Cảnh báo ngập từ hệ thống thông tin địa lý GIS


Một ứng dụng giúp người dân biết tình hình mưa, triều, ngập nước, sự cố thoát nước vừa ra đời. Nó cũng cung cấp thông tin, cảnh báo ngập nước và tiếp nhận thông báo sự cố thoát nước ở TP.HCM.

Tác giả là nhóm bạn trẻ của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM (Trung tâm chống ngập). Ban đầu ứng dụng này chỉ là cổng thông tin cập nhật hệ thống thoát nước phục vụ nội bộ trung tâm, sau đã phát triển thành cổng thông tin mở của toàn thành phố.

Cung cấp theo thời gian thực

Những ngày đầu tháng 11, triều cường trên sông Sài Gòn vượt mức báo động 3 (trên 1,5m) gây ngập nhiều tuyến đường ở TP.HCM như Trần Xuân Soạn, Hồ Học Lãm, Quốc Hương, quốc lộ 50... 

Những thông tin, hình ảnh thực về tình trạng ngập nước bao gồm vị trí ngập, thời gian ngập, mức độ ngập, việc đi lại khó khăn của người dân... được cập nhật theo thời gian thực trên cổng thông tin https://chongngap.hochiminhcity.gov.vn/baongap.

Truy cập vào cổng thông tin này từ máy tính (hoặc điện thoại thông minh - smartphone) thông qua đường link truy cập hoặc mã quét (QRCode), người dùng sẽ thấy bản đồ được số hóa, trong đó có các biểu tượng về hệ thống camera, trạm đo mưa, trạm đo triều ứng với các địa điểm thực tế và các biểu tượng thông tin điểm ngập, sự cố.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng - phó giám đốc Trung tâm chống ngập, cổng thông tin trên được triển khai thử nghiệm năm 2017 và công bố chính thức ngày 9-8 vừa qua. Nhân viên trung tâm tiếp nhận các thông tin từ người dân về ngập nước, sự cố thoát nước, sụt lún, sự cố nắp hố ga, rác làm tắc dòng chảy... hoặc giám sát hiện trường và hiển thị tức thì ngay trên cổng thông tin theo thời gian thực. 

Ví dụ khi mưa hay triều cường cao gây ngập, trên giao diện của cổng thông tin sẽ hiện những biểu tượng màu đỏ để cảnh báo. Đồng thời, các biểu tượng camera cung cấp hình ảnh thực tế đang diễn ra tại nơi ngập đó.

Thông qua ứng dụng này, người dân có thể biết được tương đối chính xác tình hình ngập nước ở những địa điểm, tuyến đường cụ thể hoặc có được thông tin dự báo thời tiết hằng ngày do Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cung cấp, từ đó có thể chủ động lựa chọn lộ trình, thời gian, kế hoạch đi lại thích hợp nhằm hạn chế khả năng bị ảnh hưởng bởi tình trạng ngập nước.

Bên cạnh đó, thông qua các cách thể hiện trực quan, cổng thông tin cũng vận động người dân không xả rác, không lấp miệng hầm ga thoát nước, bảo vệ hệ thống thoát nước, chung tay xây dựng thành phố xanh sạch đẹp, không ngập nước.

Từ những đòi hỏi thực tế

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, cổng thông tin ra đời từ những nhu cầu thực tế của người dân trong việc chủ động có thông tin về tình hình mưa, triều, ngập nước, sự cố thoát nước. Đây cũng là kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thoát nước nhằm phục vụ được nhiều tiện ích cho người dân trong lĩnh vực giảm ngập.

Bạn Tạ Thanh Lan - hiện là phó bí thư Đoàn thanh niên Trung tâm chống ngập TP, phụ trách chính về mặt kỹ thuật, điều hành cổng thông tin - cho biết ban đầu cổng thông tin chứa các dữ liệu hệ thống thoát nước (hệ thống WebGIS), được sử dụng nội bộ nhằm phục vụ công tác chuyên môn tại đơn vị, giúp việc chia sẻ dữ liệu giữa các phòng ở Trung tâm chống ngập tốt hơn. 

Từ nền tảng đó, trung tâm phát triển thêm thành nơi cung cấp, chia sẻ thông tin một cách nhanh chóng về tình hình ngập nước, hạ tầng thoát nước... rộng rãi hơn. Qua đó cũng tăng cường sự tương tác giữa người dân và cơ quan ban ngành chuyên môn, nâng cao hiệu quả điều hành trong lĩnh vực thoát nước, giảm ngập và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên với tính kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu cao.

Cũng theo ông Dũng, cổng thông tin hệ thống thoát nước của Trung tâm chống ngập được phát triển trên nền GIS có khả năng tích hợp với các sở ban ngành và mở rộng, cập nhật tự động trong tương lai, được hình thành từ những nỗ lực, mong muốn góp phần chung tay xây dựng "Đô thị thông minh - Smart city" mà TP đang hướng tới cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống người dân hơn.

Quang Khải - Báo Tuổi trẻ

Bài gốc

Xem thêm