Câu chuyện đầu tư tự thân theo đúng nghĩa đen
Câu chuyện về một người đàn ông đưa chính mình lên sàn giao dịch… và đẩy việc “cố vấn đời sống” cho các nhà đầu tư của anh ta.
Đúng vậy, thật sự là có một người đàn ông đã rao bán chính mình trên thị trường chứng khoán đầy biến động - một ý tưởng kì quặc bất chợt nảy ra trong một đêm đông giá lạnh.
Anh ta là Mike Merill, cư dân khu Coldfoot, tiểu bang Alaska (Hoa Kỳ) nơi có dân số là… 10 người.
Từ sự nghiệp vô định…
Thuở thiếu thời, cậu nhóc Mike dành thời gian rong ruổi trên những cánh đồng băng rộng lớn ở thị trấn Yukon-Koyukuk tí tẹo thưa thớt. Mike không phải đến trường; những người dạy dỗ cậu tại nhà là bố cậu (một nhà truyền giáo Thiên chúa sau này trở thành cảnh sát tuần tra của bang) và mẹ cậu (một thành viên đội cứu hộ).
Lớn lên, Merrill gia nhập quân đội Mỹ và được giải ngũ sau 3 năm tòng quân. Giữa lúc gặp bế tắc về sự nghiệp và định hình bản thân, Merrill cùng một người bạn chuyển đến Portland, bang Oregon và trải qua nhiều công việc lặt vặt không chuyên tại một cơ sở phát triển phần mềm.
Một đêm mùa đông nọ, trong lúc tự vấn về lựa chọn quan trọng trong phần đời còn lại, một tia nghĩ bỗng lóe lên trong đầu anh chàng mới trước đó còn đang rối bời: “Mình có nên để những người khác thay mình kiểm soát… cuộc đời mình?”
Thoạt nghe thì ý tưởng đó thật ngớ ngẩn: có điên mới để người khác chi phối cuộc đời mình, nhưng…
… đến ý tưởng quyết định
Trong đêm mùa đông đó, việc đầu tiên Merrill làm sau ý tưởng độc đáo kia là xác định giá trị của bản thân (tất nhiên là giá trị quy ra tiền). Anh ta vẫn đang đi làm vào ban ngày lúc bấy giờ, nên anh ta đã tính giá trị dựa trên khoảng thời gian rảnh (ban đêm và cuối tuần) - tổng cộng khoảng 100.000 đôla Mỹ, mức giá trị mà anh chia ra thành 100.000 cổ phiếu với mức giá 1 đôla/cổ phiếu.
Tiếp đó, Merrill tiến hành các hoạt động quảng bá và kinh doanh như một doanh nghiệp thực thụ. Có đến 12 người bạn của anh mua 929 cổ phiếu trong 10 ngày đầu tiên kể từ đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu tiên diễn ra vào ngày 26/01/2008.
Chưa hết, Merrill điều chỉnh 99,1% số cổ phiếu anh ta sở hữu thành loại không biểu quyết - đồng nghĩa với việc các cổ đông còn lại có toàn quyền quyết định đối với “đối tượng đầu tư” của họ.
“Cố vấn Cuộc đời” lên đến mức Riêng tư
Tiếp đó, Merrill lập ra trang web KmileyM.com để các nhà đầu tư - hầu hết là người anh chẳng hề quen biết - thực hiện quyền biểu quyết: anh đăng những mong muốn và dự định của mình, và các nhà đầu tư sẽ bỏ phiếu “Thuận” hoặc “Chống”.
Ban đầu chỉ là bài đăng về những ý định hơi tầm phào: “Liệu Merrill có nên dành 79,63 đôla Mỹ đầu tư trại gà ở nước Rwanda” (được ủng hộ với số phiếu áp đảo) hoặc “Để ria mép mùa đông” (bị phản đối), nhưng rồi mức độ riêng tư của các ý định tăng dần - tỉ lệ thuận với mức độ nghiêm túc từ các nhà đầu tư.
Ví dụ số 1: cuối năm lên sàn đầu tiên, Merrill có kế hoạch dọn về ở chung với cô bạn gái đã quen được 5 năm, và các cổ đông đã rất tức giận khi biết ý định ấy. Merrill kể rằng anh nhận được những email với nội dung như “Chúng tôi cần có ý kiến về những chuyện như thế này vì chúng có ảnh hưởng đến cuộc đời anh”, đồng thời cho biết kể từ lần đó, anh để cho các cổ đông góp ý vào cả đời sống riêng tư của anh.
Ví dụ số 2 - “liệu Merrill có nên tránh thai bằng cách phẫu thuật cắt ống dẫn tinh”. Các nhà đầu tư cảm thấy ý tưởng này là một gánh nặng tài chính, nên có đến 55% trong số họ phủ quyết.
Đó chỉ là 2 trong số những ý tưởng về cuộc sống cá nhân của Merrill được đem ra bầu bán, bên cạnh những cái tên khác như “Merrill chia thời gian ngủ thành nhiều giấc ngắn trong ngày” (được ủng hộ), “Merrill chính thức trở thành Đảng viên Cộng hòa” (vẫn được ủng hộ), “Merrill chuyển sang ăn chay” (lại được ủng hộ).
Lí trí và Tình cảm - Cổ phiếu vs. Cổ đông
Đến năm 2012, khi mối quan hệ tình cảm của Merrill gặp trắc trở, anh lại quay sang tìm lời khuyên (đúng hơn là “quyết định”) từ “Ban Cố vấn Cuộc đời” của mình. Anh viết trong một bức thư: “Thường thì sẽ chẳng ai ý kiến nếu ai đó muốn mua hoa hoặc đi ăn tối hoặc đi xem phim với người đang hẹn hò.
Tuy nhiên, với tư cách là cổ phiếu được giao dịch công khai và với trách nhiệm mang lại hiệu quả đầu tư cho các cổ đông, đây là một trường hợp đặc biệt: một mối quan hệ tình cảm sẽ tác động đến hiệu quả và giá trị của tôi.”.
Trong bản cam kết mang tên “Quyền Kiểm soát của Cổ đông với các Mối Quan hệ Tình cảm”, Merrill đặt vấn đề liệu các nhà đầu tư có muốn toàn quyền chi phối đời sống tình cảm của anh hay không - bản cam kết nhanh chóng được thông qua với 86% phiếu thuận.
Bàn về chuyện kiểm soát tình cảm này, Merrill cho biết: “Chúng ta đều gặp tình huống phân vân giữa việc lắng nghe con tim của bản thân hay cân nhắc lời phản đối của bạn bè về chuyện hẹn hò. Bạn bè không thể cho lời khuyên khách quan, nhưng các nhà đầu tư thì có thể.”.
Từ khi ủy quyền, Merrill trải qua nhiều cuộc hẹn, cập nhật tình hình hẹn hò chi tiết cho các cổ đông và trông cậy vào phản hồi của họ. Anh chàng cuối cùng đã “được phép” qua lại với cô trợ lí 28 tuổi Marijke Dixon, thậm chí còn đề xuất với cô một “hợp đồng hẹn hò” 3 tháng.
Những cái “tăng”
Một buổi chiều năm 2009, câu chuyện của Merrill xuất hiện trên trang Hacker News - một diễn đàn nổi tiếng điều hành bởi tập đoàn chuyên tăng tốc khởi nghiệp Y Combinator.
Ngay lập tức, Gordon Shephard, một giám đốc phát triển phần mềm 40 tuổi ở San Francisco, bị mê hoặc bởi câu chuyện đến mức ông mua 6.400 đôla Mỹ cổ phiếu Merrill từ các nhà đầu tư khác, qua đó đẩy giá cổ phiếu lên 11,75 đôla/cổ phiếu.
Sau vụ đó, anh trai của Merrill - một trong những người đầu tiên mua cổ phiếu - đã bán hết sổ cổ phiếu anh ta sở hữu và có đủ tiền mua… máy rửa chén cho căn bếp của anh ta.
Cùng với việc Merrill cho phép các cổ đông nhúng vào những vấn đề riêng tư nhất của anh, ngày càng có nhiều người muốn là thành viên Ban Cố vấn - những người lạ khao khát kiểm soát cuộc đời anh.
Đến năm 2013, câu chuyện của Merrill xuất hiện trên các kênh tin cỡ bự như trang công nghệ Wired, tạp chí The Atlantic, hay chương trình đối thoại Today Show, thu hút một lượng lớn nhà đầu tư mới. Chỉ trong một tháng, số cổ đông tăng gấp 4: từ 120 người lên hơn 500 người. Cổ phiếu Merrill vọt lên 18 đôla Mỹ/cổ phiếu, nâng giá trị của Merrill lên 1,2 triệu đôla chỉ sau một đêm.
Về các nhà đầu tư
Làn sóng các nhà đầu tư mới đã thay đổi cách nhìn của Merrill về ý tưởng đầu tư tự thân của mình. Anh nói: “Ban đầu mọi người chỉ muốn đổ tiền vào Mike Merrill, nhưng rồi họ trở nên hứng thú với ý tưởng và sự độc đáo hơn là với cuộc đời tôi. Đó là một cảm giác kì cục và xa lạ nhưng rất thú vị, và nó thật như cuộc sống.”.
Nhóm cổ đông của Merrill gồm người lạ và bạn của anh (những nhà đầu tư đầu tiên). Anh nhận thấy cần phải hạn chế tình trạng “giao dịch nội bộ” vì bạn của anh thường xuyên gặp và biết rõ về anh hơn là những người lạ biết về anh, và biện pháp của Merrill là liên tục cập nhật công khai về cuộc sống của mình.
Cũng theo Merrill, ý kiến của người lạ thì đáng cân nhắc hơn vì họ “khách quan hơn”. Anh cho biết: “Khi người ta hiểu biết quá nhiều về bạn, họ sẽ ủng hộ cái họ nghĩ bạn muốn, trong khi cái đó chưa chắc phù hợp với bạn.”.
Các cổ đông thường xuyên ủng hộ Merrill chấp nhận mạo hiểm, như ‘rời bỏ công việc văn phòng đã làm 10 năm’, ‘tái lập kế hoạch tài chính’, hay ‘ chuyển đến sống trong một căn nhà chật hẹp’.
Trong nhiều trường hợp, họ “tán thành” nhiều hơn “phản đối”: trong 134 lần biểu quyết, có 93 lần (69%) các cổ đông nói “có” so với 41 lần nói “không” (31%). Theo lời Merrill, các cổ đông thúc đẩy anh làm những điều anh không nghĩ mình sẽ làm, và thường thì kết quả của những điều này lại tích cực.
Thị trường biến động… nhưng vẫn duy trì
Giá cổ phiếu Merrill vẫn phụ thuộc vào nhu cầu vốn thay đổi liên tục dựa trên mức độ xuất hiện công chúng. Sự chú ý giảm trong những năm gần đây đã khiến giá cổ phiếu chỉ còn 5,24 đôla Mỹ. Với nhiều nhà đầu tư - hầu hết bắt đầu khi mức giá chỉ là 1 đôla - tiền lãi ở mức giá hiện tại với khá đáng kể.
Còn về Merrill, anh ta cũng không hưởng lợi nhuận từ thương vụ của mình. Suốt một thập niên thực hiện ý tưởng, Merrill để tiền bán cổ phiếu yên vị trong một tài khoản ngân hàng và không bao giờ động đến.
Hiện tại, anh vẫn đăng những ý định của mình để các cổ đông bỏ phiếu, dù mức độ hấp dẫn không còn như trước (một ý định ‘mua túi đeo thắt lưng’ gần đây đã bị phủ quyết). Merrill cho biết: “Tôi có một Ban Cố vấn cực kì hiệu quả và sẵn lòng đưa phản hồi và lời khuyên giúp tôi về bất kì vấn đề gì. Ai lại không muốn có một đội ngũ tâm phúc như vậy chứ?”.
Quốc Huy (Theo The Hustle)