DN công nghệ Việt Nam cần chia sẻ giải pháp, kết nối cơ hội chuyển đổi số
Các quá trình triển khai Chính phủ điện tử; Công nghiệp 4.0; Chuyển đổi số trong nhà nước và doanh nghiệp... luôn cần có sự kết nối cung cầu giữa các đơn vị bộ ngành và doanh nghiệp để tìm cách giải các bài toán bằng ứng dụng công nghệ.
Tại phiên làm việc chiều 9/5 của Diễn đàn quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, các diễn giả đã trao đổi nhiều vấn đề và nhu cầu chuyển đổi số của các lĩnh vực như Nông nghiệp; Giao thông - Xây dựng - Tài nguyên môi trường; Chuyển đổi số trong nhà nước và doanh nghiệp…
Ngành Tài nguyên môi trường cần nhiều giải pháp về AI, học máy
Theo ông Lê Phú Hà - Cục trưởng Cục CNTT và Dữ liệu tài nguyên môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường), bài toán lớn nhất mà ngành cần sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam là hệ thống thông tin và bảo mật phục vụ cho chính phủ điện tử.
Bên cạnh đó, ngành tài nguyên môi trường cần hiện đại hóa trang thiết bị thu nhận, điều tra, khảo sát thu nhận thông tin, dữ liệu ngành tài nguyên môi trường, đặc biệt là các thiết bị quan trắc thông minh bảo đảm chính xác, thời gian thực. Trong đó, ưu tiên các công nghệ IoT, truyền số liệu an toàn, tốc độ cao trên mạng thế hệ mới (5G)…
Một trong những vấn đề mà Bộ TNMT quan tâm là việc hoàn thiện hệ thống CSDL tài nguyên môi trường quốc gia và hạ tầng thông tin - dữ liệu không gian quốc gia (NSDI). Trong đó, thách thức lớn nhất là bảo đảm thông tin, dữ liệu được chuẩn hóa và thống nhất, liên thông với các hệ thống CSDL khác, thuận lợi cho việc chia sẻ, khai thác dữ liệu.
Hệ thống CSDL ngành tài nguyên và môi trường bao gồm khối lượng dữ liệu cực lớn, phức tạp do đó cần các giải pháp lưu trữ, quản lý dữ liệu cực lớn.
Các bài toán của Bộ TNMT bao gồm việc giám sát, cảnh báo và dự báo trong các lĩnh vực của ngành tài nguyên và môi trường (khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, môi trường, viễn thám, …).
Để giải quyết được các bài toán này, theo ông Lê Phú Hà, Bộ TNMT cần đến các giải pháp phân tích dữ liệu lớn và các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (Machine Learning) và các công nghệ tiên tiến khác.
Việt Nam phải trở thành trung tâm đổi mới về công nghệ
Theo ông Nguyễn Việt Dũng – Trưởng ban chiến lược Tập đoàn Viettel, các doanh nghiệp viễn thông lớn bắt đầu chuyển dịch từ lĩnh vực truyền thống (mạng lõi) sang lĩnh vực lân cận, bao gồm hạ tầng CNTT, cloud, các hệ thống phân phối nội dung, quảng cáo hay xa hơn là y tế, thương mại điện tử và Fintech. Chuyển đổi số là cơ hội duy nhất để các nhà mạng có thể tăng trưởng, nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Viettel muốn trở thành nhà cung cấp dịch vụ số. Điều này đòi hỏi việc chuyển đổi mô hình kinh doanh. Viettel chia thành 3 mảng, B2B, B2C và Digital. Điều này đòi hỏi việc chuyển đổi về hạ tầng, điều hành và mô hình kinh doanh mới.
Viettel coi digital là lĩnh vực đóng góp cao vào tăng trưởng thời gian tới. Theo ông Dũng, cơ hội hợp tác lớn trong lĩnh vực sản xuất và phân phối nội dung trên nền tảng của Viettel. Về B2B, Vietel muốn là nơi hỗ trợ giải pháp cho các doanh nghiệp khác trong quá trình chuyển đổi số.
Theo ông Dũng, Viettel đang được cấu trúc lại nhằm vận hành một cách linh hoạt hơn. Viettel hiện chuyển đổi hạ tầng ở cả 5 khía cạnh, bao gồm viễn thông, mạng truy nhập vô tuyến, truyền dẫn, văn hoá,...
Viettel đề xuất biến Việt Nam thành trung tâm đổi mới công nghệ, trung tâm của các mô hình kinh doanh mới, đảm bảo sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, cần tạo môi trường pháp lý tốt cho các doanh nghiệp công nghệ phát triển.
Người Việt sao lại luôn nghi ngờ sản phẩm Việt?
Chia sẻ tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, ở góc nhìn của một doanh nghiệp, ông Lý Quốc Chính, Giám đốc công nghệ VNPT Technology cho rằng, để có nhiều hơn các doanh nghiệp công nghệ cao, chính các doạn nghiệp cần phải tăng cường chi phí cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) với số tiền ít nhất 8% doanh thu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần phải tạo ra được nhiều sản phẩm mới có tính đột phá.
Đề xuất về các giải pháp, ông Lý Quốc Chính cho rằng nhà nước cần phải có quy định cho phép đầu tư vào R&D nhiều hơn, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Bên cạnh đó, ông Lý Quốc Chính còn băn khoăn về vấn đề đầu ra. Theo đại diện VNPT Technology, người Việt thường hay nghi ngờ sản phẩm Việt. Do vậy cơ quan quản lý nhà nước và giới truyền thông nên có các giải pháp nhằm thay đổi định kiến của người Việt về các sản phẩm Việt Nam.
VNPT Technology cũng muốn có nguồn vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp công nghệ cao, cùng với đó là các chương trình liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường, nhằm tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo ra các sản phẩm hữu ích hơn.
Mọi người dân đều có thể tham gia xây dựng chính sách
Trước đóng góp của các doanh nghiệp tại Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng rất khó để có luôn một chính sách về vấn đề sandbox. Vì đây là một vấn đề mới, các doanh nghiệp nên thử một vài lần trước đã.
Chia sẻ quan điểm với các diễn giả tại phiên thảo luận chiều 9/5 của Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhắc tới ví dụ về chủ trương triển khai dịch vụ mobile money. Khi chính sách này được triển khai, các doanh nghiệp viễn thông sẽ trở thành ngân hàng, người dân có thể nạp tiền vào tài khoản nhà mạng rồi dùng điện thoại di động để chuyển tiền cho nhau hoặc chi tiêu hàng hoá có giá trị nhỏ.
Bộ TT&TT và Ngân hàng Nhà nước đã thống nhất với nhau về việc triển khai dịch vụ này, đồng thời đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ. Taxi công nghệ cũng là một ví dụ cho việc thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới tại Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, khi vấn đề đã lộ ra, chúng ta sẽ tạo ra một quy định cụ thể cho vấn đề sandbox. Nếu chúng ta chưa hiểu vấn đề mà đã ra chính sách thì việc áp dụng sẽ không khả thi.
Khu vực nhà nước là một hộ chi tiêu lớn. Tuy nhiên ở Việt Nam còn có hơn 700.000 doanh nghiệp và gần 100 triệu người Việt Nam là khách hàng. Đối với nhà nước, vì chưa có quy định nên việc đầu tư rất khó khăn. Các cơ quan quản lý nhà nước chỉ được làm những gì mà luật pháp cho phép. Doanh nghiệp được làm những gì mà luật pháp không cấm.
Khu vực doanh nghiệp luôn năng động, trong khi nhà nước lại bảo thủ hơn. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng điều này mới tạo ra một xã hội bình thường. Người đứng đầu ngành TT&TT khuyên các doanh nghiệp nên "tấn công" khu vực doanh nghiệp tư nhân và khu vực người dân trước. Đến khi có những thành công rõ ràng, việc áp các giải pháp này vào khu vực nhà nước sẽ dễ hơn rất nhiều.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gợi ý về việc các doanh nghiệp đầu tư tiền của mình ra để làm trước. Cơ quan nhà nước lúc này sẽ trở thành “chuột bạch” để các doanh nghiệp làm thí nghiệm. Khi đó, doanh nghiệp cũng sẽ có tri thức của cơ quan quản lý nhà nước vào trong các sản phẩm của mình. Khi hình thành nên một sản phẩm xuất sắc, các doanh nghiệp có thể mang giải pháp của mình mình đi bán để bù vào chi phí.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, để thử nghiệm sản phẩm công nghệ mới, các doanh nghiệp nên đến những tỉnh thành nhỏ như Điện Biên hoặc những khu vực xa xôi nhất. Những nơi như vậy có quy mô nhỏ hơn, ít rủi ro hơn, ít có cái để mất hơn nên sẵn sàng chấp nhận cái mới hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhắc tới ví dụ về thành phố Davos (Thụy Sĩ). Do không có gì để mất, Davos cho phép thử tất cả các sản phẩm được phát triển từ công nghệ blockchain. Từ một thành phố nghèo nhất Thuỵ Sĩ, sau 3 năm rưỡi, Davos trở thành nơi phát triển về Blockchain mạnh nhất thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đồng ý với đề xuất của VCCorp về việc nên ưu tiên các doanh nghiệp tạo ra nhiều giá trị. Doanh thu trong lĩnh vực nội dung số đang có vấn đề do chiếm tỷ lệ quá thấp so với lĩnh vực viễn thông. Tỷ lệ này chỉ bằng 1/3 hoặc 1/4 so với các nước trong khu vực.
Điều này liên quan đến chính sách ăn chia của các nhà mạng và công ty nội dung. Ở những nước nội dung số phát triển, tỷ lệ ăn chia thường là 30% doanh thu thuộc về nhà mạng và 70% thuộc về nhà cung cấp nội dung. Ở Việt Nam, tỷ lệ này thường là 60% với các nhà mạng. Nhà mạng luôn có quyền lực để ép các công ty nội dung. Do vậy, Chính phủ phải giải quyết điều này.
Trong năm nay, Bộ TT&TT muốn tìm chiến lược phát triển ngành nội dung số Việt Nam. Trước đó, trong buổi nói chuyện với ông Lê Hồng Minh – Chủ tịch Tập đoàn VNG, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất VNG chủ động hình thành nên một chiến lược cho ngành nội dung số Việt Nam. Cơ quan quản lý nhà nước có thể coi đây là một ví dụ để tham khảo.
Bộ trưởng cũng đề nghị cùng với VNG, VCCorp cũng có thể đề xuất về một chiến lược phát triển nội dung số Việt Nam. Điều này sẽ giúp mang tới những góc tiếp cận khác để giải quyết vấn đề. Lúc này, xây dựng chính sách không còn chỉ là việc của các cơ quan quản lý nhà nước thuần tuý, mà là việc của tất cả người dân Việt Nam.
Trước đề xuất của các doanh nghiệp về vấn đề bình đẳng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ TT&TT cũng rất trăn trở về vấn đề bảo hộ ngược. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung xuyên biên giới chiếm 70% doanh thu quảng cáo trong không gian mạng, nhưng lại không nộp thuế giống doanh nghiệp Việt Nam.
Theo người đứng đầu ngành TT&TT, bất kỳ một doanh nghiệp nào muốn đến Việt Nam làm ăn thì cũng phải có tránh nhiệm giúp cho Việt Nam phát triển thịnh vượng bằng cách tuân thủ luật pháp Việt Nam. Đây là tuyên bố của một nước có chủ quyền.
Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực ICT nếu có vấn đề với luật pháp có thể lấy Bộ TT&TT làm đầu mối, ngay cả khi việc này liên quan đến các bộ ngành khác. Lấy ví dụ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhắc lại về vụ việc của Yeah1, khi công ty này không biết nương tựa vào đâu trong giai đoạn gặp khủng hoảng.
Bộ TT&TT tuyên bố sẽ bảo trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực ICT. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đây là thành phần chính trong cuộc CMCN số và cuộc CMCN 4.0.
Khép lại diễn đàn, ông Phan Tâm - Thứ trưởng Bộ TT&TT khẳng định Bộ cam kết sẽ đồng hành cùng với cộng đồng doanh nghiệp trong nỗ lực xây dựng hệ sinh thái 100.000 doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, vì sự thịnh vượng của bản thân các doanh nghiệp và của quốc gia, dân tộc.
Trọng Đạt - Vietnamnet