Phác họa khung kiến trúc chính quyền điện tử TPHCM
Từ năm 2018, cùng với thực hiện song song đề án “Thành phố thông minh”, trên nền tảng dữ liệu số hóa, tận dụng kênh mạng xã hội và thiết bị điện thoại thông minh, TPHCM đặt ra mục tiêu cung cấp dịch vụ công thông minh mọi lúc mọi nơi cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, việc xây dựng khung kiến trúc cho chính quyền điện tử (CQĐT) thành phố là bước tiên phong, cần thiết.
4 giai đoạn đến CQĐT thông minh
Lần đầu tiên, dưới sự chủ trì của UBND TPHCM, Sở TT-TT TP đã tổ chức Hội nghị chuyên đề Kiến trúc CQĐT TP nhằm phổ biến cho các sở ban ngành và địa phương tầm nhìn chiến lược định hướng xây dựng đô thị thông minh.
Hội nghị bàn về việc xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử (CQĐT) của TPHCM ở mức tổng thể, làm cơ sở để các sở ban ngành, quận/huyện và phường/xã có thể tham chiếu khi tự phát triển, nâng cấp, kết nối và triển khai các hệ thống thông tin tại đơn vị.
Đại diện Sở TT-TT TP cho biết, định hướng thiết kế CQĐT là linh động, có thể mở rộng và phù hợp thực tiễn. Trong đó, nguyên tắc xây dựng kiến trúc CQĐT TP phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, liên thông của các hệ thống CNTT của TP nhằm theo kịp sự phát triển nhanh chóng của giải pháp công nghệ mới như dữ liệu lớn, ảo hóa, điện toán đám mây, IoT...
Trước đó, TPHCM cũng đã xác định xây dựng đô thị thông minh lấy CQĐT làm trung tâm để cung cấp các dịch vụ công tốt hơn, đặc biệt là dịch vụ hành chính công.
Theo Phó giám đốc Sở TT-TT TPHCM Võ Thị Trung Trinh, từ năm 2010, TP đã tập trung xây dựng CQĐT liên thông trên cơ sở triển khai hệ thống “một cửa điện tử”, “một cửa liên thông” với nhiều dịch vụ công trực tuyến.
Đến nay, TP đã liên thông hơn 3 triệu văn bản điện tử giữa 750 cơ quan; cấp 21.600 thư điện tử cho các đơn vị và cán bộ, công chức; áp dụng hơn 40 phần mềm quản lý, cung cấp thông tin trực tuyến cho người dân về quản lý đô thị, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đăng ký sử dụng lao động, quản lý hồ sơ chứng thực, đất đai, quản lý khiếu nại - tố cáo…
Bắt đầu từ năm 2018, mục tiêu là chuyển qua CQĐT di động và triển khai dịch vụ công mức độ 4 trên kênh điện thoại thông minh, với độ tương tác cao hơn.
Theo chiến lược trung hạn, TPHCM tiến đến xây dựng CQĐT thông minh trong các năm 2020 đến 2025, trên cơ sở công nghệ dữ liệu lớn, dữ liệu mở, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây và tận dụng kênh mạng xã hội để cung cấp các dịch vụ công thông minh cho người dân và doanh nghiệp.
Sau mốc năm 2025 là giai đoạn CQĐT cá nhân hóa, khi các dịch vụ công được thực hiện tự động bởi các tương tác giữa máy và máy.
Không có mô hình mẫu
Dễ nhận thấy, những tiền đề của CQĐT mà quận 12 đang thực hiện đã phục vụ tối đa nhu cầu người dân và doanh nghiệp. Quận đã bước đầu xây dựng 2 hệ thống cơ sở dữ liệu gồm dữ liệu công dân và dữ liệu hạ tầng với rất nhiều thông tin được kết nối với nhau về nhân thân, hộ tịch, tình trạng việc làm, quyền sở hữu đất đai, hồ sơ y tế, giáo dục…
Địa phương này cũng đang tập trung xây dựng nhiều phần mềm quản lý cán bộ công chức, quản lý tạm trú - tạm vắng, nhân khẩu, quản lý tài sản, cây xanh và cho ứng dụng IoT.
Tại quận 1 cũng đã đẩy mạnh công tác triển khai hiện đại hoá nền hành chính, ra mắt nhiều dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4, như cấp giấy phép xây dựng và cung cấp thông tin quy hoạch trực tuyến kết hợp bản đồ quy hoạch trực tuyến, cho phép người dân tra cứu thông tin quy hoạch, minh bạch việc sử dụng đất và chỉ tiêu cấp giấy phép xây dựng…
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở TT-TT TPHCM, bên cạnh các điểm sáng về giải pháp triển khai ở từng đơn vị thì các hệ thống thông tin chuyên ngành hiện còn rời rạc, không đồng bộ, cơ sở dữ liệu phân tán, trùng lặp, thiếu nhất quán và tỷ lệ số hóa còn thấp; khả năng tích hợp dữ liệu cũng còn thấp, trên thực tế gần như thiếu sự chia sẻ giữa các sở ngành, quận, huyện, cơ quan, đơn vị…
Để đáp ứng một phần nhu cầu nghiệp vụ, TP đã xây dựng một số cơ sở dữ liệu dùng chung ở cấp TP nhưng chưa đủ để hỗ trợ liên thông nghiệp vụ và nhất là để đáp ứng định hướng của TP lấy dữ liệu làm nền tảng để xây dựng đô thị thông minh. Do đó, kiến trúc dữ liệu tổng thể kết nối, không trùng lắp, không rời rạc là cấu phần quan trọng nhất của kiến trúc CQĐT TP.
Bà Võ Thị Trung Trinh cũng lưu ý các địa phương không thực hiện CQĐT dàn trải, tập trung vào các dịch vụ người dân và doanh nghiệp cần. Song do nhu cầu người dân ở mỗi khu vực khác nhau nên khó đem cách làm ở nơi này áp dụng toàn bộ sang nơi khác.
Vì thế, TP cho phép quận, huyện tự điều chỉnh phần nào hệ thống quản lý văn bản, một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến sao cho phù hợp tình hình địa bàn, thuận tiện trong điều hành nội bộ.
Tất nhiên, tất cả hệ thống phải theo khung thiết kế cơ bản và bảo toàn nguyên tắc thông suốt dữ liệu; với phần mềm bắt buộc đảm bảo cấp trên có thể thấy rõ quá trình và thời gian xử lý hồ sơ.
Gia Quảng - SGGP