Thất bại thảm hại của đồng tiền điện tử từng làm mưa làm gió trên thế giới
17 năm trước, Beenz - đồng tiền kĩ thuật số phát triển mạnh mẽ lúc bấy giờ đã bị phá sản, mặc dù trước đó nó đã thu hút được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư lớn.
Vào thời điểm đó, thanh toán trực tuyến còn chưa phổ biến, nên việc xuất hiện Beenz mặc dù đã khiến cho người sử dụng cảm thấy thích thú, nhưng lại không thể mang lại quá nhiều lợi ích cho các khách hàng của mình. Hơn nữa, hệ thống bảo mật thời bấy giờ cũng không thể ngăn chặn được các hacker ở Nga, khiến cho công ty liên tục gặp sự cố và nhanh chóng sụp đổ.
Beenz được đưa vào hoạt động từ năm 1998 bởi Charles Cohen - doanh nhân trẻ 29 tuổi, người Anh. Bằng cách nào đó, Cohen và nhóm của ông đã huy động được 86 triệu USD từ Softbank, Apax Partners, Vivendi, Oracle và các công ty lớn khác của quỹ đầu tư mạo hiểm. Beenz hoạt động tại Hoa Kỳ, Thụy Điển, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Singapore, Úc và Trung Quốc.
Larry Ellison, Giám đốc điều hành của Oracle, đã trả lời phỏng vấn trên tờ The Register vào tháng 3 năm 1999: “Beenz đã có ý tưởng sáng tạo khi phát triển một loại tiền tệ ảo có thể giao dịch qua internet trên toàn cầu”.
Cách thức hoạt động của Beenz là các trang web và nhà cung cấp có thể coi đồng tiền này như phần thưởng cho khách hàng của họ. Khách hàng có được Beenz bằng cách chi tiền hoặc thời gian trên một trang web. Khi Beenz được tích lũy, nó trở thành tiền tệ, có thể sử dụng để tự do mua, bán hoặc trao đổi như bất kỳ đồng tiền nào khác. Đó là một loại tiền lưu thông trên toàn cầu, vượt qua các ranh giới quốc gia, ngôn ngữ và các vấn đề ngoại tệ.
Từ những ngày đầu mới thành lập, công ty này đã sử dụng một chiến dịch tiếp thị kiểu ‘du kích’: thay vì phân phát tờ rơi theo cách thông thường, công ty đã thuê các nhà ảo thuật lén lút nhét những tờ rơi này vào túi của người qua đường. Tờ rơi có chứa hình ảnh “Billy Beenz” - linh vật của công ty, có mái tóc đỏ và biểu cảm ngốc nghếch, khiến cho người dân có ấn tượng với Beenz.
Đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Beenz lúc bấy giờ là Flooz - một công ty phát hành tiền điện tử khác. Một chiến dịch quảng cáo của công ty này đã tăng doanh thu từ 3 triệu đô la lên 25 triệu đô la từ năm 1999 đến năm 2000 - đủ để thách thức Beenz trong thị trường tiền kĩ thuật số.
Vì vậy, những người điều hành Beenz đã làm tất cả những gì có thể để giữ “ngai vàng” của mình: đầu tư mạnh vào tăng trưởng và đổ vốn mạo hiểm vào tất cả mọi thứ từ các thị trường mới. Beenz đã chi trả cho các công ty về công nghệ để phát triển tính năng giao dịch trên điện thoại di động, bảng điều khiển trò chơi, TV và Mondex smartcards (ví điện tử thời đầu).
Công ty và các nhà đầu tư của Beenz vô cùng tin tưởng vào tương lai của đồng tiền điện tử này. Năm 2000, khi trả lời phỏng vấn của tờ Time, Cohen - nói rằng ông dự kiến Beenz sẽ là một trong số những đồng tiền được thông qua sử dụng rộng rãi trong vòng 5 năm tới. Cả thế giới dường như đang đặt cược vào đồng tiền điện tử này.
Khởi đầu trong sự thất bại của Beenz là các sự cố xảy ra trong hệ thống giao dịch của công ty này. Vào tháng 8 năm 1999, một đối tác của Beenz ở Florida - Innerspace Intermedia, đã bị lỗi hệ thống và cung cấp cho người dùng 100.000 đơn vị Beenz thay vì số lượng đúng là 50 đơn vị.
Hệ thống bảo mật được nâng cấp, nhưng trước đó, công ty đã bị thiệt hại hơn 1.5 triệu Beenz, và các phần mềm gian lận không ngừng xuất hiện bởi các tin tặc. Công ty đã thu hồi lại hàng triệu đơn vị tiền tệ đã bị thất thoát của mình, dẫn đến việc phải đối mặt với các hành động pháp lý.
Sự thiếu hụt trong hệ thống bảo mật này cũng xảy ra tương tự với đối thủ của Beenz là Flooz khi công ty này bỗng nhiên ‘bán’ 300.000 đô la cho tổ chức tội phạm ở Nga và Philippines. Cuộc khủng hoảng này đã đẩy Flooz bị phá sản.
Và không lâu sau đó, Beenz đã bị đánh bật ra khỏi thị trường giao dịch trực tuyến khi các công ty như Amazon và Visa phát triển và tạo ra các phương án thanh toán trực tuyến đơn giản bằng thẻ tín dụng. Cùng thời điểm ấy, các đối tác của Beenz cũng đồng loạt rời khỏi công ty.
“Khách hàng của chúng tôi giống như không khí thoát ra từ một lỗ thủng trên quả bóng”, Cohen nói, “Họ không chỉ mua đồng tiền này ít hơn, mà họ đã biến mất hoàn toàn”.
Đến tháng 4 năm 2001, các nhân viên Beenz giảm từ 265 xuống chỉ còn 30 người, 13 trong số 15 văn phòng của công ty đóng cửa và vào tháng 5 năm đó, công ty đã công bố kế hoạch tìm người mua. Vào ngày 26/8/2001, Beenz đã ngừng hoạt động.
Mặc dù Beenz đã xây dựng một cơ sở dữ liệu với gần 6 triệu cái tên nhưng công ty này đã không thể biến số lượng người dùng thành doanh thu thực tế. Khách hàng thực hiện giao dịch online ít hơn rất nhiều so với dự tính. Beenz đã không thể giúp các đối tác của mình thu hút nhiều người sử dụng như mong muốn. Nhiều khách hàng của Beenz đã phá sản.
“Thị trường tiền điện tử giống như trò chơi đào vàng vậy. Bạn có thể hiểu nôm na rằng, đó là một khu đất được xác định là có vàng, nhưng không ai biết vị trí cụ thể của những thỏi vàng ấy ở đâu”, Cohen nói.
Để xác định được khả năng thành công của các công nghệ mới, trước hết bạn cần phân biệt giữa thứ mới lạ và sự đổi mới. Theo Cohen, mới lạ là khi bạn làm ra một cái gì đó chỉ vì một số tên ngốc sẵn sàng mua nó từ bạn. Đổi mới là một ứng dụng công nghệ có giá trị cho mọi người. Sáng kiến của Beenz là một đồng tiền mới có sức hấp dẫn nhưng lại không đủ tính ứng dụng vào thời bấy giờ.
Amazon và Visa đã đánh bại Beenz bằng cách sử dụng công nghệ mới để sửa chữa những nhược điểm trong một hệ thống cũ, chứ không phải bằng cách phát minh ra một hệ thống hoàn toàn mới. Tính đơn giản và tiện dụng của thẻ tín dụng đã chiến thắng trong thị trường này.
Beenz đã thất bại trong thị trường tiền điện tử bởi hệ thống quản lý kém gây ra các sự cố về tính bảo mật. Hơn nữa, những trang web thương mại điện tử sử dụng Beenz không thể đảm bảo được tình hình tài chính ổn định, dẫn đến kết cục phá sản của họ. Nắm bắt thị trường thương mại điện tử đúng cách và đảm bảo công nghệ truyền tải dữ liệu an toàn có thể là bài học cho giới công nghệ tiền mã hóa hiện nay.
Linh Nguyễn Lê (theo The Hustle)