Đổi mới sáng tạo - Ánh sáng cuối đường hầm cho nền kinh tế


Tháng 7 vừa qua, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố báo cáo lần thứ 11 xếp hạng 126 nền kinh tế sáng tạo trên thế giới. Việt Nam xếp thứ 45/126, một thứ hạng có thể được xem là tin tốt lành cho kinh tế sáng tạo Việt Nam.

So với 30 nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam xếp thứ 2 sau Ukraine, và trên mức trung bình của khu vực. Tuy nhiên, so với 15 nền kinh tế khu vực châu Á và châu Đại Dương, Việt Nam xếp thứ 10 và đạt mức dưới trung bình so với khu vực.

hoithaodoimoisangtao.jpg

Điều gì đang đẩy kinh tế sáng tạo Việt Nam về phía trước, và điều gì đang gây trì trệ cho sự phát triển của kinh tế sáng tạo Việt Nam? Đâu là vài chìa khóa có thể làm thay đổi vận mệnh của một nền kinh tế sáng tạo theo các chỉ số báo cáo này?

Nghĩ đúng về đổi mới sáng tạo

Đổi mới sáng tạo, theo định nghĩa được chấp nhận chung do Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đưa ra là việc triển khai một sản phẩm (hàng hóa/dịch vụ) mới hay được cải tiến vượt bậc, một quy trình mới, một hình thức tiếp thị mới, một phương pháp tiếp cận mới về hình thức kinh doanh, hình thức tổ chức doanh nghiệp, hoặc quan hệ hợp tác bên ngoài.

Với định nghĩa này, sáng tạo không chỉ dừng lại ở việc thực hiện các hoạt động R&D (Research & Development - nghiên cứu phát triển) nhằm tạo ra các phát minh hoàn toàn mới. Đổi mới sáng tạo có thể đến từ việc áp dụng một tổ hợp các công nghệ mới, có thể là sự cải tiến dần và có thể không liên quan đến ngân sách đầu tư R&D.

Khi hiểu được định nghĩa này về đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp và cơ quan chức năng sẽ giảm đi rất nhiều áp lực mang đến do sự mơ hồ và hiểu đúng rằng sáng tạo bao gồm sự cải tiến tốt hơn về nhiều phương diện trong hoạt động hiện tại của tổ chức, doanh nghiệp, về sản phẩm, quy trình, công tác tổ chức quản lý, công tác tiếp thị và phát triển kinh doanh...

Như vậy, sáng tạo không phải là hàng xa xỉ dành cho doanh nghiệp lớn có ngân sách cao. Sáng tạo có thể không cần ngân sách. Sáng tạo là một tư duy, là văn hóa, và là sự nỗ lực liên tục để tốt hơn một chút mỗi ngày.

Phát minh là một phần của sáng tạo. Đối với các startup muốn tái định nghĩa một ngành nghề, hoặc đối với các doanh nghiệp dẫn đầu, việc đầu tư vào R&D để cải tiến hay phát minh ra sản phẩm mới là hoạt động cần thiết nhằm thay đổi cuộc chơi. Tuy nhiên, không có ngân sách này không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp hay tổ chức bị dán nhãn là không sáng tạo.

Những đàn anh về sáng tạo

Tốp 10 những nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới không thay đổi mấy, có chăng là hoán đổi vị thế trước sau. Năm 2018, tốp 10 theo thứ tự xếp hạng bao gồm Thụy Sỹ, Hà Lan, Thụy Điển, Anh, Singapore, Mỹ, Phần Lan, Đan Mạch, Đức, Ireland. Singapore là nền kinh tế châu Á duy nhất lọt vào tốp 5 và tốp 10.

Trong tốp 20 của thế giới có thêm bốn nền kinh tế châu Á khác là Hàn Quốc (12), Nhật Bản (13), Hồng Kồng (14), và Trung Quốc (17). Khi nhìn vào xếp hạng khu vực Trung Á và Nam Á, ba nền kinh tế dẫn đầu là Ấn Độ, Iran, và Kazakhstan. Dẫn đầu khu vực Đông Á và châu Đại Dương là Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trong báo cáo lần thứ 11 về chỉ số sáng tạo toàn cầu năm nay, Trung Quốc lần đầu tiên và là nền kinh tế duy nhất trong khu vực các quốc gia có thu nhập trung bình lọt vào tốp 20 của thế giới. Thành tựu này là nhờ chính sách đầu tư tập trung và quyết liệt của Trung Quốc vào các hoạt động R&D.

Cũng trong năm nay, nếu tính về số lượng bằng phát minh, số lượng nhà nghiên cứu, và số lượng các bài công bố nghiên cứu khoa học trên thế giới, Trung Quốc dẫn đầu, qua mặt Mỹ là đàn anh trong các lĩnh vực này từ trước đến nay.

Việt Nam - điểm sáng và vệt tối trong đổi mới sáng tạo

Để xếp hạng chỉ số sáng tạo, WIPO dựa vào bảy chủ đề chính và 80 chỉ số nhỏ. Bảy chủ đề chính bao gồm năm chủ đề đánh giá hiệu quả đầu vào của đổi mới sáng tạo bao gồm các chủ đề về thể chế (môi trường chính trị, luật pháp, kinh doanh), nguồn vốn con người và nghiên cứu, cơ sở hạ tầng, mức độ phát triển của thị trường, mức độ phát triển của doanh nghiệp. Hai chủ đề đánh giá hiệu quả đầu ra của đổi mới sáng tạo bao gồm hiệu quả đầu ra của tri thức và công nghệ, hiệu quả đầu ra của sản phẩm sáng tạo.

Đối với hiệu quả đầu ra của tri thức và công nghệ, Việt Nam xếp hạng thứ 41, tuy là tụt 3 hạng so với năm 2017 nhưng vẫn được đánh giá cao về chủ đề này. Trong đó, ba yếu tố chính giúp Việt Nam đạt được thứ hạng này là mức tăng trưởng GDP xếp hạng 6/126, tỷ lệ xuất khẩu công nghệ cao trên tổng giá trị xuất khẩu xếp hàng đầu thế giới nhờ vào việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài lớn về sản xuất sản phẩm công nghệ cao.

Đối với hiệu quả đầu ra của sản phẩm sáng tạo, Việt Nam xếp hạng 46/126, chủ yếu có sự đóng góp của ba chỉ số bao gồm hoạt động đăng ký nhãn hiệu hàng hóa (18/126), xuất khẩu sản phẩm sáng tạo (7/126) nhờ vào việc thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất và xuất khẩu hàng thiết kế thời trang, phụ kiện thời trang, và số lượng tạo mới ứng dụng di động - mobile app (16/126).

Ngược lại, Việt Nam xếp hạng rất thấp trong năm chủ đề về hiệu quả đầu vào, cho thấy sự đầu tư chưa đúng mức của quốc gia đối với nền kinh tế sáng tạo. Về thể chế (môi trường chính trị, luật pháp, kinh doanh), Việt Nam xếp hạng 78/126, và chỉ số tệ nhất trong chủ đề này là môi trường kinh doanh xếp hạng 103/126.

Về nguồn nhân lực và nghiên cứu, Việt Nam xếp hạng rất thấp về chất lượng giáo dục bậc cao đẳng và đại học (84/126), và khả năng thu hút sinh viên quốc tế (99/126).

Về cơ sở hạ tầng, Việt Nam xếp hạng 89 đối với khả năng tiếp cận ngành ICT - công nghệ thông tin và truyền thông, và xếp hạng 103 về gìn giữ môi trường.

Về mức độ phát triển thị trường, môi trường đầu tư tại Việt Nam xếp hạng 109/126, đặc biệt trong vấn đề môi trường luật pháp để bảo vệ nhà đầu tư nhỏ.

Về mức độ phát triển kinh doanh ngành kinh tế sáng tạo, Việt Nam xếp hạng cực thấp về việc thuê nhân công có sử dụng tri thức cao (95/126), số lượng bằng phát minh (98/126), và nhập khẩu dịch vụ ICT - công nghệ thông tin và truyền thông (122/126).

Về hiệu quả đầu ra của sáng tạo, tuy được đánh giá cao một số chỉ số như trên, Việt Nam hiện đang bị thế giới bỏ xa trong một số chỉ số như khả năng tạo ra mô hình kinh doanh mới nhờ vào ngành ICT (80/126), số lượng phim truyện do Việt Nam sản xuất (98/126), tỷ lệ domain - tên miền tạo ra trên đầu người (73/126). Điều này cho thấy mức độ sáng tạo còn rất thấp của Việt Nam so với khu vực và thế giới.

Rồi sao nữa?

Một nền kinh tế sáng tạo không thể được hình thành chỉ bằng ý chí, càng không thể được hình thành bằng khẩu hiệu, tuyên truyền. 80 chỉ số được đánh giá đòi hỏi một quốc gia phải tập trung đầu tư hiệu quả đầu vào và nâng cao hiệu quả chỉ số đầu ra.

Những điều Việt Nam đang thực hiện rất thiếu hiệu quả, như chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực và nghiên cứu, như môi trường kinh doanh, đầu tư, là những vấn đề cần phải được đặt lên hàng đầu, được xem xét đưa vào chiến lược phát triển của quốc gia, và cần được đưa ra như KPI - chỉ số đánh giá kết quả thực hiện của các cơ quan liên quan trong chiến lược phát triển chung của đất nước.

Các quốc gia trong khu vực đang hết sức tập trung và đầu tư quyết liệt, như sự xuất hiện đầy ngỡ ngàng năm 2018 của Trung Quốc, sự tăng hạng không ngừng đến gần tốp 25 của Malaysia (35/126), và sự phát triển vượt bậc của Thái Lan và Mông Cổ so với tốc độ phát triển tương ứng về kinh tế (top 20 các nền kinh tế phát triển vượt bậc về sáng tạo theo WIPO).

Đó là chưa kể đến việc chúng ta xem như vị thế dẫn đầu của các nền kinh tế Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông là đương nhiên trong khu vực. Một bước chậm của Việt Nam trong một ngày của hành trình vươn về phía trước, sẽ là hàng chục năm bước lùi về phía sau trong cuộc đua đổi mới sáng tạo này. Hơn bao giờ hết, áp lực thay đổi và thay đổi với tốc độ ánh sáng không cho phép chúng ta loay hoay nữa.

Nguyễn Phi Vân - Thesaigontimes

Bài gốc

Xem thêm