Chính phủ điện tử (Phần 4): TP Hồ Chí Minh - thành tựu và hướng đi


Thành phố Hồ Chí Minh đang chuyển mình rất mạnh mẽ để trở thành một đô thị thông minh với hệ thống chính phủ điện tử hiện đại. Trong 3 năm qua, chính phủ điện tử thành phố đã có những bước tiến lớn, với thành tựu đáng kể.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều điều cần cải thiện để đạt được mục tiêu năm 2020 - xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thành đô thị thông minh đầu tiên ở Việt Nam, với 1 trong 4 trụ cột chính là chính phủ điện tử.

1. Thành tựu

Năm 2017, theo Hội Truyền thông số Việt Nam, TP Hồ Chí Minh xếp thứ 5 toàn quốc về mức độ phát triển Chính phủ điện tử, sau Huế, Đà Nẵng, Lâm Đồng, và Quảng Ninh. Mức độ này được đánh giá qua tỷ lệ trực tuyến hóa dịch vụ công và tỷ lệ hồ sơ trực tuyến được xử lý đúng hạn.

Thành phố Hồ Chí Minh có cơ sở hạ tầng viễn thông và trình độ dân trí thuộc tốp đầu cả nước, tuy nhiên bộ máy quản lý đồ sộ và phức tạp khiến thành phố chỉ đứng thứ 5.

Chính phủ điện tử Hồ Chí Minh được cung cấp qua:

  • Cổng thông tin chung của thành phố: hochiminhcity.gov.vn

Đây là nơi cập nhập thông tin, tin tức, và kế hoạch chung từ chính quyền thành phố. Cổng thông tin này đạt mức độ chính phủ điện tử cấp độ 1 và 2. Từ trang web này, có thể truy cập đến tất cả cổng thông tin nhỏ khác trong thành phố.

  • Cổng thông tin thủ tục hành chính, và cổng tiếp nhận, xử lý hồ sơ dịch vụ công trực tuyến chung của thành phố: dichvucong.hochiminhcity.gov.vn và thutuchanhchinh.hochiminhcity.gov.vn

Thutuchanhchinh.hochiminhcity.gov.vn là địa chỉ thông tin và hướng dẫn về thủ tục hành chính (cấp độ 2), cũng như là nơi tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về các thủ tục hành chính của người dân.

Dichvucong.hochiminhcity.gov.vn là địa chỉ tiếp nhận và xử lý hồ sơ, cung cấp dịch vụ công trực tuyến của thành phố. Người dân sẽ nộp hồ sơ trực tiếp trên trang web này để đăng ký các loại giấy tờ, hoàn thành các thủ tục hành chính, hoặc được trang web dẫn đến các trang web khác để xử lý như hotichtructuyen.moj.gov.vn (đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn trực tuyến). Chủ yếu các dịch vụ mới chỉ nằm ở cấp độ 3, tức nộp hồ sơ và hẹn lịch đến cơ quan cụ thể giải quyết. Chỉ một số ít thủ tục hành chính và dịch vụ công được cung cấp ở cấp độ 4.

  • Hệ thống các cổng thông tin của của quận: cấu trúc - [tên quận].hochiminhcity.gov.vn.

Ví dụ: govap.hochiminhcity.gov.vn, binhthanh.hochiminhcity.gov.vn, quan1.hochiminhcity.gov.vn, …

Trang thông tin riêng của từng quận được quản lý cục bộ. Mức độ hoàn thiện của các trang này tùy thuộc vào từng quận. Trong đó:

Quận 1 có cổng thông tin hoàn thiện nhất với các dịch vụ công cấp độ 4: người dân có thể đăng ký hộ tịch (khai sinh, khai tử, kết hôn), đăng ký kinh doanh, đăng ký lao động, đăng ký xây dựng, đăng ký an toàn vệ sinh thực phẩm hoàn toàn trực tuyến, từ khâu nộp hồ sơ, thanh toán, đến nhận kết quả.

Cổng thông tin của của quận 1 cũng có kênh giao tiếp trực tuyến rất đầy đủ, từ phản ánh rác thải, tiếng ồn, kinh doanh quá giá, vấn đề trong thủ tục hành chính đến cướp giật, bạo hành gia đình v.v.. Cùng với đó là những thông tin được tổ chức và trình bày rất được đầu tư, từ những tin tức chính trị - xã hội cho đến những thông tin về địa điểm tham quan, du lịch.

Quận 12 cũng có một cổng thông tin rất được đầu tư. Tuy chưa thể đạt được mức hoàn thiện như quận 1, nhưng quận 12 lại có một điểm rất riêng là kênh giao tiếp Facebook rất được quan tâm.

Những quận khác đa số mới dừng lại ở mức độ 1 và 2. Nhiều quận tỏ ra không mấy mặn mà với cổng thông tin của mình, khi trang web không được đầu tư, ít thông tin và còn xảy ra nhiều lỗi khi truy cập.

Những con số

100% thủ tục hành chính và dịch vụ công của thành phố Hồ Chí Minh đã đạt từ cấp 2 trở lên. Trong đó có 278 dịch vụ công mức độ 3 (chiếm 22%), và 120 dịch vụ công mức độ 4 (chiếm 10%).

Năm 2018, trang dichvucong.hochiminhcity.gov.vn đã tiếp nhận gần 480.000 hồ sơ trực tuyến, và đã xử lý hơn 210.000 hồ sơ. Với tỷ lệ 83% đúng hạn.

Theo khảo sát người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, 509 trường hợp hài lòng về dịch vụ (chiếm 69%), và chỉ 41 trường hợp không hài lòng (chiếm 6%).

2. Hướng đi

Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa, trong báo cáo về chính phủ điện tử năm ngoái đã nêu ra thực trạng: các đơn vị vẫn nặng chạy đua về số lượng dịch vụ công trực tuyến được cung cấp, trong khi cái cần là về chất lượng, số lượng các hồ sơ được xử lý trực tuyến.

Nhìn con số thống kê của thành phố Hồ Chí Minh, ta có thể thấy số lượng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4 chưa cao, mới chỉ dừng ở mức 32% và gần 400 dịch vụ.

Số lượng hồ sơ trực tuyến vẫn còn rất nhỏ so với lượng hồ sơ hành chính của cả thành phố. Các cổng thông tin lớn của thành phố, còn gặp lỗi ít nhiều, nhiều chỗ còn khó sử dụng. Và kênh giao tiếp với người dân còn chưa được chú trọng phát triển.

Những hạn chế này đặt cho thành phố Hồ Chí Minh 2 vấn đề lớn cần cải thiện để phát triển chính phủ điện tử cao hơn nữa:

Về giao diện và quy trình

Giao diện và quy trình hiện tại của những cổng thông tin đã đạt chất lượng khá, nhưng khi so sánh với các chính phủ điện tử tiên tiến trên Thế Giới như Estonia hay Singapore chúng ta cần học hỏi nhiều.

Thành phố Hồ Chí Minh đang phát triển chữ ký số và dữ liệu số, giúp việc điền hồ sơ trực tuyến trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn. Hy vọng trong tương lai gần, chúng ta có thể giống Estonia, mỗi lần điền hồ sơ chỉ cần nhập chữ ký số, không cần phải nhập lại toàn bộ thông tin cá nhân như hiện giờ. Rút ngắn việc thực hiện thủ tục hành chính chỉ còn vài phút.

Ngoài ra, cũng phải chú trọng phát triển đồng bộ chính phủ điện tử ở các quận, trước mắt là giải quyết những lỗi trên các cổng thông tin. Đầu tư hơn vào phần hình thức, và đặc biệt là phần phân loại, khung tìm kiếm, giúp người dân dễ dàng khai thác thông tin trên các cổng thông tin này.

Về truyền thông và hướng dẫn người dân

Xây dựng chính phủ điện tử đã khó, truyền thông và hướng dẫn cho người dân sử dụng càng khó hơn. Hiện nay, mức độ nhận biết của người dân thành phố Hồ Chí Minh về những cổng thông tin chính quyền phía trên chưa cao, và cũng dừng lại mức đa phần giới trẻ sử dụng.

Học hỏi Singapore, chúng ta có thể trang bị thêm máy tính và chuyên viên tư vấn ở các trụ sở hành chính, giúp người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng chính phủ điện tử hơn.

Ngoài ra, các cơ quan cũng nên chú trọng hơn vào việc giao tiếp với người dân. Kênh giao tiếp trên website tuy chính thống nhưng không tiếp cận được nhiều người như mong muốn, cũng không mấy thuận tiện. Nhiều quận đã sử dụng Facebook như là một kênh giao tiếp với người dân và đang tỏ ra khá khả quan. Đây là 1 hướng đi nên được cân nhắc.

Việc cần làm hiện giờ rất nhiều, từ cơ sở hạ tầng, quy trình quản lý đến khâu truyền thông, nhưng thời gian còn lại thì khá ít, vỏn vẹn 2 năm để đuổi kịp kế hoạch năm 2020 - xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thành đô thị thông minh đầu tiên ở Việt Nam, với 1 trong 4 trụ cột chính là chính phủ điện tử.

Tuy khó, nhưng không phải là không thể. Nếu xây dựng thành công thành phố thông minh năm 2020, đây sẽ là một bước tiến lớn cho Việt nam.

Surphi10