Đâu là thế mạnh 'khủng' của Trung Quốc trong cuộc đua công nghệ?
Nhiều người Trung Quốc chia sẻ hồ sơ y tế, trả tiền món ăn và truy cập tài khoản ngân hàng bằng công nghệ. Việc họ sẵn lòng chia sẻ dữ liệu cá nhân với các hãng công nghệ giúp Trung Quốc hưởng lợi thế lớn.
Trung Quốc có 1,4 tỉ người sinh sống, bằng 1/5 dân số thế giới và gấp bốn lần dân số Mỹ. Một lượng lớn người Trung Quốc đang dùng công nghệ để chia sẻ hồ sơ y tế, thanh toán bữa ăn và truy cập tài khoản ngân hàng mỗi ngày. Nhiều hơn hẳn số người làm thế tại châu Âu hay Mỹ.
Một số CEO, nhà đầu tư và nhà lãnh đạo công nghệ tụ họp về hội nghị East Tech West tuần này có đồng quan điểm: Dữ liệu là vàng, và nó càng giống vàng ở Trung Quốc hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Lợi thế của nước này trong cuộc đua công nghệ là lượng lớn dữ liệu, và quan trọng hơn là sự sẵn lòng chia sẻ dữ liệu của công chúng.
Vô tư chia sẻ dữ liệu
“Trung Quốc rất thú vị vì có rất nhiều dữ liệu. Tôi nghĩ nhiều dân Trung Quốc thực sự tự hào về thực tế rằng chúng tôi đủ lớn để cạnh tranh với Mỹ trong mảng trí tuệ nhân tạo (AI). Tôi nghĩ đây thực sự là thời điểm thú vị để sống ở Trung Quốc”, Edith Yeung, người đứng đầu đơn vị ở Trung Quốc của 500 Startups cho hay.
Bà Yeung cho rằng sự sẵn lòng của người dân hỗ trợ nhiều hãng “khát” dữ liệu đang tìm cách tăng cường và khởi động dự án AI mới. Các hãng công nghệ Trung Quốc cả lớn và nhỏ đang tận dụng mỏ vàng dữ liệu.
Russ Shaw, nhà sáng lập hiệp hội Tech London Advocates và Global Tech Advocates, cho biết Trung Quốc đang thu thập “lượng dữ liệu chưa từng thấy, không giống bất cứ thứ gì thế giới từng biết ở châu Âu và Mỹ”. “Sự kết hợp của công nghệ tiên tiến và hậu thuẫn từ chính quyền giúp đất nước khai thác sức mạnh khổng lồ của dân số”, ông Shaw nói.
Điều này giúp thái độ người Trung Quốc hơi khác so với dân Tây phương. Holly White, cựu giới chức Anh ở Bắc Kinh, hiện là cố vấn cấp cao của hãng tư vấn Rouse, cho rằng “cấu trúc xã hội” sẵn có khiến người dân Trung Quốc “chấp nhận lằn ranh mờ giữa quyền riêng tư và sự can thiệp của nhà nước vào cuộc sống của họ”.
Bắc Kinh ra nhiều hướng dẫn về hệ thống tín dụng xã hội kỹ thuật số, xếp hạng hành vi công dân để đánh giá điểm “xã hội cho họ”, tương tự như phương pháp phân tích và thưởng tín dụng tài chính. Cơ sở dữ liệu được cho là sẽ thiết lập xong trên cả nước vào năm 2020. Hiện đã có 30 chính quyền địa phương thu thập dữ liệu.
“Hoạt động dữ liệu hàng loạt này chứng tỏ nó có lợi trong một số lĩnh vực, giúp Trung Quốc phát triển công nghệ tài chính và AI tiên tiến. Chính phủ cũng nhanh chóng nhận ra tiềm năng của dữ liệu lớn, thúc đẩy chương trình thành phố thông minh của mình và sử dụng thông tin để cải thiện hiệu quả năng lượng, tiêu chuẩn sức khỏe bằng cách giảm độ ô nhiễm”, ông Shaw chia sẻ.
Nhận dạng khuôn mặt ở mọi nơi
Người tiêu dùng Trung Quốc đã và đang nhanh chóng chấp nhận công nghệ mới nhất nhờ vào nhiều nền tảng cho phép truy cập một loạt dịch vụ, từ thanh toán đến thực đơn, dựa trên dữ liệu lịch sử được nhiều doanh nghiệp công nghệ thu thập. Trung Quốc cũng áp dụng phần mềm nhận dạng khuôn mặt trong cuộc sống hằng ngày.
Công nghệ này được dùng trong nhiều việc, từ giúp cảnh sát xác định, bắt giữ kẻ chạy trốn trong đám đông 50.000 người ở đông nam Trung Quốc cho đến việc công khai hiển thị khuôn mặt của người đi bộ không đúng quy định trên màn hình LED lớn. Sắp tới, nó còn được dùng để chống gian lận trong cuộc thi chạy marathon diễn ra vào ngày 2.12, theo AFP.
Hãng EY cho biết hơn 1.000 thương hiệu tại 100.000 địa điểm ở Trung Quốc đã dùng các tính năng công nghệ, trong đó có nhận dạng khuôn mặt để thu hút khách hàng. Đơn cử, KFC Trung Quốc tung hệ thống nhận dạng khuôn mặt “cười để trả tiền” cho khách hàng vào tháng 9.2017 với sự giúp sức từ Baidu.
Từ năm 2000 đến nay, bối cảnh công nghệ Trung Quốc thay đổi đáng kể. Nước này tự hào có vài hãng công nghệ lớn nhất thế giới, cụ thể là hãng thương mại điện tử số một Alibaba, công ty Tencent với ứng dụng WeChat có 1 tỉ người dùng và hãng tìm kiếm Baidu. Cả ba “ông lớn” internet đều phát triển quá mạnh, đến mức thống trị mọi khía cạnh công nghệ Đại lục và đầu tư ồ ạt vào trò chơi điện tử, xe không người lái và các hãng truyền thông.
Theo báo cáo Internet Report do bà Yeung của 500 Startups thực hiện, Alibaba, Tencent và Baidu đầu tư vào tổng cộng hơn 400 doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc hầu như toàn bộ dữ liệu lớn đang được những cái tên “khủng” trong ngành kiểm soát, rất khó có chỗ cho startup nhỏ chen chân.
Thu Thảo - Báo Thanh niên