'Chán' cá sặc rằn, Ths Hiệp lại sáng tạo dàn phơi cá dứa, cá đù tự động


Hệ thống phơi sấy cá dứa và cá đù của ThS Hiệp có thể tự động giám sát và điều chỉnh được nhiệt độ, độ ẩm giúp rút ngắn thời gian, giảm nhân công mà sản lượng và chất lượng cá lại tăng lên.

Buồng phơi sấy cá cá dứa và cá đù một nắng. Ảnh: P.V.Hiệp

Buồng phơi sấy cá cá dứa và cá đù một nắng. Ảnh: P.V.Hiệp

Sau thành công của hệ thống sấy cá sặc rằn sử dụng năng lượng mặt trời , ThS. Phan Văn Hiệp, Trường đại học Văn Hiến TP.HCM, đã thiết kế hệ thống phơi sấy cá dứa và cá đù một nắng tự động với nhiều ưu điểm vượt trội.

Phơi cá khi nắng, che bạt khi mưa

Nguyên liệu để chế tạo thiết bị hoàn toàn nội địa và dễ dàng lắp đặt, gồm: vỉ phơi, giàn phơi bằng inox 304. Buồng phơi được phủ bằng tấm polycarbonate đặc ruột lấy sáng 90%, có phủ lớp chống tia cực tím UV từ đèn UV thoát ra bên ngoài. Buồng phơi sấy có mái bạt xếp tự động bên trên để cắt nắng buổi trưa và che khi trời mưa hay ban đêm. Hai cửa mở phía trước để tiện thao tác đưa vỉ cá vào/ra buồng phơi.

Một màn hình giao diện LCD giúp theo dõi việc điều khiển và giám sát các thông số hoạt động của hệ thống bao gồm: cảm biến nhiệt độ và độ ẩm đặt bên trong buồng phơi sấy; cảm biến ánh sáng và cảm biến mưa.

Theo đó, cảm biến nhiệt độ và độ ẩm “đọc” giá trị nhiệt độ và độ ẩm về bộ xử lý trung tâm để so sánh với các mức ngưỡng cài đặt bởi người sử dụng để điều khiển hoạt động của thiết bị.

Còn cảm biến ánh sáng và cảm biến mưa được đặt nghiêng bên trên mái bạt xếp. Khi trời mưa hay ban đêm, cảm biến này sẽ gửi tín hiệu về để bộ xử lý trung tâm “ra lệnh” kéo động cơ bạt xếp che buồng phơi sấy lại.

Động cơ kéo bạt xếp tự động sẽ kéo ra phủ kín buồng phơi sấy khi nhiệt độ trong buồng trên 35 độ C hay khi trời mưa hoặc khi ban đêm (từ 18h đến 6h sáng hôm sau). Đèn chiếu tia cực tím (UV) dùng để khử vi sinh bao gồm 3 đèn công suất 36W được đặt nghiêng chiếu vào các vỉ phơi cá, thời gian chiếu kéo dài 1,5 giờ. Đèn sẽ hoạt động 20 phút sau khi thiết bị bắt đầu vận hành. Các tấm polycarbonate đặc ruột có phủ lớp chống tia UV sẽ không cho các tia UV này chiếu ra ngoài ảnh hưởng đến con người và mọi vật xung quanh.

Ngoài ra, còn có thêm buồng đốt nhiệt điện trở điện lưới 1 pha công suất 6kWh và ống hồi lưu hỗ trợ nhiệt khi trời mưa hoặc ban đêm. Quạt thổi và quạt hút khí điều hướng dòng không khí sấy.

Theo ThS. Hiệp, yêu cầu tối thiểu là thiết bị phải được bố trí ngay tại vùng sản xuất, gần với khu sơ chế và liền kề khu đóng gói sản phẩm, khu vực phơi sấy không bị che khuất ở tất cả các hướng bởi cây cối cũng như các công trình xây dựng, hạ tầng cơ sở (lưới điện, nước sạch …) phải được cung cấp đầy đủ.

Năng suất cao, không ô nhiễm môi trường

Các vỉ phơi cá dễ dàng tháo lắp, vệ sinh. Ảnh: P.V.Hiệp

Các vỉ phơi cá dễ dàng tháo lắp, vệ sinh. Ảnh: P.V.Hiệp

Trước đây, việc phơi một nắng truyền thống hai loại cá trên kéo dài thời gian khoảng 4 giờ nhưng sản lượng thấp, cá bị nhiễm vi sinh, chất lượng không đồng đều mà lại tiêu tốn nhiều nhân công. Nếu dùng lò sấy, tuy rút ngắn được thời gian, giảm tiêu tốn nhân công, sản lượng vượt trội nhưng lại có nhược điểm là ô nhiễm môi trường và thịt cá bị xơ cứng vì mất nước nhanh.

Trong khi đó, hệ thống phơi sấy bằng năng lượng mặt trời của ThS. Phan Văn Hiệp tự động giám sát và điều chỉnh được nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ quay của giàn phơi, tốc độ dòng không khí; tự động cắt nắng để kéo giảm nhiệt độ buổi trưa bằng bạt xếp tự động; diệt vi sinh trong không khí bên trong buồng phơi và trên cá bằng hệ thống chiếu tia cực tím (UV). Hệ thống giúp rút ngắn thời gian, giảm tiêu tốn nhân công, sản lượng vượt trội, cá không bị tươm mỡ.

Bên cạnh đó, thiết bị còn giúp tiết kiệm năng lượng, hạn chế ô nhiễm môi trường; không phụ thuộc vào thời tiết thất thường cũng như các loại nguyên liệu chất đốt; giúp rút ngắn thời gian phơi sấy và có thể sấy liên tục, năng suất phơi sấy tăng lên ít nhất 3 lần.

Thiết bị đã được thử nghiệm tại hộ ông Lê Văn Nên (119 ấp Rạch Cát, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) và thu được kết quả khả quan. Năng suất phơi đạt 150kg cá dứa khô một nắng/mẻ phơi; thời gian thực hiện một mẻ phơi liên tục là 3,5 giờ và chỉ cần một nhân công vận hành.

Nhiệt độ và độ ẩm trong buồng phơi duy trì tương đương với phương pháp phơi nắng truyền thống; chất lượng cá đồng đều, đảm bảo về mặt cảm quan, đảm bảo khử vi sinh tuyệt đối, điện năng tiêu tốn trung bình 2kWh/mẻ phơi. Các vỉ phơi dễ dàng tháo lắp, vệ sinh; giàn phơi bền vững về cơ học và hoạt động ổn định.

An Thy - Khampha.vn

Bài gốc

Xem thêm