Robot theo dõi mắt người đi bộ trên xe tự lái


Hãng Jaguar Land Rover vừa đưa vào thử nghiệm robot theo dõi mắt người đi bộ qua đường để phân tích hành vi của họ. Đây là nghiên cứu để ứng dụng trên xe tự lái nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

robot-1544587597.jpg

Robot có chiều cao tương đương với người thật và có đôi mắt "ảo" rất lớn, giúp hoàn thiện các tính năng của xe tự lái nhằm tăng tính thuyết phục người tiêu dùng về độ an toàn của xe. Theo một khảo sát của Hiệp hội Xe hơi Hoa Kỳ cho thấy có đến 63% người cảm thấy không an toàn khi chia sẻ đường phố với xe tự lái.

"Một khi công nghệ tự lái trở thành xu hướng, chúng tôi phải đảm bảo chiếc xe tự lái hiểu rõ hành vi và cách phản xạ của con người" - Pete Bennett, người đứng đầu phòng nghiên cứu di động của Jaguar Land Rover chia sẻ.

Trước khi người đi bộ đi qua vạch ngang dành cho người đi bộ, họ thường kiểm tra chắc chắn tài xế lưu thông trên đường nhìn thấy họ và giảm tốc độ hay dừng lại. Đã có 500 người được mời vào cuộc thử nghiệm của Jaguar Land Rover, nghiên cứu hành vi của họ khi đi bộ qua đường.

Jaguar Land Rover rất có chủ ý khi đưa vào xe tự lái robot theo dõi có đôi mắt to và xe chạy đến giao lộ sẽ giảm tốc độ. Đồng thời, đôi mắt này có thể tiếp xúc linh hoạt với mắt người đi bộ như nháy mắt, thể hiện tín hiệu đèn.

Các nhà tâm lý học và các kỹ sư của Hãng sẽ phân tích các dữ liệu thu thập được từ robot để phân tích hành vi của người đi bộ, cũng như ghi nhận cấp độ tin cậy của họ khi nhìn thấy chiếc xe tự lại tiến đến gần. Mục đích phát triển robot nhằm tạo niềm tin cho người đi bộ, xe tự lái hoàn toàn chú ý đến họ và giảm tốc độ ngay, nếu có người đi bộ phía trước nó.

Ý tưởng này đã được Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) tiến hành thử nghiệm cách nay vài năm. Một trong những thử nghiệm này là làm sao thuyết phục người đi bộ tin rằng chiếc xe hơi tự lái sẽ không bao giờ đâm vào họ. Để tăng sự thân thiện, thiết kế chiếc xe tự lái phải có tính tương tác và nhân hóa.

Giáo sư Alan Woodward, một chuyên gia về khoa học máy tính tại Đại học Surrey cho biết, thử nghiệm này cho thấy ngành công nghiệp công nghệ hiện nay đánh giá cao tầm quan trọng của thiết kế, thay vì chỉ tập trung vào công nghệ.

"Điều này tương tự như kỷ nguyên đầu tiên của máy tính, mà chúng tôi gọi đó là sự kiêu ngạo của máy móc. Chẳng hạn, vào cuối thập niên 1990, khi máy ATM rút tiền báo "chờ", có nghĩa là bạn cứ đứng đấy chờ máy móc xử lý, và khi nào nhận được tiền là do chúng. Sau đó điều này được thay đổi, máy tính tương tác với người nhiều hơn, và một khi hai bên chú ý đến nhau thì con người có khuynh hướng gia tăng niềm tin vào máy móc" - giáo sư Alan Woodward giải thích.

Thiên Thảo - Doanh nhân Sài Gòn

Bài gốc

Xem thêm

 
Tin tứcdmsttin tức, robot