LED hóa chiếu sáng công cộng, TP.HCM tiết kiệm hàng chục tỷ đồng mỗi năm


Theo tính toán, đèn LED giảm được khoảng 60% công suất so với đèn hiệu suất cao HPS đang sử dụng cho chiếu sáng công cộng hiện nay nên sẽ tiết kiệm được cho ngân sách thành phố hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

1533442210-1.jpg

Hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho chiếu sáng công cộng tại TP.HCM

Trước tình trạng tất cả các quốc gia trên thế giới phải đối mặt với vấn đề an ninh năng lượng thì tiết kiệm năng lượng là yêu cầu bắt buộc với mỗi thành phố.

Trong các nguồn tiêu thụ năng lượng, điện năng dùng cho chiếu sáng chiếm tỷ lệ không nhỏ. Trên thế giới điện năng dùng cho chiếu sáng chiếm khoảng 16 - 17% tổng điện năng tiêu thụ.

Tại Việt Nam tỷ lệ này lên tới khoảng 35%. Trong đó, hệ thống chiếu sáng công cộng đang tiêu tốn nhiều năng lượng do thiết kế, lắp đặt thiết bị và sử dụng chiếu sáng chưa hiệu quả.

Theo số liệu của Sở GTVT TP.HCM, hiện nay Sở GTVT TP.HCM đang quản lý gần 161.400 bộ đèn chiếu sáng công cộng. Phần lớn trong số đó là các đèn HPS khác nhau với công suất từ 50W đến 400W. Cơ cấu các loại đèn chiếu sáng như vậy khiến cho ngân sách tiêu tốn cho chiếu sáng công cộng rất lớn. Điện năng cho chiếu sáng công cộng của TP.HCM trong năm 2017 lên tới 93 triệu kWh, tương đương với 180 tỷ đồng.

Ông Đỗ Diệp Gia Hợp, Phó trưởng phòng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ - Sở GTVT TP.HCM, cho biết: “Đó chỉ là số đèn chiếu sáng công cộng mà Sở GTVT quản lý. Nếu tính toàn bộ hệ thống chiếu sáng công cộng tại TP.HCM, con số này có thể gấp đôi như vậy.”

Đèn LED: Lời giải cho bài toán chiếu sáng thông minh

Theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN - Sở KH&CN TP.HCM, xu hướng chung của thế giới hiện nay là sử dụng đèn LED để thay thế cho các loại đèn cao áp trong chiếu sáng công cộng để tiết kiệm điện năng.

Tại Mỹ, đầu năm 2014, đạo luật cấm kinh doanh và nhập khẩu bóng đèn dây tóc đã chính thức có hiệu lực và thay bằng các loại bóng đèn khác tiết kiệm năng lượng hơn như bóng đèn LED, đèn halogen. 

Nhật Bản cũng đang hướng đến mục tiêu đèn LED sẽ thay thế hoàn toàn các loại đèn truyền thống. Tại Nhật Bản, cứ 7 trên 10 chiếc đèn được bán ra là đèn LED.

1533442494-led-lamp-posts-e1332670138475.jpg

Không chỉ tiết kiệm đáng kể chi phí cho chiếu sáng, sử dụng đèn tiết kiệm còn được các chuyên gia nhận định sẽ giảm áp lực an ninh năng lượng, hạn chế nhiên liệu hóa thạch và góp phần không nhỏ bảo vệ môi trường.

Từ năm 2016 đến nay, Sở GTVT TP.HCM đang triển khai thay thế đèn HPS đã hết hạn sử dụng bằng đèn LED. Các hệ thống xây dựng mới bắt buộc phải sử dụng đèn LED để tiết kiệm điện năng. Số lượng đèn chiếu sáng công cộng sử dụng công nghệ LED tại TP.HCM hiện nay gần 18.000 bộ.

Đánh giá về hiệu quả tiết kiệm năng lượng của đèn LED, ông Hợp cho biết: “Với cùng chỉ số phát quang, công suất đèn LED chỉ bằng 50% đèn HPS. Ngoài ra, đèn LED có thể cài đặt chương trình tiết giảm năng lượng theo thời gian, giảm được 20% so với sử dụng 100% công suất. Như vậy, việc sử dụng đèn LED sẽ giảm được 60% điện năng so với đèn HPS như hiện nay.”

Với số tiền 180 tỷ đồng dùng cho chiếu sáng công cộng, giải pháp này có thể tiết kiệm cho thành phố đến hàng chục tỷ năm mỗi năm. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng sử dụng năng lượng hiệu quả trong đề án xây dựng TP.HCM thành thành phố thông minh, đồng thời mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp, startup.

Tuy nhiên, việc triển khai thay thế đèn chiếu sáng công cộng bằng đèn LED còn gặp nhiều khó khăn như giá thành đèn LED còn cao, tiêu chuẩn kỹ thuật đèn LED chiếu sáng công cộng chưa được ban hành đầy đủ… Ngoài ra, đa số sản phẩm phải nhập nguyên bộ hoặc nhập linh kiện về lắp ráp nên khó kiểm soát được chất lượng và giá thành.

Về vấn đề này, ông Tước nói: “Các loại đèn LED hiện nay đã phát triển lên những thế hệ mới. Bởi vậy, chúng ta cần có sự cập nhật, kiểm soát tiêu chuẩn với đèn LED, tránh nhập các loại đèn thế hệ cũ, vừa không hiệu quả lại gây méo mó thị trường.”

Ông Hợp cũng đề xuất cần có quy hoạch quy hoạch chiếu sáng đường phố theo kế hoạch xây dựng thành phố thông minh; ban hành quy chuẩn kỹ thuật và định mức sử dụng đèn LED; dán nhãn năng lượng cho đèn LED chiếu sáng công cộng và đẩy mạnh công tác hậu kiểm. Đặc biệt, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào lĩnh vực này để có sản phẩm chất lượng, giá thành hợp lý cũng hết sức cần thiết.

Phạm Sơn - Khampha.vn

Bài gốc