Được - mất trong thanh toán điện tử


Hiện nay có rất nhiều phương thức thanh toán điện tử khi mua sắm, tiêu dùng để thay thế tiền mặt, đáng kể như ví điện tử, tài khoản dịch vụ… Các hình thức này tiện lợi, thể hiện sự văn minh nhưng người sử dụng cần chọn lựa phương thức thanh toán hợp lý vì nếu không, sự lệ thuộc của người dùng vào nó ngày càng cao, hơn nữa chính người dùng tự “góp” tiền mặt không lãi suất để các nhà cung cấp dùng làm vốn lưu động mà không hay.

o3e_tphc.jpg

Nhiều tiện lợi

Khi cầm chiếc điện thoại thông minh (smartphone) trên tay, việc trả tiền điện, tiền nước, tiền Internert, tiền truyền hình… đã quá đơn giản, chỉ cần vài thao tác là xong. Tất nhiên những thao tác ấy phải được thực hiện trên ví điện tử chẳng hạn và trong ví ấy có tiền.

Với ví điện tử, nó đã giúp cho người dùng tiết kiệm rất nhiều thời gian và thậm chí có thể giao dịch mọi lúc mọi nơi, thậm chí chuyển tiền - rút tiền. Hiện có hàng chục ví điện tử đang thịch hành như MoMo, ZaloPay, ViettelPay, Payoo, Moca…

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến đầu tháng 11-2018, có 26 tổ chức không phải là ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Trong đó có 23 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử, chia làm 2 nhóm: Ví điện tử của các công ty công nghệ tài chính (Fintech) và Ví điện tử của các công ty viễn thông. Mỗi loại ví có một số đặc thù và sức hấp dẫn khác nhau.

Đa phần các công ty Fintech làm ví điện tử có điểm chung: dùng chương trình chiết khấu cao nhất cho một lần nạp thẻ di động, hay dùng nhiều tích lũy điểm thưởng, thường xuyên có các chương trình khuyến mại do kết hợp với bên thứ ba và luôn cố gắng liên kết với càng nhiều ngân hàng càng tốt.

Nhưng nếu chỉ thanh toán những dịch vụ thông thường như nói trên sẽ không nổi bật hơn dịch vụ Internet banking hay mobile banking của ngân hàng, do đó các ví điện tử luôn có những “con bài riêng”. Như với ZaloPay: kiên trì kết nối với tất cả ngân hàng hoạt động tại Việt Nam; phát triển mạng lưới cửa hàng, điểm thanh toán chấp nhận ZaloPay; xây dựng cộng đồng người dùng để tạo tính lan tỏa trong xã hội; công nghệ đảm bảo để xử lý giao dịch, bảo mật thông tin. Ví này cũng đang tích cực phát triển điểm chấp nhận QRCode.

Theo Giám đốc makerting của ZaloPay Phạm Thông: “Thống kê trên thị trường hiện có 1,2 triệu điểm bán lẻ, nếu trang bị máy POS thì rất tốn kém, chưa kể tới những hạn chế về mặt công nghệ, nhưng dùng giải pháp QRCode thì việc chỉ cần mỗi điểm chấp nhận có một tấm biển nhỏ như cuốn sổ tay có in hình QRCode, người thanh toán chỉ cần đưa vào smartphone quét code là xong”.

Còn với MoMo, không chỉ đơn thuần cung cấp các dịch vụ thanh toán truyền thống, mà hướng đến một nền tảng số (digital platform) phục vụ tất cả các nhu cầu trong cuộc sống thường ngày của người dùng.

“Người dùng phải mua sắm nhiều dịch vụ tại các website riêng biệt, sau đó thanh toán từng món một, mất rất nhiều thời gian và không tiện dụng. Với MoMo, chúng tôi đã tích hợp toàn bộ các dịch vụ cần thiết cho cuộc sống lên ngay trên ứng dụng. Người dùng có thể dùng ví MoMo để thanh toán ăn uống, đi chợ tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi, mua hàng hóa thương mại điện tử, mua các loại vé (máy bay, tàu hỏa, xe liên tỉnh), mua dịch vụ giải trí (dịch vụ phim trực tuyến Fim+, đặt vé xem phim CGV, Galaxy), đặt khách sạn”, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ di động trực tuyến (Ví MoMo) cho biết.

Cẩn trọng lựa chọn dịch vụ

Như thường lệ, anh T.Q.Sơn (quận 5, TPHCM) bước vào quán cà phê Starbucks góc đường Nguyễn Tri Phương - Trần Phú mua cà phê. Tuy nhiên, anh rất bất ngờ bởi quy định từ 10-11, anh muốn tích điểm để làm thẻ thành viên thì trong thẻ ấy phải được nạp tiền.

Tức là người có thẻ thành viên phải nạp tiền vào thẻ Starbucks và dùng cái thẻ ấy vừa thay thẻ ngân hàng hay tiền mặt để giao dịch ở đây song song với việc tích điểm.

“Tiền từ túi mình, bỗng dưng phải đưa cho Starbucks giữ giúp thì đã không thích rồi dù chỉ nạp vào trong thẻ Starbucks vài trăm ngàn đồng. Không thể chấp nhận cái chuyện “huy động tiền nhàn rỗi” như vậy được vì tính sơ sơ một hãng lớn có trung bình 1 triệu khách hàng, mỗi khách nạp 100.000 đồng thì hệ thống ấy đã có 100 tỷ tiền mặt không lãi suất để dùng làm vốn lưu động”, anh Sơn bức xúc.

Hình thức trên gọi là tài khoản dịch vụ, không phải là ví điện tử nên người dùng cần cân nhắc sử dụng, đặc biệt là để tiền vào trong đó để tiện giao dịch. Tài khoản dịch vụ được ứng dụng không ít trong các dịch vụ như các thẻ dùng mua vé xem phim.

Ngay các khu trò chơi cho trẻ con cũng vậy! Không ít người cứ nạp tiền vào trong đó, lâu lâu mới dùng một lần, hết sức lãng phí. Với tài khoản dịch vụ, nhiều khách hàng cho rằng những nhãn hàng lớn quá khôn để “vay” trước tiền của khách hàng và khách hàng cứ vô tư “cho mượn”.

Còn ví điện tử không phải lúc nào cũng thuận tiện. Như với trường hợp ví điện tử Moca dùng để thanh toán cước Grab. Chị Trần (quận 1) bày tỏ không hài lòng khi cho biết: “Mới nạp một ít tiền vào ví Moca của Grab thì sáng mở lên tài khoản bị tạm dừng. Code gửi đến bằng tin nhắn, khi nhập vào nó bảo sai. Gọi lên tổng đài thì nhân viên báo tài khoản bình thường, có thể là lỗi kết nối gì đó, đề nghị sau 3-4 giờ đăng nhập lại…”.

Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp gặp rắc rối khi dùng GrabPay qua Moca. Đã có rất nhiều khách hàng sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt GrabPay Credits để trả phí cho các chuyến đi của Grab đã lên tiếng bức xúc khi hãng “giam” toàn bộ số tiền đã nạp lên đến cả triệu đồng. Để tiếp tục sử dụng số tiền trên, khách hàng được yêu cầu kích hoạt ví điện tử GrabPay by Moca mà Grab vừa triển khai.

Với sự phát triển của ví điện tử, tài khoản dịch vụ như hiện nay, có thể nói là một bước tiến trong đời sống, làm cuộc sống thuận tiện hơn nhờ ứng dụng công nghệ.

Tuy nhiên, song song với sự tiện lợi mang lại thì người dùng cần hết sức tỉnh táo chọn lựa dịch vụ mà dùng và hơn ai hết, cần phải kiểm soát đồng tiền mình bỏ vào đó cũng như chọn lựa nhà cung cấp dịch vụ tốt để tránh phiền phức. Còn về phía cơ quan nhà nước, giám sát dòng tiền hàng ngày từ đây cũng không kém phần quan trọng.

Bá Tân - SGGP

Bài gốc

Xem thêm