Nông nghiệp 4.0, gian nan khởi nghiệp - kỳ 2: “Đột nhập” xem trộm mô hình trồng rau công nghệ cao


Để làm ra các thiết bị, công nghệ ứng dụng vào nông nghiệp, các startup phải lặn lội đến các vùng trồng rau an toàn, rau công nghệ cao để học hỏi. Nhưng vào những nơi này không dễ, có người phải dùng đến “chiêu” đột nhập, xem trộm mô hình để về học hỏi.

nong-nghiep_1000x614.jpg

Đi tham khảo công nghệ như đi ăn trộm

Anh Phạm Hữu Việt, Tổng Giám đốc APPA group cho biết, trong khởi nghiệp nông nghiệp, có những thứ không thể dùng từ khóa để tìm kiếm trên mạng được. Ví dụ, bằng mọi  kiến thức có được, đố ai có thể tìm kiếm được hiện có bao nhiêu trang trại nhà màng ở Việt Nam.

Tôi đến đây gặp, đến kia gặp, nhưng thực tế có bao nhiêu thì không ai biết được. Tôi thấy nhà màng cần thiết lắm, ai cũng cần để sản xuất. Và tôi dự báo thị trường đang cần 10000 nhà màng và tôi xây dựng cơ chế giá để mỗi cái tôi lãi 1 triệu đồng.

Như vậy là tôi có thể lãi khoảng 10 tỷ đồng. Nhưng ai ngờ đâu khi triển khai thì chỉ có khoảng 1000 nhà màng. Mà tôi bán với giá như sản xuất 10.000 cái thì tôi lỗ. Do đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu không khả thi và không có kênh do việc thống kê rất khó.

Kênh kết nối tới mọi nơi là rất khó khăn. Kể cả là các chuyên gia nông nghiệp, muốn gặp họ cũng rất khó. Có chuyên gia, tôi nhìn thấy biển trung tâm ở ĐH Quốc gia, tôi gọi điện thoại không được, vào tận nơi gặp thì bảo vệ bảo “tao chẳng biết mày là ai”. Cuối cùng, tôi nhìn thấy có một địa chỉ email với hy vọng mong manh thì may mắn được phản hồi. Tôi nghĩ có hàng chục, hàng trăm người giống mình, khởi nghiệp bằng nông nghiệp cực khó khăn.

“Nếu anh chị là nhà báo, anh chị có thể hẹn gặp một giáo sư nông nghiệp cực kỳ dễ dàng, nhưng tôi thì không. Tôi không thể nào hôm nay đi Mỹ, ngày mai đi Úc, đi Ixaren để xem hệ thống của họ triển khai như thế nào. Tôi buộc phải tìm đến các địa chỉ trong nước.

Thì hiện nay, mới chỉ có hệ thống VinEco là có hệ thống nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bài bản, nhưng tiếp cận với tư cách cá nhân của một startup lại không dễ chút nào. Tôi gọi điện cho VinEco đề nghị được xem hệ thống chạy như thế nào, nhưng người ta không cần biết tôi là ai cả.

Tôi tự tìm cách về trang trại của VinEco tại Nam Định, nhưng đúng dịp đó bị bão, trang trại cũng bị đổ. Tôi lại phi xe sang Hà Nam. Ngay lập tức tôi bị ông bảo vệ chặn lại. Tôi có đưa danh thiếp và nhờ vả kiểu chú cháu giúp nhau một chút. Sau đó ông ấy rút điện thoại gọi cho giám đốc báo cáo.

Vị giám đốc trang trại ra gặp tôi, tôi mới có cơ hội để tiếp cận chứ cũng chưa giải quyết được vấn đề gì. Tôi muốn nói tính cộng đồng, tính chia sẻ ở ta quá yếu, đó là một thực tế”, anh Phạm Hữu Việt cho biết.

Người nông dân chỉ việc… ngồi chơi

Sản phẩm khởi nghiệp của anh Phạm Hữu Việt là hệ thống nông nghiệp thông minh APPA - N1 dùng để giám sát môi trường thường xuyên, cung cấp dinh dưỡng chính xác cho cây trồng, vận hành tự động hoàn toàn, cảnh báo nguy cơ tức thì.

Hệ thống bao gồm 3 thiết bị chính là bộ cảm biến CB1, liên tục lắng nghe điều kiện môi trường như Nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, theo thời gian thực và gửi dữ liệu về Bộ xử lý Trung tâm. Bộ xử lý xử lý trung tâm T1 nhận dữ liệu và chuyển tiếp lên Server.

Ứng dụng di động liên tục cập nhật thông tin từ Server để hiển thị cho người dùng. Sau đó thông tin sẽ chuyển tới bộ điều khiển. Bộ điều khiển DK1 thực hiện điều khiển các thiết bị như máy bơm, quạt gió. Hệ thống server thực hiện phân tích và tính toán thông tin để biết được thời điểm cần tưới và lượng nước cần tưới cho từng loại cây trồng.

Với hệ thống này, người trồng cây không phải làm bất cứ việc gì ngoài… sử dụng được hệ thống thiết bị. Theo đó thì người nông dân chỉ việc… ngồi chơi theo đúng nghĩa. Đầu tư ban đầu cũng không quá lớn, chỉ khoảng 6-8 triệu đồng/bộ. Tuy nhiên, để bán được sản phẩm, thuyết phục được khách hàng sử dụng để có những đánh giá ban đầu lại không dễ dàng gì.

Theo anh Phạm Hữu Việt, ứng dụng công nghệ này, việc sản xuất nông nghiệp sẽ đảm bảo được các tiêu chí sạch, an toàn. Tuy nhiên, chi phí sẽ cao hơn so với lao động truyền thống. Để phát triển, nhân rộng được công nghệ đòi hỏi phải có đầu ra cho sản phẩm. Khi bán được giá thành cao hơn, giá trị sản phẩm được nâng lên, thì người nông dân mới có lý do để đầu tư. Ngược lại thì rất ít người có ý định áp dụng công nghệ.

Khó khăn không có nghĩa bất khả thi

Anh Phạm Hữu Việt cho rằng, khó khăn của các startup khi khởi nghiệp bằng nông nghiệp là rất nhiều, nhưng không có nghĩa là không thể làm được. Quá trình ứng dụng thử nghiệp một sản phẩm cũng mất một vài năm. Ví dụ một loại phân bón cho cây cà chua, phải thử nghiệm trên cây ít nhất 3-4 vụ, mỗi vụ 3 tháng, là cũng mất đi 1-2 năm.

Có nhiều khi, sản phẩm chưa đâu vào đâu đã hết tiền để làm. Khi đó lại phải tìm cách, bỏ tiền túi ra mà làm chứ không thể đầu hàng. Đáng mừng là hiện nay có nhiều người muốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao bằng cách đầu tư các trang trại, các mô hình nuôi trồng khép kín. Đây chính là lối ra cho những sản phẩm công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp của các startup như anh Việt.

Người chọn khởi nghiệp bằng nông nghiệp khó khăn như vậy, họ có kiếm được tiền từ các dự án khởi nghiệp của mình? Ông Đàm Quang Thắng, Tổng giám đốc Công ty Agricare Việt Nam cho rằng, trong khởi nghiệp, thắng hay thua đều bắt đầu từ tư duy, ý tưởng. Quá trình tham gia hội đồng hỗ trợ các dự án khởi nghiệp, tôi nhận thấy đa phần các ý tưởng khởi nghiệp vẫn nặng về bán hàng, kiếm tiền... Tính mới, tính sáng tạo của các dự án chưa thực sự sắc nét.

Khởi nghiệp khi đã có người khác đi trước rồi, thì rất cần sự mới mẻ, nếu đi vào lối mòn sẽ thất bại. Trong khi đó, những dự án khởi nghiệp thành công lớn trên thế giới và mang tính toàn cầu họ khác chúng ta, họ tập trung vào việc xây dựng hệ sinh thái trước để phục vụ nhu cầu của cộng đồng, sau đó mới là việc kiếm lợi nhuận từ hệ sinh thái đó. Tiền có cần không? Rất cần. Nhưng nếu cứ chăm chăm kiếm tiền chưa chắc đã nhìn thấy cơ hội có tiền. Nghe phi lý nhưng lại có lý đấy.

“Ví dụ như Facebook, Zalo chẳng hạn, ban đầu họ cung cấp miễn phí cho người dùng, nhưng lại mang lại nguồn thu rất lớn từ quảng cáo sau này khi thu hút được lượng lớn khách hàng tham gia vào cộng đồng sinh thái do họ xây dựng lên. Khi đó, các ông chủ các mạng xã hội này không muốn cầm tiền thì tiền vẫn đổ vào túi họ. Tiền sẽ đến khi nó khắc phải đến, khi cơ hội kiếm tiền đã chín muồi”, ông Thắng cho biết.

Là một nước đứng top đầu trên thế giới về xuất khẩu nông sản nên dư địa, tiềm năng trong khởi nghiệp nông nghiệp tại Việt Nam còn rất lớn. Trong đó, cơ hội đang vô cùng rộng mở trong mảng công nghệ chế biến, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ giống, công nghệ sinh học và ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa vào nông nghiệp...

Tô Hội - Khoa học đời sống

Bài gốc

Xem thêm