Triển khai bệnh án điện tử tại TPHCM: Thuận tiện nhưng chưa đồng bộ


Theo quy định của Bộ Y tế, từ 1/3/2019 các cơ sở y tế sẽ bắt đầu áp dụng quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Tại TPHCM, nhiều bệnh viện đã áp dụng bệnh án điện tử từ những năm trước.

Bệnh viện quận Thủ Đức đã ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh từ năm 2008. Lúc đầu sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện do công ty phần mềm cung cấp.

Đến năm 2015, bệnh viện bắt đầu triển khai bệnh án điện tử khi được sự đồng ý của Bộ Y tế, Sở Y tế TPHCM và được sự thống nhất của cơ quan bảo hiểm y tế. Lúc đầu, bệnh viện triển khai thí điểm một khoa, sau đó nhân rộng ra các khoa khác và đến nay đã triển khai trên toàn bệnh viện.

BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện cho biết, trước năm 2019, bệnh viện vẫn vừa sử dụng bệnh án điện tử vừa in bệnh án giấy vì hành lang pháp lý chưa có. Năm 2019, đã có quy định cụ thể về bệnh án điện tử, nên bệnh viện sẽ xin thẩm định không in bệnh án giấy nữa.

Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh từ hơn 10 năm qua. Từ năm 2018, bệnh viện triển khai lưu trữ và truyền tải hình ảnh y khoa, xét nghiệm mà không cần in. Hiện bệnh viện đã quản lý hầu như toàn bộ thông tin của bệnh nhân.

Dự định năm 2019 - 2020 bệnh viện hoàn thành hạ tầng công nghệ thông tin và nâng cấp phần mềm để hoàn thiện bệnh án điện tử trong nội bộ bệnh viện.

Bệnh viện Nhân dân 115 cũng bắt đầu triển khai bệnh án điện tử từ tháng 10/2018. Hiện tại, bệnh viện đã triển khai thành công bệnh án điện tử tại khu khám ngoại trú - phòng khám VIP, khám dịch vụ, còn nội trú từ tháng 2/2019 sẽ triển khai thí điểm 1 - 2 khoa. Tuy vậy, bệnh viện chưa thể triển khai bệnh án điện tử cho bệnh nhân BHYT, do việc thay đổi thanh toán bảo hiểm nhiều lần gây khó khăn.

Trong năm 2017 - 2018, Bệnh viện ĐH Y dược TPHCM đã triển khai bệnh án điện tử, hệ thống PACs, hóa đơn điện tử toàn viện, kios điện tử… nhằm hiện đại hóa lưu trữ thông tin cũng như gia tăng các tiện ích cho người bệnh, nhân viên y tế.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc bệnh viện cho biết, một trong những thành tựu nổi bật về công nghệ thông tin là triển khai thành công bệnh án điện tử toàn viện. Tính năng hiện đại của phần mềm mang lại sự an toàn cho người bệnh, tiết kiệm thời gian điều trị, tra cứu thông tin liên quan.

Với mục tiêu đặt sự an toàn của người bệnh lên hàng đầu, hệ thống phần mềm cho phép cảnh báo các trường hợp dị ứng thuốc, tương tác thuốc, phụ nữ có thai, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, triển khai kháng sinh dự phòng, cho phép dược lâm sàng tham gia trong chỉ định sử dụng thuốc của bác sĩ điều trị...

Hệ thống sẽ giúp lãnh đạo khoa kiểm soát mã hóa chẩn đoán theo ICD, theo dõi sát việc thực hiện các chỉ định chăm sóc, chỉ định cận lâm sàng.

Các chức năng thông minh khác là hệ thống chủ động liên kết thông tin người bệnh đến tổng kết xuất viện trong bệnh án; liên kết các thông tin tường trình phẫu thuật, PACs, tìm kiếm kết quả xét nghiệm dễ dàng; tạo toa thuốc theo các phác đồ điều trị, danh mục chỉ định cận lâm sàng mẫu nhằm rút ngắn thời gian thao tác…

Thông qua các tiện ích của bệnh án điện tử, việc điều trị cho người bệnh luôn được công khai, minh bạch, rõ ràng, tránh những sai sót đáng tiếc xảy ra.

Trong tương lai, bệnh viện sẽ tiếp tục phát triển bệnh án điện tử trong quản lý thuốc, chỉ định cận lâm sàng, quản lý vật tư y tế,…hỗ trợ tích cực trong việc thực hiện thuốc, tổng hợp các y lệnh trong ngày, theo dõi thời gian thực hiện các cận lâm sàng.

Năm 2017, trên cơ sở Bộ Y tế cấp phép triển khai thí điểm hệ thống PACs, bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh trong y khoa (PACs), giúp truy xuất nhanh chóng và lưu trữ hình ảnh dữ liệu một cách kinh tế nhất.

Các chuyên gia sẽ xem được hình ảnh y khoa bất kì nơi nào, tiết kiệm thời gian, nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, giúp cho việc nghiên cứu khoa học, hội chẩn, đào tạo từ xa trong và ngoài nước được phát triển.

Không chỉ mang lại tiện ích cho bác sĩ, người bệnh có thể trực tiếp xem phim chụp của mình trên hệ thống mạng, tiết kiệm chi phí in ấn cũng như mang lại sự hài lòng cao nhất khi đến điều trị tại bệnh viện.

Mặc dù các bệnh viện đều đánh giá cao vai trò, tác dụng của bệnh án điện tử, tuy nhiên thực tế cho thấy, hiện bệnh án điện tử của các bệnh viện chưa đồng bộ trên cùng một hệ thống.

BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức cho biết, hiện nay mỗi bệnh viện làm bệnh án điện tử theo một phần mềm riêng, vì thế  Bộ Y tế cần ban hành chuẩn đầu ra để các bệnh viện xây dựng theo chuẩn đó, có như vậy các bệnh viện trên toàn quốc mới có thể liên thông dữ liệu với nhau. 

Theo quy định của Bộ Y tế, từ 1/3/2019 các cơ sở y tế sẽ bắt đầu áp dụng quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Hồ sơ bệnh án điện tử bao gồm hồ sơ bệnh án nội trú, hồ sơ bệnh án ngoại trú và các loại hồ sơ bệnh án khác...

Thông tư của Bộ Y tế nói rõ, Thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại cơ sở theo quy định của Thông tư này.

Theo Thông tư này, lộ trình thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử được chia thành 2 giai đoạn:

Giai đoạn từ năm 2019 - 2023: các cơ sở khám, chữa bệnh hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử theo quy định; các cơ sở khám, chữa bệnh khác căn cứ vào nhu cầu, năng lực thực tế để chuẩn bị các điều kiện cần thiết và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử khi đáp ứng yêu cầu theo quy định.

Giai đoạn từ năm 2024 - 2028, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử; trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh chưa triển khai được phải thực hiện báo cáo cho cơ quan quản lý trực thuộc, văn bản báo cáo phải nêu rõ lý do, lộ trình triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nhưng phải hoàn thành trước ngày 31/12/2030.

An Nhiên - Infonet

Bài gốc

Xem thêm