Ứng dụng công nghệ vào quản lý xã hội trong năm 2018
2018 là một năm nổi bật trong việc áp dụng công nghệ vào quản lý xã hội và nhà nước. Chúng ta đã xây dựng được nền tảng nhiều giải pháp đột phá, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, giao thông, quản lý mạng lưới điện, và chính phủ điện tử.
Kết nối nhà thuốc qua mạng
“Bán cho 1 liều đau họng”, “Lấy cho 3 ngày thuốc cảm sốt”... những câu quen thuộc của dân ta khi ra nhà thuốc mua thuốc trị bệnh. Có thể điều này rất tiện lợi, nhưng hậu quả thì khôn lường.
Đầu tiên là nguy cơ từ việc mua thuốc không thông qua đơn bác sĩ có thể khiến bệnh trở nặng hơn; việc sử dụng kháng sinh vô tội vạ gây ra tình trạng kháng kháng sinh cực kỳ nguy hiểm.
Thứ hai là nguy cơ mua phải thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, hoặc giá quá mắc so với thị trường.
Để giải quyết việc này, Bộ Y tế đã kết nối mạng hơn 60.000 nhà thuốc bán lẻ, cùng với 22.000 loại thuốc trong năm 2018, để kiểm soát chất lượng, giá cả, và bán thuốc theo đơn. Mục tiêu đến cuối năm 2019 sẽ kết nối tất cả nhà thuốc và loại thuốc trong cả nước.
Bộ Y tế cũng đang khẩn trương xây dựng phần mềm giúp người dân truy cứu nguồn gốc xuất xứ, đơn vị nhập khẩu, hạn sử dụng của thuốc.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, có nhiều nhà thuốc không muốn kết nối với hệ thống vì sợ lộ bí mật kinh doanh, phải đóng thuế, hoặc phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt.
Vì vậy, trước khi Bộ Y tế có thể kết nối tất cả các nhà thuốc trên cả nước, người dân hãy tự bảo vệ sức khoẻ của mình bằng cách tìm đến những nhà thuốc uy tín, và quan trọng hơn phải thay đổi tư tưởng “mua thuốc dễ hơn mua rau”.
Ứng dụng di động Chính phủ điện tử
2018 cũng là 1 năm nước ta có bước tiến lớn trong xây dựng chính phủ điện tử. Cụ thể là những ứng dụng di động “Nhà Bè trực tuyến”, "Bình Thạnh trực tuyến", "Quận 9 trực tuyến", ...
Chức năng nổi bật nhất của những ứng dụng này là "Phản ánh trật tự đô thị". Người dân có thể phản ánh các trường hợp gây mất trật tự đô thị như xả rác, lấn chiếm vỉa hè, thi công trái phép, v.v.. bằng cách gửi hình chụp/quay phim và điền thông tin mô tả.
Tính đến cuối năm 2018, các trường được khai báo và giải quyết thông qua các ứng dụng đã lên tới nhiều ngàn vụ.
Ngoài ra ứng dụng còn là nơi cung cấp dịch vụ công cấp độ 3, 4 của các quận. Người dân có thể xin phép xây dựng, đăng ký kinh doanh,... một cách nhanh chóng qua các ứng dụng này.
Việc xây dựng các ứng dụng di động cho chính quyền từng quận mới chỉ được áp dụng mạnh ở Thành Phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên lợi ích nó mang lại là rất khả quan, là kênh giao tiếp hiệu quả giữa người dân và chính quyền thành phố.
Mô hình này có thể tiếp tục được nhân rộng trên toàn Quốc, phục vụ cho việc xây dựng Chính phủ điện tử Quốc Gia, và thành phố thông minh.
Công nghệ trong Quản lý Giao thông
Giao thông hiện đang là vấn đề phức tạp và khó giải quyết bậc nhất của nước ta. Công nghệ được kỳ vọng sẽ là giải pháp giải quyết vấn đề này.
Trong năm 2018, tại Hà Nội đã thử nghiệm một số giải pháp công nghệ cho lĩnh vực giao thông. Những giải pháp này bao gồm:
Nửa cuối năm 2018, Hà Nội đẩy mạnh lắp đặt camera theo dõi giao thông ở nhiều nút giao thông lớn. Cụ thể: ở khu vực ngã ba Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch, Điện Biên Phủ - Trần Phú, Kim Mã - Núi Trúc, Cửa Nam, cầu vượt Ngã Tư Sở, v.v..
Hơn 600 camera các loại được sử dụng để theo dõi lưu lượng giao thông, điều khiển đèn giao thông từ xa, và xử lý vi phạm nguội.
Bước đầu triển khai, dự án này tỏ ra rất hiệu quả khi giảm mạnh được nhân lực và chi phí để điều tiết giao thông. Ngoài ra, camera giao thông cũng góp phần không nhỏ giúp theo dõi an ninh, làm người dân yên tâm hơn.
Tuy nhiên, về chức năng phạt nguội thì còn khá nhiều bất cập. Hiện tỷ lệ người đóng phạt trên số trường hợp camera ghi nhận được còn khá ít, do thiếu phương thức liên lạc với chủ phương tiện và thiếu cách thức cưỡng chế nộp phạt.
Giải pháp này sẽ được tiếp tục thử nghiệm và nhân rộng trên toàn Quốc, có thể trở thành giải pháp quản lý giao thông hiệu quả trong vài năm tới.
Thay vì sử dụng vé giấy truyền thống, lần nào đi cũng phải mua và trình vé. Trên tuyến xe buýt BRT Kim Mã- Yên Nghĩa, người dân đã sử dụng vé điện tử thông minh làm bằng thẻ nhựa có gắn chíp điện tử.
Khi lên xe buýt, khách hàng chỉ cần đi qua cổng soát vé, quẹt thẻ và lên xe. Khi xuống xe thì quẹt 1 lần nữa để ra khỏi bến. Khách hàng có thể nạp tiền vào thẻ qua ứng dụng "Timbus" trên điện thoại di động, rất tiện lợi.
Việc sử dụng vé điện tử, cách thức quản lý bến chờ hiện đại được hy vọng là sẽ thu hút người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng. Giải pháp này có thể sẽ được áp dụng trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá ở Hà Nội.
Đỗ xe cũng là 1 vấn đề phức tạp khác trong các thành phố lớn. Không quản lý được các bãi đỗ xe có thể làm thất thu lớn cho ngân sách, và gia tăng tình trạng ùn tắc giao thông, gây khó khăn cho các phương tiện khi muốn tìm chỗ đậu xe.
Năm 2018, việc quản lý đỗ xe qua ứng dụng iParking được đẩy mạnh ở Hà Nội. Với ứng dụng này, người dùng có thể tìm được điểm đỗ xe thích hợp với lộ trình của mình, kiểm tra chỗ trống, hẹn lịch và than toán trực tuyến.
Ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng có ứng dụng My Parking để quản lý xe đậu dưới lòng đường. Ở 1 số tuyến đường quận 1, 5 và 10 cho phép ô tô đỗ xe dưới lòng đường để tận dụng cơ sở hạ tầng và để chủ động quản lý việc đỗ xe của tài xế. Tài xế sẽ phải cài ứng dụng My Parking để đăng ký và thanh toán cho việc đậu xe của mình.
Công nghệ trong Quản lý mạng lưới điện
Nếu như các năm trước, tình trạng mất điện thường xuyên xảy ra gây ra khó khăn lớn trong sinh hoạt của người dân và hoạt động của các doanh nghiệp. Thì năm 2018 đánh dấu một cột mốc đáng nhớ khi tình trạng này đã giảm mạnh. Một phần lớn là nhờ áp dụng những giải pháp công nghệ trong quản lý mạng lưới điện.
Tiêu biểu là Công ty Điện lực Quảng Trị đã ứng dụng các thiết bị như Fly cam, Camera nhiệt, kết nối điều khiển xa thiết bị, ... để theo dõi và bảo trì mạng lưới điện.
Trong 9 tháng đầu năm 2018, camera nhiệt đã phát hiện 70/15.000 vị trí trên lưới điện có nhiệt độ trên mức cho phép và xử lý kịp thời, các thiết bị điều khiển từ xa giúp chuyển lưới mà không mất điện khách hàng.
Ở phạm vi toàn Quốc, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đang áp dụng công nghệ để tự động hoá mô hình "Trạm biến áp không người trực". Giúp quản lý sản lượng điện năng truyền tải hiệu quả hơn, giảm tổn thất điện năng, duy trì ổn định an toàn cho mạng lưới điện, và giảm đáng kể nhân công trực trạm.
Với những thành công bước đầu trong ngành điện, những năm tới ngành nước nước ta cũng sẽ áp dụng công nghệ vào việc quản lý, để tiết kiệm chi phí, cũng như hoạt động hiệu quả hơn.
2018 là 1 năm cho việc hoàn thiện các mô hình ứng dụng công nghệ trong việc quản lý xã hội. Với nền tảng trong năm 2018, năm 2019 hứa hẹn sẽ là 1 năm bùng bổ các ứng dụng được áp dụng đại trà, giúp xã hội vận hành trơn tru và hiệu quả hơn.
Surphi10