Chính phủ điện tử (Phần 3): Thực trạng xây dựng chính phủ điện tử ở Việt Nam
Trong khảo sát về mức độ phát triển chính phủ điện tử (sử dụng chỉ số EGDI đã nhắc đến trong phần trước), Việt Nam xếp thứ 88 trong 193 nước tham gia khảo sát. Ở Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 6 - sau Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Brunei.
Qua con số thống kê, chúng ta có thể thấy nước ta hiện đang trong quá trình phát triển chính phủ điện tử, tuy không đi sau nhưng còn rất nhiều chuyện phải làm. Hãy cùng phân tích 3 yếu tố để phát triển chính phủ điện tử ở nước ta.
1. Sự đầy đủ của cơ sở hạ tầng viễn thông
Về cơ sở hạ tầng viễn thông, nước ta đã làm khá tốt. Mạng cáp quang FTTH hiện đang phủ sóng 97%, sóng 4G phủ sóng 95% Việt Nam. Tốc độ đường truyền nước ta thuộc loại trung bình: 5,46 Mb/s - xếp thứ 74 trên Thế Giới; trên Indo, Philippines, Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng so với Đài Loan (34,4 Mb/s), Thuỵ Điển (40 Mb/s) và Singapore (55,13 Mb/s) thì còn kém rất xa.
Về độ phổ cập viễn thông, nước ta chưa làm tốt đến vậy. Theo khảo sát của We are social vào tháng 1/2018, có 64 triệu người dùng Internet ở Việt Nam - chiếm 67% dân số. Để được coi là nước có độ phổ cập viễn thông cao, con số này phải vào khoảng 80%.
Điều khó khăn là nước ta có nhiều vùng sâu, vùng xa khá khó trong việc phổ cập internet. Điều thuận lợi là cơ cấu dân số trẻ, và giới trẻ rất dễ trong việc tiếp cận internet. Nhìn chung tình hình phát triển phổ cập internet nước ta rất tích cực: 1 năm qua chúng ta đã tăng 27% về số người sử dụng internet - đứng đầu Thế Giới.
Kết luận: Thuộc mức trung bình và đang phát triển nhanh.
2. Năng lực của người dân để phát triển và sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Theo số liệu thống kê, 98% dân số nước ta biết chữ, theo lý thuyết thì năng lực của người dân Việt Nam đủ để sử dụng những dịch vụ công trực tuyến.
Tuy nhiên khi đi đến những địa điểm làm thủ tục hành chính trực tiếp, ta có thể dễ dàng thấy có một số lượng không hề nhỏ người già và trung niên lúng túng trong việc điền hồ sơ. Một số không biết chữ, phần lớn thì biết chữ nhưng không biết điền sao cho đúng.
Ngược lại, người trẻ ở nước ta gặp ít khó khăn hơn nhiều trong việc sử dụng dịch vụ công và làm thủ tục hành chính. Vì mọi thông tin về giấy tờ khi thực hiện thủ tục hành chính đều có đầy đủ trên mạng (Chính phủ điện tử cấp độ 1 và 2), chỉ cần 15 phút đọc qua là có thể nắm rõ.
Ở cấp độ doanh nghiệp tình hình cũng rất khả quan: những công ty nhỏ, không được trang bị nhiều về công nghệ, họ cũng đã sử dụng rất tốt các dịch vụ công trực tuyến như hải quan điện tử, khai báo thuế điện tử (Các dịch vụ cấp độ 3 và 4).
Vì vậy, bức tranh năng lực người dân trong việc sử dụng chính phủ điện tử nước ta có thể phân ra thành 2 nhóm: nhóm người lớn tuổi gặp khó khăn trong việc đổi mới, và nhóm người trẻ thích nghi rất nhanh.
Để không bỏ những người cao tuổi lại phía sau, chúng ta phải học hỏi Singapore. Nếu như ở Singapore, họ có những trung tâm hỗ trợ người dân, đặc biệt là người lớn tuổi để sử dụng chính phủ điện tử, thì ở nước ta, những cơ quan hành chính thông thường không có người hướng dẫn, người đến làm thủ tục hành chính phải tự thân vận động hoặc hỏi người xung quanh; còn chính phủ điện tử thì hầu như không có chương trình truyền thông hiệu quả nào đến người dân.
Những trang web cung cấp dịch vụ công cấp độ 3 và 4 rất tiềm năng như egov.hanoi.gov.vn; dichvucong.hochiminhcity.gov.vn; dichvucong.thuathienhue.gov.vn lại ít được phổ biến đủ rộng rãi.
Điều đó cho thấy, chúng ta đang khá chậm trong việc truyền thông và hướng dẫn người dân tiếp cận với chính phủ truyền thống lẫn chính phủ điện tử.
Kết luận: Có tiềm năng, nhưng cần có những chương trình kích hoạt từ chính phủ.
3. Sự sẵn có của nội dung và dịch vụ công trực tuyến
Ở cấp độ 1 và 2, các nội dung trực tuyến của chính phủ rất đầy đủ, nhưng lại không thuận tiện và không đồng bộ. Khi tìm hiểu một số thủ tục và quy định, những trang web hiện ra không phải là của chính phủ, và mỗi trang web lại trình bày một kiểu.
Hoặc, khi truy cập vào các cổng thông tin chính phủ, những nội dung được sắp xếp không thân thiện với người đọc, thậm chí những nội dung này chỉ là những văn bản, nghị định mà người dân bình thường sẽ khó có thể đọc hiểu.
Ở cấp độ 3 và 4, dịch vụ công trực tuyến nước ta cũng có rất nhiều tiến bộ. Các dịch vụ công được đưa lên trực tuyến liên tục, hiện nay bạn có thể đăng ký khai sinh trên mạng, cấp mới, cấp lại, cấp đổi hộ chiếu trên mạng, đăng ký xe ô tô qua mạng, v.v..
Theo thống kê của Văn phòng chính phủ, trong quý 1/2018, dịch vụ công cấp độ 3 và 4 các cấp nước ta vào khoảng 47.000 dịch vụ. Tuy nhiên trong đó số lượng dịch vụ được người dân sử dụng chỉ khoảng 5.000 dịch vụ (chỉ khoảng 10%). Thậm chí, con số này còn giảm mạnh so với quý 4/2017.
Việc người dân sử dụng ít có thể giải thích bằng việc truyền thông chưa hiệu quả.
Để giải thích hiện tượng này, có thể chỉ ra ngay 2 lý do:
Thứ nhất là về trải nghiệm người dùng: với Grab, bạn chỉ cần ấn vài ba nút là đặt được ngay 1 chuyến taxi; với Tiki, bạn chỉ cần 5 phút là mua được món hàng bạn yêu thích, và nhận hàng ngay sau 2 tiếng; còn với các dịch vụ công trực tuyến, người dùng có thể mất cả giờ đồng hồ để tìm hiểu và nộp đơn.
Thuận tiện cho người dùng là tiêu chí quan trọng trong thời đại số hiện nay - đây là bài học xương máu của những hãng công nghệ.
Thứ hai là việc tư vấn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Rất nhiều hồ sơ trực tuyến điền thông tin không đúng, khiến cơ quan chính phủ phải trả hồ sơ và mời họ lên làm việc trực tiếp. Đây là vấn đề đã nói trong mục 2.
Kết luận: Nhiều về số lượng, nhưng còn yếu về chất lượng.
Qua 3 tiêu chí trên, ta có thể thấy tình hình phát triển chính phủ điện tử nước ta, dịch vụ tương đối nhiều, nhưng cũng còn rất nhiều điều phải cải thiện, chỉn chu. Cả 3 khía cạnh, chúng ta đều nằm ở mức trung bình, đó là lý do chúng ta cũng xếp trung bình trong bảng xếp hạng các quốc gia phát triển chính phủ điện tử.
Trong bài tiếp theo, hãy cùng tìm hiểu sâu vào hiện trạng chính phủ điện tử ở thành phố Hồ Chí Minh, và đưa ra những giải pháp phát triển cụ thể.
Surphi10