Tại Trung Quốc, nhận diện khuôn mặt áp dụng cả cho việc nuôi lợn


Khi dịch sốt lợn châu Phi quét qua các trang trại, nhiều công ty công nghệ tại Trung Quốc đã nhìn thấy cơ hội cho chính họ.

Nhận diện gương mặt lợn sẽ không có lợi nếu Trung Quốc thiếu cơ sở dữ liệu phù hợp. Ảnh: Yingzi.

Nhận diện gương mặt lợn sẽ không có lợi nếu Trung Quốc thiếu cơ sở dữ liệu phù hợp. Ảnh: Yingzi.

Một dịch bệnh khủng khiếp hoành hành khắp đất nước gây ra thiệt hại khổng lồ cho ngành chăn nuôi lợn. Các công ty đua nhau đưa ra giải pháp sử dụng AI để xác định đúng đối tượng hoặc có dấu hiệu bị bệnh, lượng thức ăn và thuốc được phân phối chính xác tới từng cá thể nhờ robot...

Theo New York Times, đây chính là bức tranh ngành nông nghiệp Trung Quốc hiện tại.

Công nghệ tối tân để nhận dạng... lợn

Các công ty Trung Quốc đang đưa nhận diện khuôn mặt, giọng nói và nhiều công nghệ tiên tiến khác vào ngành chăn nuôi lợn. Trong năm hợi, trớ trêu thay nhiều cá thể lợn ở quốc gia tỷ dân đang chết vì bệnh, đe dọa nguồn cung thực phẩm rất phổ biến trong bữa tối của người Trung Quốc.

“Nếu lợn không vui thì sẽ không ăn nhiều. Trong nhiều trường hợp bạn dễ dàng đoán được con này có bệnh hay không bằng cách nhìn mặt nó”, Jackson He, Giám đốc điều hành của Yingzi Technology, công ty công nghệ nhỏ ở miền nam Quảng Châu cho biết.

Các công ty khổng lồ khác của Trung Quốc cũng muốn nhúng tay vào, đơn cử như Alibaba hoặc JD.com. Bên cạnh việc dùng camera để theo dõi gương mặt lợn, Alibaba thậm chí còn sử dụng phần mềm nhận diện giọng nói để theo dõi chú lợn nào đang...ho.

Cuộc cách mạng kỹ thuật số đã biến Trung Quốc thành nơi mà từ dịch vụ tài chính, đồ ăn cay, làm móng tới chải lông cho chó chỉ cần giải quyết bằng một vài thao tác trên smartphone.

Nhận dạng khuôn mặt đã được triển khai trong phòng tắm công cộng để phân phát giấy vệ sinh, trong nhà ga để bắt tội phạm và các khu nhà ở để mở cửa. Tuy nhiên, áp dụng công nghệ này sang lợn có thể là một bước đi vội vàng.

“Tôi thích ý tưởng này, nhưng nó cần được chứng thực là có hiệu quả, bởi nếu không sẽ gây tốn kém vô ích”, Dirk Pfeiffer, Giáo sư ngành dịch tễ thú ý Đại học Hong Kong cho biết.

Nhận diện gương mặt sẽ không có lợi nếu Trung Quốc thiếu cơ sở dữ liệu phù hợp. Ngoài ra, công nghệ này để làm gì khi người ta rốt cuộc sẽ chặt đầu con vật trong lò mổ? Khi đó làm sao biết đầu nào thuộc về thân con lợn nào? Nhiều người chăn nuôi lợn ở Trung Quốc cũng tỏ ra hoài nghi.

Trung Quốc muốn đóng cửa nhiều trang trại chăn nuôi lợn quy mô nhỏ, do liên quan đến các vấn đề ô nhiễm môi trường. Theo ước tính của Bộ nông nghiệp nước này, hiện có khoảng 26 triệu trang trại lợn như thế, chiếm khoảng một nửa số trang trại tại đây.

“Chúng tôi sẽ không đầu tư vào những thứ này. Trừ khi có một trang trại quy mô rất lớn, còn đàn lợn vài trăm con thì đầu tư để làm gì?”, ông Wang Wenjun, nông dân 27 tuổi cho biết.

Cơ hội nảy sinh từ dịch bệnh

Yingzi Technology dùng video để thu hình ảnh mặt lợn vì chúng di chuyển liên tục. Ảnh: Yingzi Technology.

Yingzi Technology dùng video để thu hình ảnh mặt lợn vì chúng di chuyển liên tục. Ảnh: Yingzi Technology.

Thời gian qua chính phủ Trung Quốc đã áp dụng nhiều công nghệ vào mô hình chăn nuôi trang trại. Trong kế hoạch 5 năm gần nhất, nước này kêu gọi tăng cường sử dụng robot và công nghệ mạng.

Tháng 8/2019, các quan chức nông nghiệp thành phố Bắc Kinh ca ngợi việc nuôi lợn theo công nghệ thông minh, sử dụng 4 tiêu chí A-B-C-D: AI, Blockchain, điện toán đám mây (Cloud computation) và công nghệ dữ liệu (Data).

Khi dịch sốt lợn châu Phi quét qua các trang trại, nhiều công ty công nghệ đã nhìn thấy cơ hội cho mình. Căn bệnh không có vắc-xin hay thuốc chữa, có thể lây lan qua tiếp xúc giữa động vật hoặc các sản phẩm từ lợn bị nhiễm bệnh, nghĩa là có thể ẩn nấp nhiều tháng trong xúc xích hoặc giăm bông.

Dịch sốt không ảnh hưởng đến con người, nhưng họ có thể là vật chủ mang mầm bệnh. Chính phủ đã tiêu hủy gần một triệu con lợn, bao vây cô lập vùng nhiễm nhưng không có kết quả.

Trung Quốc hiện có đàn lợn lớn nhất thế giới với khoảng 400 triệu con. Đây cũng là nơi tiêu thụ thịt lợn lớn nhất. Thực phẩm này quan trọng đến nỗi nước này có dự trữ chiến lược riêng trong trường hợp thiếu hụt.

Sốt lợn cũng có thể lan qua biên giới. Người ta tìm thấy mầm bệnh trong xúc xích vận chuyển bởi khách du lịch Trung Quốc ở Australia, Đài Loan, Nhật Bản và Thái Lan, dấy lên lo ngại rằng nó có thể lan đến Mỹ. Một đợt bùng phát kéo dài có thể khiến giá cả tăng cao trên toàn cầu.

Các công ty ủng hộ công nghệ này cho biết họ có thể giúp nông dân cách ly con vật mang mầm bệnh, giảm chi phí thức ăn, tăng khả năng sinh sản của lợn nái và giảm tử vong phi tự nhiên.

Hệ thống của JD.com sử dụng robot cho lợn lượng thức ăn chính xác tùy thuộc vào giai đoạn tăng trưởng của con vật. Trong khi SmartAHC, công ty sử dụng AI để theo dõi thống kê hoạt động của lợn, cung cấp các dịch vụ như đeo cho lợn nái màn hình có thể dự đoán thời gian rụng trứng.

Công ty trang trại công nghệ cao SmartAHC ở Trung Quốc gắn thẻ vào tai lợn để theo dõi thân nhiệt, sức khỏe. Ảnh: SmartAHC.

Công ty trang trại công nghệ cao SmartAHC ở Trung Quốc gắn thẻ vào tai lợn để theo dõi thân nhiệt, sức khỏe. Ảnh: SmartAHC.

Phát ngôn viên của JD.com cho biết họ có thể phát hiện một con lợn bị bệnh và nhanh chóng tìm ra nguyên nhân. Hệ thống sau đó sẽ thông báo cho nhà tạo giống để kê đơn điều trị.

Hệ thống của Alibaba giám sát hoạt động của lợn và cho phép nông dân theo dõi trong thời gian thực. Sau đó sẽ vạch ra kế hoạch thể dục cải thiện sức khỏe con vật.

Nhận dạng khuôn mặt lợn hoạt động tương tự như với con người. Máy quét và phần mềm lấy hình ảnh lông, mõm, mắt, tai, sau đó lưu lại từng đặc điểm. Mỗi con lợn sẽ có những đặc điểm khác nhau, khác với khi ta nhìn bằng mắt thường.

Tuy nhiên không phải lúc nào lợn chịu cũng hợp tác, đó là lí do Yingzi Technology phải dùng tới video để thu thập dữ liệu.

Yingzi có khoảng 200.000 ảnh về lợn trong cơ sở dữ liệu của họ. Công nghệ của công ty được sử dụng ở một trang trại phía nam tỉnh Quảng Tây. Tuy không thể tiêu diệt dịch sốt lợn, công nghệ của họ giúp nông dân phát hiện ra bệnh sớm hơn.

Chen Haokai, người đồng sáng lập SmartAHC cho rằng nông dân không thực sự cần nhận dạng khuôn mặt. Theo ông, chi phí cố gắng lập bản đồ mặt lợn là khoảng 7 USD, đắt hơn so với 0,3 USD gắn thẻ tai lợn.

“Chúng tôi biết rằng khi cố gắng chụp ảnh những khuôn mặt của lợn, chi phí sẽ vượt xa so với việc gắn thẻ”, Chen nói. Wang Lixian, nghiên cứu viên ngành khoa học động vật và thú y tại Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc lạc quan cho rằng chi phí của tất cả công nghệ sẽ giảm trong tương lai gần.

Đại Việt - Zing

Bài gốc

Xem thêm