Gạo Việt đã có logo


Logo thương hiệu gạo VN vừa chính thức ra mắt. Nhưng để logo này được người tiêu dùng thế giới công nhận, gạo Việt phải khẳng định được chất lượng.

lua-gao_svob.jpg

Gỗ tốt, nước sơn mới có giá trị

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), hình dung: Sau này khi doanh nghiệp (DN) đạt các tiêu chuẩn của Bộ NN-PTNT đề ra sẽ có quyền sử dụng logo gắn lên bao bì sản phẩm của mình. Xuất khẩu ra nước ngoài, nhìn vào sẽ biết đó là gạo VN.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn chính là chất lượng sản phẩm. Cái này gắn liền với uy tín và thương hiệu của DN. Nếu sản phẩm tốt thì giá bán, uy tín DN mới cao. Nếu VN có nhiều DN như vậy thì thương hiệu gạo quốc gia mới có giá trị.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), nói: Trước giờ các nước xuất khẩu gạo đều có logo, có thương hiệu mà mình không có nên việc có logo, thương hiệu là cần thiết. Nhưng thương hiệu phải được xây dựng từ chất lượng sản phẩm.

Trong một chuỗi giá trị hạt gạo, chất lượng phải đi từ hạt giống, quy trình sản xuất tốt, quá trình chế biến an toàn... Để làm được như vậy cần phải có những DN lớn. Nó là một chuỗi nhiều vấn đề về chính sách, kỹ thuật cũng như quyết tâm chung sức chung lòng của cả cộng đồng.

Đại diện lãnh đạo Bộ NN-PTNT tại lễ công bố logo gạo Việt cũng thừa nhận “đây mới chỉ là bước khởi đầu để xây dựng thương hiệu gạo VN”. Sắp tới Bộ sẽ hoàn thành quy chế sử dụng logo để các DN sử dụng khi xuất khẩu. “Không phải tất cả gạo VN đều có thể gắn logo này, chỉ có những sản phẩm đáp ứng các tiêu chí nhất định”, ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), nói.

Xuất khẩu đối mặt nhiều khó khăn

Năm 2018 là năm thành công của xuất khẩu gạo với sản lượng dự kiến 6,15 triệu tấn, kim ngạch 3,15 tỉ USD, tăng gần 20% về giá trị so với năm 2017. Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2018 đạt 504 USD/tấn, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Tuy nhiên các DN dự báo thời gian tới xuất khẩu gạo sẽ gặp nhiều khó khăn vì giờ đây, thị trường nào cũng khó tính. Đặc biệt là Trung Quốc, thị trường dễ tính nhất cũng đã khó khăn hơn. Theo ông Đôn, năm nay xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm đến 30% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân từ đầu năm nước này tăng thuế nhập khẩu gạo thêm 10% đưa tổng mức thuế lên đến 17%. Chưa hết, đến giữa năm họ lại tăng thuế nhập khẩu gạo nếp lên 20 - 30%... khiến nếp VN khó khăn khi xuất qua thị trường này.

Ngoài thuế quan, nước này cũng dựng lên các hàng rào kỹ thuật với gạo Việt. Mới đây họ lại tiếp tục tăng thời gian xông trùng lên đến 120 giờ thay vì 24 giờ như trước đây. Quy trình lấy mẫu kiểm nghiệm có thể mất đến 14 ngày do phải thực hiện ở các cơ sở mà họ chỉ định. Điều này không chỉ khiến chúng ta mất thời gian mà còn tốn thêm chi phí lưu kho, lưu bãi.

Ngoài ra, họ cũng yêu cầu bao bì phải ghi đầy đủ thông tin về xuất xứ hàng hóa theo thông lệ quốc tế và có dấu của cơ quan quốc kiểm Trung Quốc. Nếu không hợp lệ thì sẽ bị từ chối cấp chứng thư để nhập khẩu vào thị trường này. Điều này gián tiếp buộc DN phải sử dụng bao bì của họ.

“Hiện tại các cơ quan VN đang làm việc với họ nhưng chưa có thông báo chính thức. Chính vì vậy DN của tôi và một số đơn vị khác đã đưa hàng lên TP.HCM rồi mà phải chở về, tiếp tục chờ mà chưa dám xuất vì cận thời điểm áp dụng 1.1.2019”, ông Đôn lo lắng.

Dù vậy theo ông Bình, Trung Quốc là thị trường quá lớn và quan trọng nên không thể bỏ. Chính vì vậy không còn cách nào khác, DN phải nâng cao chất lượng của mình bằng cách liên kết, hợp tác với nông dân để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Hầu hết các nhà nhập khẩu hiện nay đều yêu cầu sản phẩm phải đạt chuẩn GAP và truy xuất được nguồn gốc.

GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, kể tháng trước ông đi qua vùng Đồng Tháp Mười thấy người ta xay cả lúa tươi để bán. “Như vậy thì chất lượng gạo làm sao đảm bảo được?”, ông buồn bã đặt câu hỏi và kể thêm tình trạng đấu trộn các loại gạo vẫn còn phổ biến; rồi cứ đến vụ anh thương lái chạy xe từ cánh đồng này qua cánh đồng khác để gom lúa... Những thực tế như vậy thì khó có thể xây dựng được thương hiệu cho hạt gạo VN.

Chí Nhân - Báo Thanh niên

Bài gốc

Xem thêm