Bệnh án điện tử “phủ sóng” toàn quốc, cộng đồng được hưởng lợi những gì?


Y khoa phát triển dựa trên sự phát triển chung của các ngành khoa học khác. Vật lý đã đưa X quang vào ứng dụng từ thời Mari Curi đến nay, từ kỹ thuật chụp phim đơn giản lúc đầu nay đã tiến hóa thành các loại hình chụp CT cắt lớp hiện đại.

Khoa học ứng dụng trong y khoa còn có: Động học giúp lý giải các bệnh của hệ tuần hoàn, hô hấp... Quang học phát triển nhãn khoa, chế tạo ống nội soi để chụp hình trong lòng ruột, ổ bụng. Hóa dược cung cấp thuốc men. Sinh học cung cấp kiến thức về mầm bệnh, vi sinh…

Ngày nay Tin Học phát triển mạnh, làm tăng tốc hầu như toàn diện các ngành khoa học hiện đại trong đó có y khoa. Khi ứng dụng tin học vào các thiết bị y tế, ta có được các máy xét nghiệm tự động phân tích, dựng hình X quang, CT, MRI 3D, 4D, 5D…

Hình ảnh nội soi, siêu âm cho nhiều thông số chi tiết. Trái tim trong lồng ngực được "lấy ra" để khảo sát đến từng thớ cơ, từng mạch vành nhỏ bé tìm điểm nghẽn. Bộ não được thấy đến từng sợi trục thần kinh.... Phải nói là một cuộc đại cách mạng trong lãnh vực cận lâm sàng, cung cấp thông tin cực kỳ chính xác cho việc đánh giá, chẩn đoán và điều trị.

Các bác sĩ, sinh viên y khoa cũng nhờ có kỹ thuật dựng hình 3D mà học giải phẫu học, cơ chế bệnh lý, hình ảnh vỉ sinh… bằng đồ họa, bằng hình ảnh… một cách dễ dàng, trực quan. Phim về tiến trình hình thụ thai, gián phân, biệt hóa, hình thành bào thai và cơ chế sinh đẻ được thể hiện sinh động đến người dân thường cũng có thể hiểu được.

Đó là các tiến bộ về kỹ thuật cận lâm sàng và đào tạo trong y khoa. Riêng về mảng bệnh án điện từ thì còn khá ý ạch.

Bệnh án là gì?

Bệnh án là các chứng từ ghi chép thông tin sức khỏe. Có thể là một phiếu kết quả xét nghiệm, một phim x quang, một đơn thuốc, một tờ tường trình phẫu thuật… Tất cả những thứ này của một lần khám chữa bệnh gọi là bệnh án.

Toàn bộ những tài liệu đó của cả một đời người qua nhiều lần khám chữa bệnh gọi là y bạ. Ít ai giữ được y bạ của mình từ thuở mới lọt lòng đến già. Những thứ giấy tờ đó nằm rải rác đâu đó ở các bệnh viện hoặc góc tủ trong nhà.

Khi có bệnh, bác sĩ thường chỉ hỏi vấn đề ngay lúc bệnh chứ ít khi xem được toàn diện bức tranh sức khỏe của bệnh nhân từ nhỏ đến lớn. Có khi vì thiếu thông tin mà điều trị sai.

Bệnh án điện tử

Công nghệ thông tin ứng dụng vào bệnh án hình thành bệnh án điện tử. Các loại tài liệu chẩn đoán và điều trị kể trên được ghi chép không phải bằng tay mà được nhập liệu bằng máy, nghĩa là được số hóa, bước đầu để hình thành bệnh án điện tử.

Thuở ban đầu, khi máy tính mới bắt đầu phổ biến thì người ta dùng Excel, Word, Access để ghi chép thông tin bệnh nhân. Mỗi phần việc một tài liệu, không liên kết nhau. Sau này khi mạng máy tính ra đời thì các tài liệu điện tử bắt đầu nối kết và tương tác nhau.

Đến nay mạng internet đã phát triển mạnh thì bệnh án điện tử hình thành, chẳng những dành cho nội bộ bệnh viện xem mà còn có thể chia cho bệnh nhân xem hoặc gửi đi hội chẩn qua đường mạng internet.

Thật ra, những tài liệu liên quan đến bệnh nhân gọi là EMR (Electronic Medical Record), là một phần dữ liệu phát sinh trong quá trình hoạt động của bệnh viện.

Còn có các tài liệu khác cũng đồng thời phát sinh như phiếu đăng ký khám, biên lai viện phí, phiếu nhập hàng hóa, xuất thuốc, vận chuyển bệnh nhân… tạo thành một hệ thống thông tin bệnh viện HIS (Hospital Information System).

Với đầy đủ thông tin hoạt động bệnh viện được ghi chép dưới dạng điện tử như vậy thì rất dễ thống kê, trích xuất, hiển thị bằng biểu đồ. Nhà quản lý sẽ nhìn phát biết ngay diễn tiến hoạt động chung của bệnh viện.

Bác sĩ có đủ thông tin nhiều lần khám của bệnh nhân. Bệnh nhân có hồ sơ riêng bằng điện tử, có quyền sao chép để gửi cho nơi điều trị khác tham khảo.

Bệnh nhân chỉ cần 1 mã số sức khỏe là có thể xem hồ sơ của mình tại các máy trạm Kios đặt ở hành lang bệnh viện hay xem trên mạng internet. Bệnh nhân có thể "book" trước lịch khám và trả tiền qua ví điện tử, đỡ mất thời gian chờ đợi.

Một trong những ứng dụng hay là chuyển hồ sơ liên viện. Một bệnh nhân bị tai biến mạch máu não từ Rạch Giá muốn chuyển đến Bệnh viện chuyên khoa đột quỵ ở Cần Thơ phải gửi bệnh nhân kèm bệnh án giấy, chạy xe mất ít nhất 4 tiếng đồng hồ. Đến nơi, bác sĩ vừa thăm khám, vừa xem hồ sơ cũ, vừa chụp chiếu các loại mới ra bệnh để xử trí.

Nếu dùng bệnh án điện tử chuyển qua mạng internet thì hồ sơ đã được chuyển đi ngay lập tức, bác sĩ ở Cần Thơ đã có thể hướng dẫn cách xử lý tại chỗ trong thời gian vàng để giúp cứu sống bệnh nhân. Nếu phải chuyển đi thì các bác sĩ Cần Thơ đã đọc xong hồ sơ từ trước, chuẩn bị phòng mổ và phân công để xử lý ngay khi bệnh nhân đến nơi.

Khai thác dữ liệu y khoa

Dữ liệu y khoa bằng giấy, bằng phim được lưu trữ trong kho chứa từ 10 đến 20 năm, chủ yếu cho truy cứu pháp lý.

Các nhà khoa học cũng khai thác kho bệnh án này để làm nghiên cứu khoa học nhưng cực kỳ vất vả. Một đề tài y khoa có thể phải mất 3 tháng để lục tìm cho đủ số ca bệnh và hơn 3 tháng để vừa đọc vừa ghi chép, tính toán.

Thế nhưng những dữ liệu trong hồ sơ không thật chính xác. Nay với dữ liệu y khoa điện tử, bác sĩ chỉ ngồi lọc hồ sơ theo "key word", trong vòng một nốt nhạc đã có ngay số lượng hồ sơ đáp ứng cho key word đó.

Kho hồ sơ điện tử càng thâm niên thì giá trị khai thác càng cao. Đó là mỏ kim cương của các nhà nghiên cứu khoa học. Cần biết rằng đây là những số liệu tại chỗ, thời gian thực, sống động và đầy đủ nhất.

Nếu các kho dữ liệu của các bệnh khác nhau "hùn"với nhau vào một trung tâm dữ liệu để khai thác chung thì giá trị nghiên cứu càng cao hơn nữa.

Tuy nhiên, chuyện đó hãy để 10-20 năm sau, khi tất cả các bệnh viện đã có được bệnh án điện tử rồi hãy tính. Đến thời điểm đầu năm 2019 thì ở Việt Nam số bệnh viện có bệnh án điện tử còn đếm trên đầu ngón tay nên chưa thể ứng dụng cho quản lý y tế diện rộng được.

BS.Phan Xuân Trung (Trung tâm y khoa Medic-TP.HCM) - Khampha.vn

Bài gốc

Xem thêm