Robot giao thông giúp các bác tài đi không sợ phạt, đậu không sợ sai


Với ứng dụng này, các tài xế có thể thông hiểu luật giao thông đường bộ. Đặc biệt, trong những trường hợp vi phạm, ứng dụng sẽ báo mức phạt hành chính để người dùng biết mình có bị “xử oan” không.

Khi người dùng nhập lệnh "Ô tô vượt đèn vàng" hệ thống chatbot sẽ tự  động thông tin lỗi này sẽ bị phạt từ 1,2 đến 2 triệu đồng và tước giấy  phép lái xe từ 1 đến 3 tháng, căn cứ vào điều 5.5a Nghị định  46/2016/NĐ-CP. Nếu phương tiện gây tai nạn sẽ…

Khi người dùng nhập lệnh "Ô tô vượt đèn vàng" hệ thống chatbot sẽ tự động thông tin lỗi này sẽ bị phạt từ 1,2 đến 2 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng, căn cứ vào điều 5.5a Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Nếu phương tiện gây tai nạn sẽ tước giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng. Ảnh: Hà Thế An.

Ứng dụng có tên Robot giao thông này đã gây chú ý của Ban giám khảo tại buổi giới thiệu các giải pháp ứng dụng trong lĩnh vực IoT do Saigon Innovation Hub phối hợp với Bosch Việt Nam tổ chức sáng 19/11.

Theo Nguyễn Ngọc Thành, đồng sáng lập dự án robot giao thông, nhóm phát triển đã thuê một đội ngũ luật sư gồm 4 người để phát triển cơ sở dữ liệu về luật giao thông trên ứng dụng. Theo đó, người dùng chỉ cần tải ứng dụng về là có thể thông hiểu luật giao thông đường bộ bằng dữ liệu khổng lồ.

Đặc biệt, trong những trường hợp vi phạm và bị cảnh sát giao thông xử phạt, người sử dụng chỉ cần gõ nội dung vi phạm vào ứng dụng. Sau đó, hệ thống sẽ phản hồi về mức phạt hành chính và hình ảnh minh họa để người sử dụng hiểu rõ mình có bị CSGT “xử oan” không.

Ngoài ra, theo Thành, ứng dụng còn có thể tư vấn cho người đi đường (đặc biệt là người đi ô tô) đi đúng luật giao thông nhờ tích hợp trí tuệ nhân tạo.

“Khả năng phản hồi về luật của ứng dụng đạt mức độ chính xác lên tới trên 85%. Trường hợp ứng dụng phản hồi sai thường là do người dùng viết sai chính tả hoặc sử dụng từ địa phương, từ lóng… Trong trường hợp có sự thay đổi về luật giao thông, đội ngũ luật sư sẽ thay đổi hoặc bổ sung dữ liệu lên hệ thống”- Thành nói.

Võ Hoàng Ẩn, CEO dự án robot giao thông chia sẻ, ứng dụng này hiện có khoảng 1.000 người dùng và sẽ tăng lên trong thời gian tới. Nhóm kỳ vọng, sản phẩm sẽ giúp người tham gia giao thông bớt lúng túng khi bị cảnh sát xử phạt và nắm rõ hơn các quy định về luật giao thông. Nhóm cũng sẽ phát triển ứng dụng tuyên truyền về luật giao thông theo những trò chơi.

“Ngoài ra, ứng dụng còn có chức năng thông tin cho người dùng về vị trí đỗ xe ô tô tại TP.HCM. Đây được xem là kênh thông tin để người dân biết vị trí đỗ xe trong khoảng 2.000 điểm đỗ xe có phí và miễn phí tại TP.HCM nhằm tránh bị lực lượng chức năng xử phạt khi đỗ xe trái quy định”- Ẩn cho biết.

Nhóm dự định sẽ phát triển ứng dụng trở thành mạng xã hội chia sẻ thông tin về luật pháp cũng như các vấn đề khác của giao thông trong đô thị như kẹt xe, ngập nước... Ứng dụng này sử dụng hoàn toàn miễn phí.

Tại sự kiện, nhiều giải pháp về ứng dụng IoT có tính ứng dụng cao cũng được giới thiệu tới hội đồng chuyên môn. Cụ thể, dự án eCab - giải pháp về tiết kiệm không gian của phương tiện để tránh tắc đường; Dự án F Farm - cung cấp giải pháp IoT cho nông nghiệp; Dự án virobo - robot cho trẻ em...

Ông Võ Xuân Huy, đại diện Bosch Việt Nam, cho biết hoạt động này nhằm tìm kiếm những dự án khả thi để đơn vị đầu tư, hỗ trợ về mặt kỹ thuật, tài chính, tư vấn… theo nhu cầu của các dự án.

“Chúng tôi hướng đến những giải pháp có tính ứng dụng vào lĩnh vực thành phố thông minh, IoT, ứng dụng di động… để cùng với nhóm dự án phát triển thành những sản phẩm hoàn thiện”- ông Huy nói.

Hà Thế An - Khampha.vn

Bài gốc

Xem thêm

 
Tin tứcdmsttin tức, robot