Nghịch lý mới thời công nghệ?
Dùng smartphone, smartwatch, smartTV… hay sống trong smart home đang là điều nhiều người mơ ước, thậm chí được coi là khẳng định đẳng cấp. Nhưng những nhà công nghệ và những người giàu có thực sự nghĩ như vậy không?
Bắt đầu sợ thiết bị thông minh
Bill Langlois có một người bạn thân mới, đó là cô mèo tên Sox. Mỗi ngày, Sox gần gũi và đem lại niềm vui cho Bill – người đàn ông 68 tuổi sống trong một khu nhà cho những người thu nhập thấp ở San Francisco, Mỹ.
Sox kể cho Bill nghe về đội bóng Bill hâm mộ nhất, hát những bài mà Bill say mê từ thời trai trẻ. Thậm chí, Sox còn biết phạt Bill khi ông uống nước ngọt thay vì nước trong, và biết lắng nghe những tâm sự của Bill.
Bill hài lòng về “người bạn lý tưởng” này lắm dù biết mỗi việc Sox nói hay làm là đều do các kỹ sư công nghệ cài đặt từ dữ liệu Bill cung cấp. Vâng, Sox thực ra là một cô mèo ảo, được công ty CareCoach phát triển trong một dự án cho những người thu nhập thấp chỉ có tài sản không quá 2.000 USD.
Những chương trình mang lại tiện ích thông minh hay các sản phẩm công nghệ hiện đại phục vụ đời sống đang phổ biến ở Mỹ, nhưng chỉ dành cho các đối tượng nghèo hoặc trung bình. Người giàu ở Mỹ không còn bị thu hút bởi dịch vụ tưởng như văn minh như vậy.
Sau một thời gian dài chìm đắm trong các tiện ích mà công nghệ đem lại, giờ đây càng nhiều người giàu Mỹ sợ các thiết bị thông minh. Họ không cho con cái chơi điện thoại, thay vào đó là đồ chơi xếp hình; tìm các trường mầm non “tech-free” để gửi con theo học. Những “ngày không điện thoại”, hay “ngày không mạng xã hội” được khuyến khích.
Lý giải cho điều này, những nhà phát triển của CareCoach bày tỏ thẳng thắn: cái gì còn mua được bằng tiền có nghĩa là vẫn còn rẻ, người giàu giờ muốn tình người thực sự, thứ vốn đang trở nên xa xỉ trong cuộc sống hiện đại.
Hạn chế thời gian trên màn hình
Thực tế dường như nghịch lý này cũng đang xảy ra tại Thung lũng Silicon, ngay trong gia đình các kỹ sư công nghệ. Chính những người hiểu về điện thoại nhất lại cảnh giác với nó nhất. Không chỉ là mối lo ảnh hưởng về sức khỏe thể chất như với các thiết bị thế hệ trước.
Hơn ai hết họ hiểu thiết bị càng thông minh sẽ càng làm biến đổi tâm lý, hành vi, thói quen của con người ra sao. Họ kiểm soát để con em mình lớn lên trong môi trường ít màn hình thông minh hơn, trong khi trẻ em nhà bình dân thì ngược lại.
Trường tiểu học nổi tiếng dành cho con nhà giàu ở Silicon Valley - Trường Waldorf – vừa cam kết tạo dựng một môi trường giáo dục tự nhiên gần như không có các loại màn hình. Trong khi đó, ở nhiều ngôi trường công bình dân khác, các công ty công nghệ vẫn đẩy mạnh quảng bá cho các chương trình dạy học sử dụng laptop hoặc ipad thay cho sách vở.
Kristin Stecher, 37 tuổi, một nhà nghiên cứu điện toán xã hội, cùng chồng là một kỹ sư của Facebook, đã quyết định thời gian trên màn hình (screen time) của gia đình duy nhất là vào tối thứ Sáu hàng tuần, ngoài ra hai cô con gái nhỏ của cô (5 tuổi và 3 tuổi) không lúc nào được tiếp cận cả điện thoại lẫn TV.
Athena Chavarria, người từng làm trợ lý điều hành tại Facebook và hiện đang làm việc cho tổ chức từ thiện của Mark Zuckerberg, thậm chí bày tỏ: “Tôi tin rằng ma quỷ sống trong điện thoại và đang tàn phá con cái chúng ta”. Con trai cô bị cấm sử dụng điện thoại cho tới khi vào lớp 10.
Còn Chris Anderson, người sáng lập GeekDad.com và hiện là giám đốc điều hành của một công ty robot, thừa nhận “Chúng tôi đã nghĩ rằng mình có thể kiểm soát được các sản phẩm công nghệ.
Nhưng sự thực không phải vậy”. Anderson có năm người con và 12 quy tắc công nghệ, như không có TV trong phòng ngủ, không được dùng điện thoại cho tới khi vào trung học, không dùng ipad, không sử dụng mạng xã hội trước 13 tuổi... Nói chung, con ông là những đứa trẻ offline 24/24.
Ngay cả Tim Cook - CEO của Tập đoàn Apple, cũng tuyên bố sẽ không cho cháu trai mình tham gia mạng xã hội. Bill Gates thì cấm các con dùng điện thoại di động cho đến tuổi thiếu niên, còn Steve Jobs từng cấm con nhỏ của mình đến gần iPad.
Mối lo mới về thiết bị công nghệ
Ngày càng có nhiều những “ngôi nhà tech-free” mọc lên ở Thung lũng Silicon; các hợp đồng với người trông trẻ đều có bổ sung điều khoản không được sử dụng điện thoại di động trong thời gian ở bên cạnh trẻ.
Trong khi đó, ngược lại, khảo sát của Common Sense Media (một cơ quan giám sát truyền thông phi lợi nhuận) cho thấy những thanh thiếu niên thuộc gia đình có thu nhập thấp thường dành trung bình tới tám giờ mỗi ngày cho các thiết bị công nghệ, chủ yếu là để giải trí hoặc nhắn tin.
Hơn 20 năm trước, người ta lo ngại việc sinh viên nhà giàu có điều kiện tiếp cận internet sớm hơn, nhiều hơn, sẽ có được kỹ năng công nghệ và điều này tạo nên khoảng cách giữa những sinh viên giàu với những sinh viên ít có điều kiện hơn.
Giờ đây, cũng là mối lo về khoảng cách công nghệ, nhưng lại hoàn toàn ngược lại, đó là khoảng cách về sự hạn chế tiếp cận thiết bị thông minh.
Sự tiếp xúc, quan tâm, chia sẻ giữa người với người luôn đem lại những giá trị chân thật nhất, quý giá nhất và vĩnh cửu không có gì thay thế được, dù thế giới có phát triển tới đâu. Có lẽ chính những người đang thúc đẩy công nghệ mới, phát triển những con robot biết chuyện trò… là những người hiểu rất rõ giá trị này.
Nhị Hà - 123henho