Sắp lưu hành vaccine ‘made in Vietnam’ phòng cúm mùa, cúm đại dịch
Kết quả thử nghiệm cho thấy, vaccine phòng cúm mùa và vaccine phòng cúm đại dịch sản xuất tại Việt Nam đều an toàn và có khả năng tạo đáp ứng miễn dịch ở người trưởng thành khỏe mạnh.
TS. Lê Văn Bé, Viện trưởng Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) cho biết, Viện đã thực hiện thành công các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cho 2 loại vaccine cúm do Viện sản xuất và đang trong quá trình nộp hồ sơ xin đăng ký lưu hành các vaccine này. Dự kiến, 2 vaccine sẽ được cấp phép lưu hành vào năm 2019.
Đây là kết quả của 9 năm hợp tác quốc tế của Bộ Y tế cũng như IVAC nhằm nâng cao năng lực sản xuất vaccine và khả năng sẵn sàng ứng phó đại dịch của Việt Nam.
Đó là vaccine cúm mùa bất hoạt tam giá phòng 3 chủng cúm gồm A/H1N1, A/H3N2, B và vaccine cúm tiền đại dịch bất hoạt A/H5N1 - một loại chủng cúm gia cầm đã rải rác lây truyền sang người trong những năm qua. Cả 2 vaccine này đều an toàn và có khả năng tạo đáp ứng miễn dịch ở người trưởng thành khỏe mạnh.
Theo IVAC, cúm mùa là nguyên nhân gây ra tới 650.000 ca tử vong và khoảng 3-5 triệu trường hợp mắc bệnh nghiêm trọng trên toàn thế giới hằng năm. Riêng Việt Nam mỗi năm có hơn 1 triệu ca bị hội chứng cúm.
Thực tế cho thấy, các chủng cúm có sức hủy diệt mạnh mẽ, xuất hiện và gây ra các đợt bùng phát lan rộng ở nhiều nơi trên thế giới. Đại dịch cúm lớn xảy ra gần đây có tác động đến Việt Nam là đại dịch cúm A/H1N1 năm 2009, kéo dài trong vòng 12 tháng, đã gây ra hơn 284.000 ca tử vong trên toàn thế giới, trong đó có 78.000 người ở khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam từ trước tới nay đã thiếu nguồn cung cấp vaccine cúm bền vững và buộc phải dựa vào các nhà sản xuất nước ngoài. Cách tốt nhất để đảm bảo sự tiếp cận của Việt Nam với vaccine chính là tự mình sản xuất với mức giá hợp lý, từ đó giúp duy trì năng lực sản xuất liên tục. Việc duy trì năng lực sản xuất liên tục sẽ lại làm tăng khả năng chuẩn bị ứng phó đại dịch do việc dễ dàng chuyển đổi từ sản xuất vaccine cúm mùa sang sản xuất vaccine cúm đại dịch nếu cần.
Từ năm 2010, Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PATH) đã hợp tác với Bộ Y tế xây dựng kế hoạch dài hạn liên quan đến sản xuất và sử dụng vaccine cúm, hướng dẫn thử nghiệm lâm sàng và hướng dẫn đăng ký vaccine cúm.
PATH cũng phối hợp với Cơ quan Nghiên cứu phát triển tiên tiến về y sinh học (BARDA) và WHO hỗ trợ IVAC phát triển sản xuất vaccine cúm mùa và cúm tiền đại dịch sử dụng công nghệ trứng gà có phôi. Bên cạnh đó, PATH cũng hỗ trợ Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) phát triển vaccine cúm tiền đại dịch A/H5N1 bất hoạt sử dụng công nghệ nuôi cấy trên tế bào.
Giữa năm 2017 và 2018, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2/3 vaccine cúm mùa của IVAC để phòng 3 chủng cúm, và vaccine cúm A/H5N1 đã được hoàn thành. Đây là đánh giá cuối cùng trước khi các vaccine có thể được cấp phép để lưu hành.
Thành công trong việc việc sản xuất vaccine cúm bền vững đã giúp Việt Nam trở thành nhà tiên phong trong số các nước có thu nhập thấp và trung bình về phát triển và sản xuất vaccine. Những nỗ lực của IVAC trong việc tự sản xuất vaccine cúm trong nước không chỉ mang lại lợi ích cho người dân Việt Nam, mà còn giúp tăng nguồn cung ứng vaccine cúm trong khu vực và trên thế giới.
Cuối tháng 8 vừa qua, tại hội thảo về dự án sản xuất vaccine cúm mùa ở quy mô công nghiệp tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông báo, vaccine cúm mùa do Việt Nam sản xuất đã có đơn hàng đầu tiên của WHO.
Việt Nam là 1 trong 14 quốc gia được WHO đặt hàng cơ sở sản xuất vaccine cúm mùa phục vụ phòng chống đại dịch trên thế giới. WHO cũng đánh giá rất cao vaccine cúm mùa của Việt Nam.
Giá thành vaccine cúm mùa 3 trong 1 do Việt Nam sản xuất chỉ bằng 1/3 giá thành vaccine cúm mùa nhập khẩu, với chi phí 80.000-120.000 đồng/liều.
C.M - Báo Chính phủ