Áp dụng công nghệ mới để tận dụng nguồn tài nguyên từ rác thải
Với lượng chất thải rắn sinh hoạt đang gia tăng, cùng với hiện trạng các công nghệ đang có rất khó để đáp ứng yêu cầu do điều kiện Việt Nam mật độ dân số cao, quỹ đất hạn chế. Việc áp dụng các công nghệ mới hạn chế chôn lấp chất thải rắn nhằm tiết kiệm quỹ đất, đảm bảo môi trường và tận dụng nguồn tài nguyên từ rác là cấp bách.
Công nghệ trên thế giới
Các công nghệ truyền thống đang được áp dụng chủ yếu trên thế giới gồm công nghệ ủ sinh học làm phân vi sinh, công nghệ đốt tiêu hủy, đốt thu hồi, đốt phát điện... chôn lấp, các phương pháp khác như công nghệ ép kiện, hydromex, hóa dầu, viên nhiên liệu...
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, tại Mỹ, mỗi năm có 67% chất thải rắn sinh hoạt được xử lý theo phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh có thu hồi năng lượng. Các khu chôn lấp được xây dựng và quản lý tuyệt đối đảm bảo các yêu cầu về môi trường.
Toàn nước Mỹ có 2.900 khu xử lý chất thải rắn hợp vệ sinh. Gần đây, các đô thị lớn ở Mỹ đang phát triển mạnh công nghệ đốt chất thải rắn sinh hoạt.
Tại Hà Lan, 60% chất thải rắn đô thị được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, còn lại 35% áp dụng công nghệ đốt, công nghệ tái chế rất ít, chủ yếu là chất thải rắn công nghiệp.
Nhật Bản do quỹ đất hẹp, ngành công nghiệp môi trường phát triển mạnh nên công nghệ chôn lấp ở mức độ vừa phải, chủ yếu cho công nghệ san lấp biển và kè ven biển. Phương pháp đốt có thu hồi điện năng, nhiệt năng chiếm 72,8% với công suất lò đốt đa phần khoảng 500-6000 tấn/ngày.
Là quốc gia đang phát triển, dân số đông, từ sau năm 2000 đến nay, Trung Quốc mạnh dạn áp dụng công nghệ đốt ở các cấp độ khác nhau. Cấp độ 1 ở các đô thị lớn, khu đông dân cư, khu kinh tế mở. Các đô thị khác, chủ yếu sử dụng công nghệ đốt địa phương, thiết bị sản xuất tại địa phương, áp dụng tiêu chuẩn cấp độ 2. Hiện nay, ngành sản xuất lò chất thải rắn phát điện của Trung Quốc rất phát triển.
Hàn Quốc hiện có khu liên hợp xử lý chất thải rắn theo phương pháp chôn lấp khổng lồ, xử lý bài bản, kết hợp thu hồi khí gas phát điện theo chương trình giảm khí thải nhà kính.
Gần đây, Hàn Quốc bắt đầu xây dựng các khu đốt chất thải rắn hỗn hợp mẫu xanh, sạch, đẹp như Nhật Bản, công suất một nhà máy thông thường là 2 tổ hợp x500 tấn/ngày, tối đa 3.000 tấn/ngày, kết hợp phát điện.
Thủ đô Bangkok, Thái Lan sử dụng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh, sau đó khai thác trồng cây xanh, cải tạo thành công viên hoặc sân vận động cấp 3 hoặc cấp 2, sân golf.
Xung quanh Bangkok có một số doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân hữu cơ, chất thải hữu cơ lấy từ các chợ rau thành phố, thức ăn thừa, phân bùn bể phốt của một số nhà máy bia, giết mổ gia súc.
Các doanh nghiệp này làm ăn có lãi, đang phát triển tốt, rất đáng học tập áp dụng. Một số thủ đô như Moskva, Cairo, Mexico... khối lượng chất thải rắn sinh hoạt quá lớn, tỷ lệ chôn lấp vẫn chiếm 80-85%.
Công nghệ xử lý chất thải rắn tại Việt Nam
Việt Nam đang áp dụng chủ yếu 3 loại hình công nghệ là chôn lấp, sản xuất phân vi sinh và đốt. Với công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, Việt Nam đã có thể chủ động thiết kế, thi công đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam.
Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Xây Dựng năm 2017, trong tổng số 660 bãi chôn lấp rác có quy mô trên 1ha mới có 120 bãi chôn lấp hợp vệ sinh với diện tích khoảng 977,3ha, còn lại chiếm 73,5% không hợp vệ sinh. Các bãi chôn lấp này chủ yếu là bãi tạm, lộ thiên, không có hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường nước và không khí.
Với công nghệ sản xuất phân vi sinh từ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, các cơ sở sử dụng công nghệ ủ hiếu khí hoặc kị khí trong thời gian khoảng 40-45 ngày. Một số cơ sở sử dụng dây chuyền công nghệ nhập khẩu từ Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Bỉ thường phải cải tiến để phù hợp với đặc điểm chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại Việt Nam như nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Nam Bình Dương (Bình Dương) công suất 420 tấn/ngày, nhà máy xử lý và chế biến chất thải Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) công suất 200 tấn/ngày, nhà máy xử lý rác Tràng Cát (Hải Phòng) công suất 200 tấn/ngày.
Công nghệ đốt đã được áp dụng tại một số địa phương, đặc biệt là các thành phố, khu đô thị đông dân cư hay một số huyện, xã theo quy mô khác nhau từ 10-150 tấn/ngày.
Trong đó, chủ yếu là công nghệ đốt không sử dụng nhiên liệu quy mô nhỏ từ 10-12 tấn/ngày. Một số địa phương cũng đã đầu tư công nghệ đốt thu hồi nhiệt để sấy rác, lâm sản như Công ty cổ phần dịch vụ môi trường Thăng Long, Xí nghiệp xử lý rác thải và sản xuất phân bón thành phố Thái Bình...
Công nghệ đốt phát điện đã có một vài dự án điện rác đưa vào vận hành thử nghiệm tại một số nơi. Công nghệ xử lý chất thải rắn công nghiệp của Công ty Hitachi Zosen (Nhật Bản) theo phương pháp đốt và cấp điện cho lò hơi phát điện tại Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp phát điện Nam Sơn (Hà Nội) với công suất 75 tấn/ngày và tạo ra 1,93MW điện.
Công nghệ điện rác WTE sử dụng công nghệ khí hóa phát triển bởi đội ngũ cán bộ, nhà nghiên cứu Việt Nam của Công ty trách nhiệm hữu hạn thủy lực máy tại Hà Nam, hiện đã thực nghiệm ở quy mô nhỏ xử lý chất thải công nghiệp không nguy hại bằng công nghệ điện rác tại công trường xử lý rác Gò Cát, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.
Công nghệ phân loại xử lý rác thải, sản xuất biogas phát điện và phân bón hữu cơ của Công ty trách nhiệm hữu hạn phát triển dự án Việt Nam tại Quảng Bình. Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng công nghệ đốt phát điện cần được tiếp tục theo dõi, đánh giá tính ổn định, hiệu quả.
Hạn chế xây dựng các bãi chôn lấp mới
Vài năm gần đây, ở nhiều địa phương như Hải Dương, Nam Định, Hà Tĩnh, Bình Định… xảy ra tình trạng người dân phản đối xây dựng bãi rác tạm do lo ngại ô nhiễm môi trường gây mất an ninh trật tự và ùn ứ rác trong thời gian dài.
Ông Vũ Tuấn Dương, Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế-kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các bộ như Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ để tập trung nguồn lực nghiên cứu hoàn thiện các công nghệ hiện có, nhất là công nghệ xử lý đốt trực tiếp chất thải rắn có thu hồi nhiệt, đốt chất thải rắn phát điện để hạn chế xây dựng các bãi chôn lấp mới.
Các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp đồng bộ trong quá trình thực hiện thu gom, xử lý và quản lý rác thải, chiến lược thông tin truyền thông để người dân cùng ý thức trong vấn đề xử lý chất thải rắn.
Hiện nay, tình trạng hỗ trợ giữa các địa phương đang có sự khác biệt khá lớn, bởi vậy cần có hướng dẫn chung thống nhất theo hướng khuyến khích các đơn vị xử lý cuối cùng, hạn chế khâu trung gian để tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nhà máy xử lý với công nghệ tiên tiến.
Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, các quy định về quy trình vận hành, kiểm soát khí thải, kiểm định, cấp phép của lò đốt chất thải rắn sinh hoạt.
Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và ban hành hướng dẫn quy trình lựa chọn chủ đầu tư dự án xử lý chất thải rắn theo hướng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư có áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; xây dựng kế hoạch và tổ chức hoạt động cải tạo các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị đã đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất.
Minh Nguyệt - Vietnamplus