Triển khai chương trình chăm sóc bệnh nhân bằng số hóa
Đại học Y Dược TP.HCM vừa hợp tác cùng GE Healthcare và công ty TNHH TD Medical khai trương Đơn vị đào tạo ứng dụng Kết nối – Lưu trữ - Xử lý hình ảnh Y học (PACs Education Unit). Đây là một thành tựu mới của nhà trường trong việc áp dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 vào ngành y.
Là một trong những cơ sở đào tạo nguồn nhân lực y tế trọng điểm của cả nước, Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh luôn cập nhật các thành tựu khoa học kỹ thuật để đóng góp hiệu quả trong việc chăm sóc sức khỏe người dân.
Theo kế hoạch hoạt động, mỗi năm Đại học Y Dược TPHCM sẽ đào tạo cho hơn 200 bác sĩ (BS) có khả năng sử dụng và triển khai các kỹ thuật cao trong thực hành, đồng thời cũng đào tạo cho các bác sĩ trên cả nước có nhu cầu nâng cao chuyên môn.
“Trên cương vị là người đào tạo, chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng của việc tiếp cận kỹ thuật số để đảm bảo các kĩ năng của sinh viên và học viên sau đại học phù hợp với thực tế sau khi tốt nghiệp, chúng tôi đã hợp tác với GE Healthcare và TD Medical với mong muốn thông qua kinh nghiệm và thực tiễn đi đầu trong ngành y của các đơn vị này, sinh viên sẽ được tiếp cận với giải pháp và công nghệ tiên tiến nhất để trau dồi các kĩ năng của mình, đặc biệt là trong chẩn đoán hình ảnh”, PGS.TS.BS Châu Ngọc Hoa - trưởng đơn vị trực tiếp quản lý PACS - chia sẻ.
Với đơn vị đào tạo đặt tại Đại học Y Dược TP.HCM, các học viên sẽ có có hội được đào tạo kỹ thuật và thực hành chuyên môn với những giải pháp Enterprise Imaging của GE Healthcare như phần mềm quản lý hình ảnh CentricityTM Universal Viewer và Advanced Visualization. Hệ thống cho phép cải thiện quy trình làm việc trong bệnh viện, đồng thời giúp các BS chẩn đoán hình ảnh sử dụng những công cụ để xem, chẩn đoán, và thực hiện các báo cáo có hiệu quả và chính xác hơn, từ đó nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh.
Một trong những tính năng của Centricity Universal Viewer là Zero Footprint Viewer (ZFP) là giúp các bác sĩ dễ dàng truy cập hình ảnh chẩn đoán của người bệnh qua các thiết bị di động. Bác sĩ phẫu thuật có thể sử dụng công cụ này để xem lại hình ảnh và kế hoạch phẫu thuật; BS tim mạch, BS nhi khoa hay BS chỉnh hình có thể đưa hình ảnh lên thiết bị di động và thảo luận với bệnh nhân và người thân ngay tại giường bệnh của họ.
Trong khi đó, các BS tư vấn có thể sử dụng phần mềm này giải thích về quy trình phẫu thuật và chia sẻ kiến thức với các bệnh nhân để họ hiểu, sự tương tác đó sẽ giúp cho việc điều trị dễ hơn và có hiệu quả hơn. Các nghiên cứu cũng cho thấy khả năng truy cập di động này đã giúp giảm 32% các xét nghiệm trùng lặp.
Thành tựu mới này tạo thêm động lực cho nhà trường tích cực áp dụng các công nghệ mới vào ngành y trong thời gian tới.
Tuyết Nhung - Báo Lao động