẻ:

“Bitcoin khá là thú vị bởi vì nó rất rẻ. Bitcon còn tốt hơn cả tiền tệ vì bạn không phải xuất hiện bằng xương bằng thịt ở đâu cả, và tất nhiên, với các giao dịch lớn thì tiền tệ có thể khá bất tiện.”

Chung quan điểm với Bill Gates, nhà đồng sáng lập Apple Wozniak đã khẳng định trong hội nghị 20/20 tại Las Vegas: “Bitcoin tốt hơn cả vàng và USD giả mạo.”

Ông cho rằng bitcoin ổn định hơn các đồng tiền chính phủ do có nguồn cung cố định, số lượng của bitcoin tồn tại là hữu hạn, do đó nó “thật hơn” so với đồng USD giả mạo do chính phủ phát hành vì mục đích chính trị nào đó.

Thậm chí nhà đầu tư người Mỹ đánh giá bitcoin cao hơn cả vàng, vì ông cho rằng tuy vàng có nguồn cung tương đối ổn định, nhưng công nghệ hiện đại đã giúp con người khai thác được nhiều vàng hơn.

Do đó, về lâu dài nguồn cung vàng sẽ dần cạn kiệt và không cố định bằng bitcoin: “Vàng được khai thác, khai thác và khai thác. Vàng chỉ có một lượng nhất định trên thế giới, còn bitcoin thì được tính toán và điều chỉnh bằng thuật toán, không ai có thể thay đổi toán học,” Wozniak khẳng định.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hào hứng đón nhận phiên bản tiền kỹ thuật số mới, tỷ phú Warren Buffett đã tỏ ra quan ngại về bitcoin khi kêu gọi các nhà đầu tư tránh xa loại tiền điện tử này.

Ông cho rằng không thế gán cho bitcoin một giá trị gì vì bitcoin không phải là “một tài sản tạo ra giá trị”. Ông còn khẳng định bitcoin là một dạng bong bóng mà thôi: “Về cơ bản nó là một ảo ảnh.” Nhận định của Warren Buffett đã khiến giá bitcoin tụt giảm mạnh từ 6.100 USD xuống còn 4.300 USD chỉ trong vòng một tuần.

Tương tự như Warren Buffett, nhà kinh tế học Robert Shiller –từng đoạt giải Nobel Kinh tế 2013 – cho rằng bitcoin là một dạng bong bóng mong manh và không bền vững: “Nhiều người đang rất hứng thú với bitcoin và cả thế giới đang bàn tán về loại tiền tệ mới này, nhưng đây chỉ là xu hướng nhất thời và sẽ sớm rơi vào quên lãng.”

Trong cuộc phỏng vấn với kênh CNBC năm ngoái, Robert Shille cho biêt ông đã nhìn thấy những dấu hiệu của bong bóng kinh tế khi bitcoin chạm mức giá lên tới 5.856 $ với số vốn hóa trên thị trường Coinmarketcap đạt 95,7 tỉ USD. “Sau khi thị trường chứng khoán sụp đổ năm 1987, lòng tin vào định giá thị trường đã chạm đáy thấp nhất từ năm 2000 đến nay,” ông cho biết thêm.

Tuy nhấn mạnh rằng bitcoin chỉ mang tính nhất thời và vẫn còn nhiều rủi ro trong thị trường, nhưng nhà kinh tế học người Mỹ vẫn đầu cơ vào loại tiền này: “Tôi tham gia vào thị trường bitcoin vì tôi tin rằng mình có thể bán ra và sau đó từ biệt chúng hoàn toàn.”

Mặc dù vậy, giới chuyên môn đánh giá cao sự ra đời và phát triển của bitcoin. Peter Thiel, nhà đồng sáng lập Paypal thừa nhận tính cách mạng của bitcoin, và góp ý thêm rằng hệ thống của nó vẫn còn chưa thân thiện với người dùng:

“PayPal từng đặt ra mục tiêu phải tạo được một loại tiền mới. Nhưng chúng tôi đã thất bại, và chỉ tạo ra được một hệ thống thanh toán mới mà thôi. Tôi cho rằng Bitcoin đã thành công trong việc tạo ra loại tiền mới, nhưng còn thiếu hệ thống thanh toán, vì nó khá là khó dùng, đây chính là một thách thức lớn của Bitcoin.”

Ông Eric Schmidt, chủ tịch Google, cũng phát biểu với tờ Newsbtc: “Bitcoin là một thành tựu mã hóa đáng kể bởi khả năng tạo ra một điều không bị trùng lặp trong thế giới kỹ thuật số, và còn có giá trị khổng lồ nữa. Sẽ có rất nhiều người gây dựng cơ nghiệp từ đây.”

Trước đó, ông Milton Friedman, nhà kinh tế học từng đạt giải Nobel Kinh tế năm 1976 trong lĩnh vực phân tích tiêu dùng, lịch sử tiền tệ và chính sách ổn định, chia sẻ: “Tôi cho rằng Internet sẽ là một trong những động lực chính làm giảm vai trò của chính phủ (trong nền kinh tế). Có một điều còn thiếu nhưng chắc chắn sẽ sớm được phát triển, đó chính là một loại tiền điện tử đáng tin cậy.”

Đánh giá về tác động của bitcoin với vai trò của chính phủ, ông Al Gore, nguyên phó tổng thống Mỹ cho biết:

“Khi tiền ảo bitcoin được chuyển hóa thành tiền mặt, giao thức này cần phải được đặt dưới những cơ chế bảo vệ an toàn. Tôi cho là sẽ rất tuyệt vời nếu thế giới của bitcoin, cùng với thuật toán của nó, có thể thay thế chức năng của chính phủ.”

Tại Việt Nam, chính phủ đã căn cứ vào tình hình thế giới và thực tiễn trong nước để đưa ra các chính sách phù hợp dưới tác động mạnh mẽ của bitcoin.

Ông Trương Văn Phước, Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho biết, bitcoin không phải là tiền tệ bởi vì nó không do các ngân hàng trung ương phát hành, không có các tác động vĩ mô như lạm phát, lãi suất, tỷ giá…

Ông phát biểu: “Theo tôi biết, việc tạo ra các Bitcoin thông qua một quá trình nào mà đây là quy trình cực kỳ phức tạp, đòi hỏi các thuật toán, phần mềm mở. Điều đó cho thấy cuộc cách mạng khoa học công nghệ của thế giới đã phát triển rất nhanh, nhưng với thực tiễn của nền kinh tế, xã hội Việt Nam, tôi e rằng rất ít người có thể tiếp cận đến nguồn gốc sâu xa của nguồn cung đó. Và như thế tạo ra một rủi ro vô cùng lớn bởi chúng ta chỉ có một nhu cầu đầu cơ Bitcoin.”

Theo đó, ông cho rằng người dân trong nước chưa có đủ thông tin và trình độ cao như ở các nước phát triển, họ chủ yếu chỉ có một hoạt động là đầu cơ với loại tiền ảo này.

Thêm vào đó, nguồn cung khó kiểm soát và hệ thống quy định chưa chặt chẽ của luật pháp có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm cho thị trường, ví dụ như tài khoản bị hack, giao dịch không thành công, chủ sàn đóng cửa… và người dùng sẽ không được bảo vệ.

Ngày 28/10/2017, Ngân hàng nhà nước công bố Bitcoin không phải là phương tiên thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc cung ứng, phát hành, sử dụng Bitcoin làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.

Từ ngày 1/1/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Niên Hồ

Xem thêm